Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025: Doanh nghiệp “chỉ sống” khi chủ động thích ứng

GD&TĐ - Theo chuyên gia, muốn tái cấu trúc kinh tế, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa để gỡ nút thắt. Bên cạnh đó, cần huy động các nguồn lực nội tại để phục hồi, phát triển kinh tế.

Trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư. Ảnh minh họa
Trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư. Ảnh minh họa

Cần thực sự bứt phá

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho biết, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều cuộc bàn bạc về giải pháp phát triển bền vững nền kinh tế.

Sau giai đoạn 2016 - 2020, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực. Song trước đại dịch Covid-19 và những diễn biến khó lường của tình hình thế giới, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó có việc đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, chúng ta đã đạt được nhiều dấu ấn tích cực trong tái cơ cấu nền kinh tế từ thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đồng thời đẩy mạnh công tác quy hoạch, cơ cấu lại ngành và vùng kinh tế. Bước đầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế... Bên cạnh đó là hình thành đồng bộ và thúc đẩy phát triển các loại thị trường.

Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được thúc đẩy, chuyển đổi số, các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh đã phát huy tác dụng, tạo được niềm tin của nhà đầu tư... Cơ cấu đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỉ trọng đầu tư của Nhà nước trong tổng vốn đầu tư xã hội…

Theo ông Hoàng Quang Phòng, mặc dù đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ, song việc triển khai cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 ở nước ta vẫn còn một số hạn chế. Mô hình tăng trưởng có thay đổi nhưng còn chậm. Tốc độ tăng năng suất lao động nội ngành chưa cao.

Bên cạnh đó, đóng góp của tiến bộ khoa học công nghệ vào tăng năng suất lao động chưa nhiều. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành chưa rõ nét, chưa bền vững. Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, nơi tạo ra giá trị gia tăng thấp. Các ngành công nghiệp chủ đạo như dệt may, da giày, điện tử Việt Nam có tỷ lệ nhập khẩu còn khá cao, nguyên liệu đồng thời phụ thuộc không nhỏ vào một số thị trường…

Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, khu vực tư nhân phát triển cũng chưa tương xứng với quy mô và độ mở của nền kinh tế. Mức độ phụ thuộc vào khu vực kinh tế nước ngoài chưa giảm.

Mặt khác, còn có những tồn tại, bất cập trong không ít quy định hiện hành đang gây khó khăn cho việc thực hiện có hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cải cách thể chế kinh tế và thực hiện các chương trình cơ cấu lại nền kinh tế chưa được tiến hành một cách nhất quán, toàn diện để hình thành một cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn.

“Để đạt được các mục tiêu dự kiến đặt ra và khát vọng phát triển đất nước trong thập kỷ tới, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong giai đoạn 2021 - 2025 cần được đẩy nhanh hơn và thực sự bứt phá.

Theo đó, muốn trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045, tốc độ tăng năng suất lao động ít nhất phải đạt 6,5% hàng năm. Con số này cao hơn so với kết quả đạt được giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%”, ông Hoàng Quang Phòng cho biết.

Không chỉ là thách thức

Phó Chủ tịch VCCI cũng chỉ ra, trong tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên thế giới đã xuất hiện các xu hướng mới về dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số. Cùng với đó là sự thay đổi nhanh chóng của các mô hình kinh doanh, phương thức sản xuất, tiêu dùng… Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam.

“Việc tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần được doanh nghiệp quan tâm, đặt mình trong vai trò chủ động. Do môi trường kinh doanh còn có yếu tố chưa ổn định và đặc biệt là sự bất ổn do đại dịch toàn cầu đưa tới. Vì vậy, doanh nghiệp cần thích ứng và có điều chỉnh phù hợp”, ông Phòng nhấn mạnh.

TS Lê Võ Phương Nga, Giám đốc Quản trị tài chính, Credit Agricole Pháp, cho rằng, chúng ta thực sự đứng trong bối cảnh quốc tế đặc biệt hơn tất cả cơ cấu kinh tế mà chúng ta từng biết. Dịch bệnh đã khiến rất nhiều thách thức đặt ra. Nhưng đi kèm với nhiều cơ hội mà nhiều doanh nghiệp đang nắm bắt.

Theo đó, bà Lê Võ Phương Nga đưa ra nhận định về 4 bài toán cần giải để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế. Thứ nhất là mô hình kinh tế tương lai, hướng đến phát triển kinh tế xanh và kinh tế số. Thứ hai, cần nâng cao tương tác quốc gia, khả năng cạnh tranh, khả năng hợp tác, vị thế trong chuỗi giá trị và tương tác về nguồn lực lao động.

Thứ ba là tái cơ cấu kinh tế về chiều sâu, không chỉ thay đổi cấu trúc mà là thứ tự ưu tiên, cần phân bổ lại nguồn lực phát triển ở tầm quốc gia, ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin. Cuối cùng là thể chế, môi trường kinh doanh của Việt Nam đã giảm 2 năm liên tiếp do tác động của đại dịch. Áp lực hiện tại là cải cách thể chế và môi tường kinh doanh không phải trên giấy tờ mà bằng hành động cụ thể từ phía Nhà nước để chào đón doanh nghiệp.

Để giải được các bài toán này, theo bà Nga, tái cơ cấu nền kinh kinh tế trong tình hình mới bằng huy động nguồn lực nội tại. Trước hết là tận dụng nguồn lực về tài chính trong dân, lượng tiền đầu tư vào nền kinh tế nằm rải rác trong dân. Việc đẩy được lượng tiền này vào lại nền kinh tế là cực kì cấp bách cho việc phục hồi kinh tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ