Thay đổi để thích ứng

GD&TĐ - Mới đây, chia sẻ trên diễn đàn, một sinh viên cho biết mình bị trừ 50% điểm do sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) để viết tiểu luận.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Chia sẻ của sinh viên này phản ánh xu hướng người học sử dụng AI, đặc biệt là ChatGPT trong các bài viết học thuật.

Kể từ khi ChatGPT ra mắt cuối năm 2022, nhiều trường học trên thế giới đã phát hiện sinh viên nhờ chatbot viết thay bài tập, tiểu luận, thậm chí cả luận văn tốt nghiệp. Nhiều trường đã có quy định nghiêm khắc liên quan đến chống đạo văn bằng AI. Chẳng hạn, Trung Quốc đã xem xét dự luật mới cho phép trường đại học thu hồi bằng nếu phát hiện sinh viên dùng công cụ AI như ChatGPT để làm luận văn. 1/3 trường đại học thuộc nhóm Russell tại Anh như Đại học Oxford và Cambridge… cấm sinh viên dùng chatbot AI trong các bài luận tính điểm.

Tại Việt Nam, tuy chưa nhiều trường phát hiện hay có quy định về đạo văn liên quan AI, thế nhưng tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng nội dung và ý tưởng của người khác làm của mình, sao chép những đoạn văn dù dài hay ngắn từ một nguồn mà không trích dẫn phù hợp khá phổ biến.

Ông Trần Quốc Vượng - giảng viên và nghiên cứu sinh Công nghệ thông tin tại một trường đại học ở Hà Nội chia sẻ với VNExpress rằng, khi đem các khóa luận của sinh viên đi kiểm tra, ông thấy hầu hết có yếu tố đạo văn, ít thì 15%, có bài còn sao chép đến 40%.

Đáng chú ý, từ khi có ChatGPT, chỉ cần gõ Google cụm từ khóa: “Cách viết luận văn bằng ChatGPT không bị phát hiện”, xuất hiện nhiều trang hướng dẫn từ A đến Z. Thực tế này cho thấy nhu cầu người học dùng ứng dụng AI để làm bài rất lớn.

PGS.TS Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân xác nhận có hiện tượng sinh viên dùng đề bài, đưa ra yêu cầu để ChatGPT làm hộ. Thậm chí, có trường hợp giảng viên không chịu ra đề bài cho học viên và yêu cầu ChatGPT làm thay. Một số giảng viên, sinh viên còn cho biết nhiều bài viết có đạo văn bằng ChatGPT, nhưng phần mềm kiểm tra đạo văn vẫn… cho qua.

Đạo văn được xem là hành vi vi phạm nghiêm trọng trong môi trường học thuật và nghiên cứu, vì thế những năm qua ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống. Ở khối đại học, đa số trường đều áp dụng phần mềm để sinh viên, giảng viên kiểm tra có hay không việc đạo văn khi làm bài, đi kèm những quy định và chế tài nghiêm khắc.

Ở bậc phổ thông, Chương trình GDPT mới cũng quan tâm giáo dục cho học sinh ý thức, kỹ năng liên quan đến tôn trọng bản quyền và tránh đạo văn thông qua các môn học như Ngữ văn, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật…

Tuy vậy, trong bối cảnh AI, ChatGPT… ngày càng phát triển, vấn đề đạo văn liên quan đến công nghệ đã và đang phá vỡ những quy chuẩn, khái niệm, nhận thức truyền thống. Có nên ứng dụng ChatGPT để viết luận, ứng dụng mức độ như thế nào để không đạo văn, kiểm tra đạo văn như thế nào khi nhiều phần mềm không gác cửa nổi các bài luận chế từ ChatGPT… là vấn đề gay cấn đang đặt ra cho các trường.

Giáo dục cho học sinh, sinh viên có ý thức và kỹ năng liên quan đến tôn trọng bản quyền, tránh đạo văn là nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục, giúp người học có khả năng sống và làm việc hướng đến chuẩn mực quốc tế, góp phần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo. Tuy vậy, trong thế giới nhiều thay đổi bởi ứng dụng công nghệ, việc phòng chống đạo văn cần phải thay đổi để thích ứng.

Song song với xây dựng các quy định, hướng dẫn rõ ràng về phòng chống đạo văn và tuyên truyền sâu rộng đến người dạy, người học, nhà trường phải triệt để thay đổi cách kiểm tra đánh giá để phù hợp hơn với bối cảnh AI ngày càng ứng dụng rộng rãi trong giáo dục. Mỗi khi kiểm tra đánh giá theo hướng đề cao suy nghĩ, độ hiểu biết của người học, không tập trung vào việc ghi nhớ, học thuộc kiến thức, có sự giám sát chéo, thì chắc chắn nạn đạo văn với AI sẽ được khắc chế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ