Câu hỏi sau bản án TS đạo văn
Tuần qua, nhiều ý kiến lên tiếng trước bản án của Hội đồng xét xử đã tuyên ngày 14/12 liên quan đến vụ án ông Hoàng Xuân Quế (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, TP.Hà Nội).
Ngay tối cùng ngày có bản án, Bộ GDĐT đã ra thông cáo báo chí, khẳng định không chấp nhận bản án Hội đồng xét xử đã tuyên ngày 14/12 vì không đúng với các quy định pháp luật tại thời điểm xảy ra vi phạm. Bộ GDĐT sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân TP Hà Nội về vụ “đạo văn” của ông Hoàng Xuân Quế để các quy định của pháp luật được thực thi, bảo về kỷ cương trong giáo dục, bảo vệ chủ trương của Đảng và Nhà nước về nâng cao chất lượng giáo dục và đạo đức Nhà giáo.
Trong thông cáo, Bộ GDĐT đưa ra phân tích để khẳng định cuốn luận án tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế tại Thư viện Quốc gia mà Bộ GDĐT đang thu giữ, chính là cuốn luận án đã được ông Hoàng Xuân Quế sử dụng để bảo vệ trước Hội đồng chấm luận án tiến sĩ cấp Nhà nước ngày 26/10/2003.
Đồng thời cho rằng, không thể phủ nhận giá trị pháp lý của 3 cuốn luận án được Bộ GDĐT sử dụng làm căn cứ đối sánh nội dung sao chép. Các cuốn luận án gốc trên đã được Bộ GDĐT thu thập và lưu giữ đầy đủ trong hồ sơ vụ việc, khi thu nhận các quyển luận án để làm căn cứ đối chiếu nội dung sao chép đều có đầy đủ biên bản và xác nhận của các Thư viện.
Về chữ ký tại Lời cam đoan trên các quyển luận án: Tại thời điểm 2003 khi ông Quế bảo vệ luận án, không có quy định nào bắt buộc nghiên cứu sinh phải ký vào Lời cam đoan. Vì không có quy định bắt buộc nên thực tế có rất nhiều trường hợp không ký tên vào Lời cam đoan khi nộp luận án cho Thư viện.
Về 3 cuốn luận án do ông Hoàng Xuân Quế nộp lại và khẳng định là bản chính thức được dùng để bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án tiến sỹ cấp nhà nước ngày 26/10/2003, Bộ GDĐT cũng cho biết đã xem xét nhận thấy nhiều điểm không đúng quy định…
Từ nhiều phân tích lật lại kết quả tuyên án, Bộ GDĐT khẳng định: Bộ trưởng Bộ GDĐT thu hồi bằng tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.
Liên quan đến bản án này, báo Giáo dục và Thời đại đưa tin: ông Đặng Ngọc Đức - Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã bỏ qua nhiều tình tiết và chứng cứ quan trọng; những căn cứ để Tòa đã tuyên án là không thuyết phục, không bám sát vào các quy định về đào tạo và cấp bằng tiến sĩ.
Cũng theo ông Đặng Ngọc Đức, một số chứng cứ, tình tiết rất quan trọng đã không được nhắc tới trong căn cứ phán quyết của Tòa án TP Hà Nội. Cụ thể:
Bộ GD&ĐT đã rất nhân văn, cho phép ông Hoàng Xuân Quế nộp lại bản luận án “chính thức” và ông Quế đã nộp cho Bộ GDĐT nhưng không thấy Tòa xem xét hay đề cập đến kết quả xem xét các bản luận án này.
Một năm sau khi bảo vệ luận án, năm 2004 ông Hoàng Xuân Quế còn xuất bản cuốn sách tham khảo “Bàn về các công cụ của chính sách tiền tệ ở Việt Nam hiện nay” với nội dung cơ bản là bản luận án bảo vệ năm 2003. Cuốn sách này được kê khai trong danh mục công trình khoa học để được xét học hàm Phó Giáo sư và đã được ông Quế tặng cho rất nhiều người. Tuy nhiên, cuốn sách này cũng không được đề cập tới trong các luận cứ của Tòa khi tuyên án.
Ông Đức đồng tình cao việc Bộ GDĐT quyết tâm kháng cáo và cho rằng, Bộ GDĐT cần phải có đề xuất ý kiến với Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và Tòa án Nhân dân Tối cao để tăng cường sự giám sát quá trình thụ lý, giải quyết vụ việc của Tòa án Hà Nội trong phiên phúc thẩm sắp tới.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội |
Kết luận vụ đóng tiền “chống trượt” tại Trường ĐH Công nghiệp HN
Tuần qua, báo chí đồng loạt đưa tin kết luận của Bộ Công Thương về việc đóng tiền “chống trượt” ngoại ngữ tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Theo kết luận này, Trưởng khoa Ngoại ngữ của Trường đã tự quyết định thành lập lớp, sử dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của Nhà trường, đưa ra mức thu không có cơ sở, thu tiền của sinh viên không có phiếu thu. Khoản tiền đã thu được quản lý tại Khoa Ngoại ngữ chưa nộp về Nhà trường theo quy định và tự quyết định một số chi phí…
Bộ Công Thương yêu cầu Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội rà soát và tổ chức thực hiện đúng các quy định của pháp luật về công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng và công tác quản lý tài chính...; chấm dứt việc tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên không đảm bảo quy định của pháp luật.
Yêu cầu Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có biện pháp khắc phục triệt để các vi phạm trên; tổ chức kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm khắc hoặc đề nghị hình thức xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan đã để xảy ra những sai phạm nêu trên và báo cáo kết quả thực hiện báo cáo về Bộ Công Thương trước ngày 10/1/2019.
Cũng theo kết luận thanh tra, ngoài ra, một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD&ĐT liên quan đến vụ việc báo chí phản ánh, hiện nay, Đoàn thanh tra của Bộ GD&ĐT đang tiến hành thanh tra tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội về công tác tổ chức học và thi chứng chỉ tiếng Anh chuẩn đầu ra trình độ đại học.
Em Nguyễn Tấn Hiếu |
Thêm nhiều tấm gương người tốt, việc tốt
Tuần qua, câu chuyện em Nguyễn Tấn Hiếu (học sinh lớp 12/10 Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) trả lại 50 triệu đồng cho người đánh rơi được nhiều báo chí đưa tin
Theo Công an nhân dân, gia đình của em Hiếu thuộc diện hộ cận nghèo, cha bị khuyết tật câm điếc đang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hiếu còn có một người em trai cũng bị khuyết tật bẩm sinh đang ở Làng hy vọng Đà Nẵng.
Ông Lê Quang Quỳnh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Nam - cho biết: Tỉnh đoàn trân trọng ghi nhận và khen ngợi việc làm tốt đẹp của em Hiếu nên quyết định tặng bằng khen đồng thời vận động các Mạnh Thường Quân trao học bổng trị giá 3 triệu đồng cho em Hiếu.
Báo Nguoiduatin.vn chia sẻ câu chuyện Nguyễn Thu Huyền (sinh năm 2001), nữ sinh lớp chuyên Anh Trường THPT Chuyên Bắc Ninh, TP. Bắc Ninh vừa nhận được niềm vui lớn khi giành được học bổng 6 tỷ đồng của trường đại học Mỹ.
Từ khi còn học cấp 2, Huyền đã tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Văn và tiếng Anh của trường. Năm lớp 9, em đạt Huy chương Vàng cuộc thi tiếng Anh trên Internet.
Để chuẩn bị cho bài thi ACT, Huyền chọn theo học một người chị đi trước hiện đang du học ở Hà Lan với mức học phí rất rẻ. Hai chị em học với nhau trực tuyến. Vì lệch múi giờ nên em thường xuyên phải học từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng. Ngoài ra, phần lớn em dành thời gian tự học qua mạng. Kết quả cuối cùng, Huyền đạt 31/36 điểm ACT, Toán SAT 2 đạt 800/800, IELTS 7.5.
Báo Pháp luật Việt Nam có bài viết xúc động về hàng trăm giáo viên ở huyện miền núi Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi) đứng ra đỡ đầu cho gần 1.000 học trò khó khăn ở khắp các điểm trường trong huyện. Việc làm này không những hạn chế được tình trạng học sinh bỏ học, mà còn tô đẹp thêm hình ảnh về nghĩa cử thầy trò.
Khít là một học sinh khuyết tật được cô Võ Thị Thanh Thủy - Hiệu phó Trường Tiểu học số 2 Di Lăng - đỡ đầu |
Đến nay, toàn huyện Sơn Hà có 550 thầy, cô giáo ở 39 đơn vị trường học nhận đỡ đầu cho 935 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, các em được nhận đỡ đầu đều phát triển tốt, có sự tiến bộ trong học tập, không còn ý định nghỉ học và đặc biệt là tâm lý của các em được cải thiện đáng kể. Nếu trước năm 2015, tình trạng học sinh đi học kiểu “giã gạo” trên địa bàn huyện khoảng 30%, đến nay chỉ còn dưới 8% tùy vào từng trường.
Sau hơn 2 năm triển khai, phong trào “Giáo viên nhận đỡ đầu học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi, học sinh học yếu, học sinh có nguy cơ bỏ học” đã lan tỏa mạnh mẽ, được nhiều thầy, cô giáo dành tâm huyết, tình yêu thương chăm sóc học sinh như con ruột của mình. Nhờ đó, các em thích đến trường hơn, học tập tiến bộ, chất lượng giáo dục của huyện từ đó cũng được nâng lên.