Thay đổi để hạnh phúc

GD&TĐ - Những ngày qua, thông điệp về “Trường học hạnh phúc” của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã được dư luận hoan nghênh và đón nhận nồng nhiệt. Trường học hạnh phúc - kết quả được tạo bởi các hành vi ứng xử chuẩn mực của những thầy cô có đạo đức trong sáng, lòng yêu nghề và sự tận tâm tận lực với học sinh, tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Còn nhớ vụ bạo lực học đường ở Trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) hay vụ cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng và một số vụ việc khác... là những bài học đắt giá về văn hóa ứng xử và đạo đức nhà giáo. Mấu chốt của vấn đề là năng lực ứng xử sư phạm của một số nhà giáo còn hạn chế, thiếu kỹ năng xử lý tình huống.

Như chúng ta đã biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quá trình đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29 của T.Ư Đảng là nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo, đáp ứng những yêu cầu của ngành GD và của xã hội. Năng lực nhà giáo là yếu tố quyết định chất lượng GD trong mỗi nhà trường, quyết định sự thành công của quá trình đổi mới và là nền tảng cho sự nghiệp GD trên cả chặng đường dài.

Do đó, nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động trong ngành GD là việc làm cần thiết nhằm tạo ra những thay đổi ngay từ chính các thầy cô giáo. Bởi muốn đổi mới GD trước hết phải đổi mới từ những người làm GD. Để làm được điều này, thiết nghĩa các cấp quản lý, các đoàn thể xã hội đều phải có trách nhiệm với ngành GD và tạo điều kiện cho sự nghiệp GD phát triển ở mỗi địa phương, đơn vị. Đặc biệt là luôn tạo cơ hội cho nhà giáo có được nguồn năng lượng tốt nhất nhằm tạo ra môi trường GD an toàn, năng động, thân thiện và văn minh.

Chúng ta cần hướng đến môi trường sư phạm lành mạnh, văn minh, thân thiện với giá trị cốt lõi: “Yêu thương, an toàn và tôn trọng”. Do đó hơn ai hết, các thầy cô giáo cũng cần không ngừng trang bị cho mình những hiểu biết nhiều hơn nữa, sâu sắc hơn nữa về những quy định, quy phạm, trách nhiệm và quyền hạn của giáo viên. Từ đó thực hiện nhiệm vụ GD một cách hiệu quả và đúng quy định. Đồng thời không ngừng học tập, tự rèn luyện, bổ sung những kỹ năng nghiệp vụ để vững vàng hơn khi đối mặt và xử lý những tình huống sư phạm, tình huống xã hội đang diễn ra ngày càng phong phú và đa dạng trong và ngoài nhà trường.

Mỗi nhà giáo hãy biến những khó khăn thử thách trong lao động nghề nghiệp trở thành những cơ hội để khẳng định phẩm chất, năng lực của bản thân trước phụ huynh, đồng nghiệp và học trò. Chúng ta cùng lao động và cống hiến vì vinh quang nghề nghiệp, vì niềm tin của xã hội. Hãy cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp, những tấm gương nhà giáo mẫu mực, tâm huyết và sáng tạo trên hành trình của sự nghiệp GD đầy vinh quang nhưng rất đỗi gian nan thử thách.

Hành trình đổi mới của mỗi nhà giáo, mỗi nhà trường hôm nay không hề đơn độc mà luôn có sự đồng hành, dõi theo, chung sức của toàn xã hội. Chúng ta có thể đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt với những đòi hỏi khắt khe về chất lượng của GD toàn diện, nhưng chúng ta cũng đang nhận được sự bao dung độ lượng trước những vấp váp.

Tin rằng, với sự quyết tâm cao, tự mỗi nhà giáo sẽ tạo ra thay đổi cho mình. Nhiều sự thay đổi của các thầy cô sẽ tạo ra môi trường học tập mà ở đó: Giáo viên hạnh phúc - nhà trường hạnh phúc; học sinh hạnh phúc - nhà trường hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ