Thay đổi cần thiết

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hiện nay, xét công nhận tốt nghiệp THCS được thực hiện theo Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT ngày 5/4/2006 của Bộ GD&ĐT.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, với sự ra đời của văn bản quy phạm pháp luật mới, đặc biệt triển khai Chương trình GDPT 2018, đòi hỏi quy định này phải có sự thay đổi phù hợp.

Cụ thể, một số tiêu chí đánh giá kết quả học tập dùng để xét công nhận tốt nghiệp THCS không còn phù hợp với người học theo Chương trình GDPT 2018. Theo đó, Chương trình GDPT 2006 đánh giá người học qua học lực (với các mức độ: Giỏi, khá, trung bình, yếu, kém) và hạnh kiểm (với các mức độ: Tốt, khá, trung bình, yếu). Trong khi đánh giá người học theo Chương trình GDPT 2018 gồm kết quả học tập và rèn luyện đều với các mức độ: Tốt, khá, đạt, chưa đạt.

Bên cạnh đó, hiện những văn bản quy phạm pháp luật làm căn cứ để xây dựng Quyết định số 11/2006/QĐ-BGDĐT đã hết hiệu lực và được thay thế bằng văn bản mới. Đơn cử: Luật Giáo dục 2005 thay thế bằng Luật Giáo dục 2019; Nghị định số 86/2002/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ và Nghị định số 85/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT thay thế bằng Nghị định số 86/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ GD&ĐT và Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.

Đây là lý do Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS nhằm kịp thời ban hành, áp dụng từ năm học 2024 - 2025, thời điểm lứa học sinh đầu tiên học Chương trình GDPT 2018 tốt nghiệp THCS; tạo sự đồng bộ với chủ trương “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” theo Nghị quyết 29-NQ/TW.

Nghiên cứu dự thảo Thông tư cho thấy, có cả nội dung kế thừa và những điểm mới so với quy định hiện hành. Nội dung kế thừa liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; mục đích, yêu cầu xét công nhận tốt nghiệp; quy định về độ tuổi của người học; chính sách ưu tiên; quy trình xét công nhận tốt nghiệp và cấp bằng tốt nghiệp THCS.

Về điểm mới, dự thảo giảm tối đa thủ tục hành chính, bảo đảm cơ hội học tập và quyền lợi người học; đồng thời, tăng cường trách nhiệm của sở/phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục. Đáng chú ý, quy định số lần xét công nhận tốt nghiệp THCS mỗi năm không quá 2 lần (thay vì chỉ 1 như hiện hành) giúp người học chưa được công nhận tốt nghiệp ở lần xét đầu tiên có thêm cơ hội học tập, rèn luyện.

Các điều kiện về kết quả học tập, rèn luyện để xét công nhận tốt nghiệp THCS được điều chỉnh phù hợp với Chương trình GDPT 2018. Người học chưa được công nhận tốt nghiệp từ những năm học trước, không thuộc đối tượng quản lý của cơ sở giáo dục có thể dùng căn cước công dân thay giấy khai sinh.

Về thành phần Hội đồng xét công nhận tốt nghiệp, dự thảo quy định bổ sung thành phần là đại diện Hội đồng trường; số lượng thành viên phải là số lẻ, tối thiểu 7 người. Về cấp bằng tốt nghiệp, dự thảo bãi bỏ quy định xếp loại bằng tốt nghiệp THCS theo Quyết định 11 để bảo đảm sự đồng bộ với việc xét công nhận hoàn thành Chương trình cấp tiểu học và tốt nghiệp THPT.

Từ thực tiễn, nhiều nhà giáo bày tỏ đồng tình với thay đổi trong Quy chế xét công nhận tốt nghiệp THCS; tuy nhiên không tránh khỏi đâu đó có ý kiến băn khoăn trước một số quy định mới. Bởi vậy, sự quan tâm và đóng góp ý kiến có trách nhiệm của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vô cùng cần thiết, giúp quy định mới khi được ban hành có thể phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.