Bộ GD&ĐT vừa tổ chức hội thảo trực tuyến chia sẻ kết quả thử nghiệm bộ công cụ “Hướng dẫn xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học: Chương trình phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới cho học sinh THCS từ 11-14 tuổi”.
Bộ công cụ (được gọi là chương trình “Connect with Respect (CWR) - tạm dịch “Xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng”) đã được triển khai ở nhiều nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương với mong muốn khuyến khích các mối quan hệ mang tính xây dựng, bình đẳng giới và gắn kết xã hội giữa các học sinh và giáo viên.
Việt Nam là một trong những quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được chọn để thực hiện thử nghiệm chương trình CWR tại 7 tỉnh thành gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM với 15 trường THCS trong đó có 8 trường thử nghiệm và 7 trường đối chứng.
“Sau khi học CWR, em cảm thấy thật sự các bạn nam đã thay đổi, không còn trêu đùa những điều tế nhị liên quan đến các bạn nữ. Sau khi học, lớp em đã không còn xảy ra các vụ việc bạo lực giữa nam với nữ” - một em học sinh tại trường THCS Thực Nghiệm (Hà Nội) tham gia khảo sát cho biết.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) chia sẻ: Xây dựng môi trường học tập an toàn, thân thiện và không bạo lực luôn là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu của ngành GD&ĐT. Kết quả tích cực sau khi thử nghiệm Bộ công cụ này là tiền đề để Bộ GD&ĐT tiếp tục sử dụng đại trà trên toàn quốc.
Bà Vũ Phương Ly- chuyên gia chương trinh của UN Women cho rằng, với những kết quả tích cực từ việc thử nghiệm, chúng tôi mong rằng Bộ công cụ sẽ truyền cảm hứng cho các trường THCS khác trong các tỉnh thành đã thử nghiệm và các tỉnh thành trên toàn quốc tiếp tục nhân rộng Bộ công cụ để lan tỏa tinh thần xây dựng mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong tất cả các cơ sở giáo dục.
Trong hai năm (2018-2020) tổng số học sinh THCS được tiếp cận Bộ công cụ này là hơn 1.000 em. Dự án “Thử nghiệm Bộ công cụ Xây dựng Mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng trong trường học” được triển khai với sự tài trợ của chính phủ Australia và Chính phủ Hàn Quốc do Bộ GD&ĐT thực hiện và sự điều phối, hỗ trợ kỹ thuật từ UN Women.