Thầy cô quyết trụ lại vùng khó dạy trò

GD&TĐ - Nhiều thầy, cô giáo tỉnh Quảng Trị đã tình nguyện đến các trường học vùng khó khăn, miền núi công tác...

Sau 1 năm công tác ở Trường THPT A Túc, thầy Võ Văn Tuấn tiếp tục xin ở lại dạy học.
Sau 1 năm công tác ở Trường THPT A Túc, thầy Võ Văn Tuấn tiếp tục xin ở lại dạy học.

Trước thực trạng thiếu giáo viên dạy học theo Chương trình GDPT 2018, nhiều thầy, cô giáo tỉnh Quảng Trị đã tình nguyện đến các trường học vùng khó khăn, miền núi công tác. Đặc biệt, nhiều người sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiếp tục xin ở lại trường để dạy học.

Hết lòng vì trò

Năm học 2023 - 2024, Chương trình GDPT 2018 tiếp tục được triển khai, đặt ra “bài toán” khó về đội ngũ cho các trường. Giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, ngành Giáo dục Quảng Trị đã rà soát, cân đối, luân chuyển giáo viên giữa các trường.

Thấu hiểu những khó khăn, bất cập nói trên, gần 20 giáo viên có đơn tình nguyện đi dạy học ở vùng khó và được Sở GD&ĐT Quảng Trị chấp thuận. Đặc biệt, nhiều thầy giáo sau khi hoàn thành nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 tiếp tục xin ở lại trường.

Năm học 2023 - 2024, thầy Nguyễn Duy Quang (SN 1980, ở xã Hải Thọ, huyện Hải Lăng) - giáo viên bộ môn Tin học, viết đơn tình nguyện tiếp tục ở lại dạy học tại Trường THCS&THPT Đakrông. Đây là ngôi trường đóng ở địa bàn miền núi thuộc thị tứ Tà Rụt, huyện Đakrông. Trường có đa số học sinh là con em đồng bào Vân Kiều, Pa Kô theo học, điều kiện kinh tế phần lớn còn khó khăn.

Một năm trước, thầy Quang rời mái Trường THPT Hải Lăng (huyện Hải Lăng), nơi bản thân đã gắn bó bấy lâu xin chuyển đến dạy học ở Trường THCS&THPT Đakrông, với niềm mong ước đưa kiến thức, kinh nghiệm của mình để truyền đạt cho học sinh vùng cao.

Thầy Quang nhớ lại: “Trước năm học 2022 - 2023, khi nhận thông tin từ sở GD&ĐT thông báo chủ trương và vận động giáo viên đăng ký tình nguyện đến dạy học vùng khó, bản thân có chút đắn đo. Nhưng sau khi bàn bạc, trao đổi với đồng nghiệp trong Tổ Tin học và Ban Giám hiệu Trường THPT Hải Lăng, tôi đã viết đơn tình nguyện nhằm chia sẻ khó khăn của ngành.

Tại buổi gặp mặt động viên các giáo viên luân chuyển, lãnh đạo Sở GD&ĐT đã chia sẻ về những khó khăn trong bố trí đội ngũ, yêu cầu thực hiện nhiệm vụ triển khai dạy học theo chương trình mới và động viên cán bộ, giáo viên tình nguyện đến miền núi, các trường còn thiếu giáo viên để dạy học khiến anh em vững tin và quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”.

TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị trao quyết định cho các giáo viên đến dạy học vùng khó.

TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị trao quyết định cho các giáo viên đến dạy học vùng khó.

Hằng tuần, thầy Quang vượt quãng đường hơn 130km từ nhà đến Trường THCS&THPT Đakrông. Đến cuối tuần, cũng trên con đường ấy, thầy Quang lại trở về với gia đình. Thời gian đầu, thầy chưa quen với đường sá và thời tiết khắc nghiệt miền núi. Tuy nhiên, ban giám hiệu nhà trường luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để thầy công tác, cùng với sự chờ đợi của học sinh nơi đây khiến thầy có thêm động lực để vượt qua.

Được phân công làm chủ nhiệm lớp, thầy Quang có cơ hội gần gũi và hỗ trợ học sinh. Quá trình dạy học, phát hiện em nào học yếu, thầy đều có phương pháp uốn nắn, bổ sung kịp thời. Thầy chia sẻ: “So với bạn cùng trang lứa, học sinh nơi đây thiệt thòi hơn.

Các em hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, phương tiện học tập chưa có đủ. Có em nhà ở Tà Long, cách trường hơn 30km, thậm chí có em ở A Vao, A Bung... cũng rất xa, giao thông đi lại cách trở. Khó khăn nhất là việc duy trì sĩ số, tỷ lệ chuyên cần đầu năm học và sau Tết. Thời điểm này một số em thường nghỉ học tham gia lễ hội hoặc theo gia đình đi làm nên giáo viên phải về tận địa phương để vận động, tuyên truyền”.

Nhiều lần chứng kiến học sinh ở lại bán trú nhưng ngoài cơm thì không có thức ăn, thầy Quang và một số đồng nghiệp lại san sẻ phần ăn của mình để các em có sức học tập. Thầy Quang nói rằng, chế độ bán trú của các em được Nhà nước hỗ trợ, nhưng số tiền ấy được cấp về gia đình nên một số phụ huynh dùng nó để chi tiêu, còn các em phải ăn tạm bợ, có bữa chỉ ăn cơm và rau cho qua bữa.

Tương tự, thầy Phan Thanh Ngưu - giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THPT Bùi Dục Tài cũng có đơn xin ở lại công tác tại Trường THCS&THPT Đakrông thêm 1 năm sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Đây là năm học thứ 5, thầy Ngưu gắn bó với giáo dục vùng khó Đakrông. “Nhiều năm dạy học ở vùng miền núi, tôi nhận thấy học sinh nơi đây khó khăn, thiệt thòi nhiều thứ. Do đó, tôi muốn ở lại để cống hiến một phần công sức của mình giúp trò tiến bộ, trưởng thành hơn”, thầy Ngưu cho biết.

Thầy Tuấn kết nối các nhà hảo tâm để tặng máy tính cho học sinh.

Thầy Tuấn kết nối các nhà hảo tâm để tặng máy tính cho học sinh.

Kết nối yêu thương

Mặc dù đã hoàn thành nhiệm vụ luân chuyển nhưng năm học 2023 - 2024, thầy Võ Văn Tuấn - giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THPT Vĩnh Định, huyện Triệu Phong tiếp tục có đơn tình nguyện ở lại dạy học tại Trường THPT A Túc, huyện Hướng Hóa.

Đóng trên địa bàn miền núi, điều kiện còn nhiều khó khăn nên với học trò Vân Kiều nơi đây, thầy Tuấn luôn gần gũi, ân cần. Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của học trò, đầu năm học 2022 - 2023, khi mới chuyển đến Trường THPT A Túc dạy học, thầy Võ Văn Tuấn đã kết nối nhiều cá nhân, tổ chức hảo tâm để trao tặng học bổng, dụng cụ học tập, máy tính cho các em.

Thầy Tuấn chia sẻ: “Với mong muốn đóng góp một phần sức nhỏ của mình để các em có động lực vươn lên trong học tập và cuộc sống nên tôi kêu gọi người quen, bạn bè nhờ hỗ trợ. Mỗi người chỉ cần cho đi một ít nhưng giúp đỡ đúng người sẽ có thể thay đổi một cuộc đời, số phận”. Có lẽ, đây cũng là lý do khiến thầy luôn trăn trở và tình nguyện ở lại mảnh đất vùng cao để dạy học.

Thầy Nguyễn Tửu - Hiệu trưởng Trường THPT A Túc (huyện Hướng Hóa) cho biết, năm học vừa qua, nhờ xác định mục tiêu cụ thể, cùng với việc ban hành kế hoạch giáo dục và chương trình dạy học hợp lý, trên cơ sở phát huy thế mạnh của giáo viên và học sinh, nên chất lượng học tập được nâng cao. Kết quả thi tốt nghiệp THPT của học sinh nhà trường được cải thiện rõ rệt. Thành công ấy có sự đóng góp của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó không thể thiếu những thầy cô giáo được luân chuyển đến.

“Ngoài làm tốt nhiệm vụ chuyên môn, giảng dạy, thấu hiểu điều kiện học tập còn thiếu thốn của học sinh nơi đây, các thầy đã kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm để hỗ trợ các em có đủ dụng cụ học tập”, thầy Tửu chia sẻ.

Theo TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị, bước vào năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục, trong đó, tập trung cho Chương trình GDPT năm 2018. Bên cạnh điều kiện cơ sở vất, nhu cầu của của học sinh, phụ huynh thì việc đáp ứng về đội ngũ rất quan trọng.

Năm học 2023 - 2024, 20 nhà giáo được điều động luân phiên hầu hết đều viết đơn tình nguyện đến vùng khó khăn công tác. Đặc biệt, ngành Giáo dục rất vui khi 6 thầy, cô giáo sau khi hết thời hạn luân phiên, đã tình nguyện ở lại công tác lâu dài tại đơn vị đến để chia sẻ khó khăn của ngành.

“Những thầy, cô giáo tham gia dạy học vùng cao đều hết lòng với nghề, thương yêu học sinh. Điều đó cũng thể hiện tấm lòng, tình cảm của thầy cô với tinh thần “Tất cả vì học sinh thân yêu”, vì sự phát triển của ngành, đặc biệt với nhiệm vụ triển khai Chương trình GDPT 2018”, TS Lê Thị Hương cho hay.

Từ năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT Quảng Trị có hướng dẫn xét khen thưởng cho giáo viên làm nhiệm vụ điều động luân phiên hằng năm. Qua đó, những giáo viên luân chuyển dạy học vùng khó nếu đủ tiêu chí, ngoài hưởng các chế độ chính sách theo quy định hiện hành sẽ được Giám đốc Sở GD&ĐT khen thưởng. Bên cạnh đó, những thầy, cô giáo điều động luân phiên được tích lũy thành tích để thuận lợi trong công tác thi đua khen thưởng, xét nâng lương trước thời hạn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.