Thầy cô nơi non cao sáng tạo dạy học Chương trình mới

GD&TĐ - Trường PTDT bán trú THCS Khao Mang có phần lớn là HS người dân tộc H'Mông, các thầy cô đang sáng tạo dạy học chất lượng Chương trình GDPT 2018.

Trên non cao, thầy cô giáo nỗ lực sáng tạo dạy học chương trình GDPT 2018.
Trên non cao, thầy cô giáo nỗ lực sáng tạo dạy học chương trình GDPT 2018.

Nỗ lực tạo sự đổi thay

Khao Mang là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống chiếm tới 90%, người Kinh chỉ chiếm 3% còn lại là đồng bào dân tộc Tày và Thái. Địa hình đồi núi bị chia cắt, thời tiết diễn biến bất thường, người dân trên địa bàn xã đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Khao Mang đang nỗ lực tạo sự đổi thay, trong đó vai trò của giáo dục được cho là hết sức cần thiết và quan trọng

Đa dạng cách làm và nỗ lực sáng tạo trong từng giờ học là cách mà các thầy cô giáo Trường THCS phổ thông dân tộc bán trú Khau Mang đang triển khai hết sức hiệu quả. Thay vì truyền thụ kiến thức một chiều như trước đây, hay thuyết trình như phương pháp cũ thì giáo viên sử dụng phương pháp trò chơi để học sinh chiếm lĩnh kiến thức mới và luyện tập, củng cố bài học nhằm tạo hứng thú cho học sinh, lớp học trở nên sôi nổi, các em cũng dễ nhớ kiến thức hơn.

Giờ học đã thực sự sinh động hơn, tác dụng của sách giáo khoa với nội dung chương trình GDPT mới đến với học sinh hiệu quả và chất lượng hơn. Với những từ ngữ, hình ảnh mới lạ mà học sinh chưa biết thì giáo viên giải thích qua việc chiếu hình ảnh, video minh họa, làm cho mỗi giờ học thêm hấp dẫn. Có những môn học tưởng chừng như hết sức khô cằn, giáo viên cũng đẩy mạnh kết hợp dạy học lí thuyết gắn với trải nghiệm thực tế, thực hành, hoạt động câu lạc bộ, hoạt động dự án,… để môn học hấp dẫn hơn.

Một buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Khao Mang

Một buổi sinh hoạt chuyên môn của giáo viên Trường PTDT bán trú THCS Khao Mang

Thầy Phạm Xuân Trường, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Khao Mang, chia sẻ: Các thầy cô đã sáng tạo, kết hợp dạy học tích hợp liên môn, tích hợp bảo vệ môi trường, quốc phòng an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc để các em hiểu sâu sắc hơn bài học, biết gắn bài học với thực tế. Có những môn học, cô trò cùng vẽ tranh minh họa, hát bài hát cùng chủ đề, tự làm đồ dùng tái chế từ chai lọ,…. Từ đó đã khuấy động không khí lớp học và các em cũng phát huy được khả năng liên tưởng, sáng tạo của bản thân.

Mỗi thầy cô là một sáng tạo

Cô giáo Nguyễn Thị Yến, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân cho biết: "Học sinh đa số là người dân tộc H’Mông nên chúng tôi càng phải bám dạy, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để tạo sức hấp dẫn cho từng tiết học. Giáo viên lấy học sinh làm trung tâm, chúng tôi đã tổ chức các hoạt động nhóm để học sinh tự tìm hiểu kiến thức trong sách giáo khoa. Sau đó giáo viên chốt kiến thức và mở rộng thêm bằng các hình ảnh, video, tư liệu,… Cách làm này đã đem lại hiệu quả hết sức tích cực, học sinh vui với môn học và tiếp thu kiến thức tốt".

Còn với cô giáo Nguyễn Thị Mai: Giáo viên dạy môn Toán, nghiên cứu kỹ sách giáo khoa chương trình mới, cùng các đồng nghiệp trao đổi một cách toàn diện , cùng đưa ra phương án dạy học hợp lý, phù hợp đối tượng học sinh là điều các thầy cô thực hiện. "Giáo viên hướng dẫn học sinh tiếp cận bài học bằng những vấn đề cần giải quyết ở thực tế hoặc bằng các mô hình. Chúng tôi, tổ chức hoạt động nhóm để học sinh được tranh luận, tìm tòi phương pháp giải toán tốt nhất. Trên cơ sở đó, giáo viên bổ sung các phương pháp giải toán khác qua video, hình ảnh trực quan. Trong giờ học, thầy cô cũng tổ chức các trò chơi tạo hứng thú cho học sinh" - cô Mai nói.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp giờ học hấp dẫn hơn đối với học sinh.

Ứng dụng công nghệ thông tin giúp giờ học hấp dẫn hơn đối với học sinh.

Trong giờ học của cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu, giáo viên giảng dạy môn Tiếng Anh, khó có thể hình dung một giờ học ngoại ngữ trong một lớp học mà số học sinh người dân tộc H’Mông chiếm đến hơn 90% lại sinh động và náo nhiệt đến như vậy. Bằng công nghệ, giáo viên trình chiếu hình ảnh để học sinh làm quen với từ mới, tiếp đó cô giáo tập trung đổi mới dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.

“Tôi hướng dẫn học sinh tự nghiên cứu trước nội dung bài học ở nhà. Khi đến lớp học sinh tương tác với giáo viên và những học sinh khác để lĩnh hội thêm kiến thức và vận dụng để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn” - cô Hoài Thu cho biết

Mỗi giờ học lại tạo lập một hứng thú mới, đây là điều các thầy cô giáo nỗ lực thực hiện khi dạy học chương trình GDPT mới. Cô giáo Lý Thị Ba dạy môn Ngữ Văn chia sẻ: Giáo viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn, lấy học sinh làm trung tâm. Chúng tôi cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy để tăng hiệu quả tưởng tác giữa cô và trò, tạo sức hấp dẫn môn học. Đặc biệt, giáo viên sử dụng phương pháp hoạt động nhóm với nhiều hình thức linh hoạt để học sinh chủ động, tích cực trao đổi, nghiên cứu bài học; học sinh trình bày, báo cáo sản phẩm, tự đánh kết quả thảo luận. Sau đó giáo viên chốt kiến thức và mở rộng để học sinh có thêm nhiều kiến thức mới.

Xác định tổ chức tốt hoạt động dạy - học hiệu quả Chương trình GDPT 2018 là nhiệm vụ và trách nhiệm, toàn thể giáo viên nhà trường đã tích cực đổi mới, sử dụng nhiều phương pháp dạy học nhằm phát huy năng lực, phẩm chất cho học sinh. Tuy nhiên, còn có những hạn chế khách quan nên kết quả đạt được chưa như mong muốn.

Chúng tôi tự động viên nhau đã nỗ lực cần nỗ lực nhiều hơn, sáng tạo nhiều hơn để đưa cái hay của chương trình mới đến với học sinh. Sao cho, việc vận dụng thêm nhiều phương pháp mới sẽ nâng cao hơn chất lượng giáo dục của nhà trường, đặc biệt là thực hiện tốt chương trình GDPT 2018. - Thầy hiệu trưởng Phạm Xuân Trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.