Làm việc với Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT, phía tỉnh Yên Bái có bà Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Vương Văn Bằng - Giám đốc Sở GD&ĐT; lãnh đạo Tỉnh Đoàn Yên Bái và Phòng GD&ĐT huyện Văn Chấn.
Bà Tô Thị Ánh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Yên Bái đã báo cáo khái quát về công tác giáo dục trong năm học 2021 - 2022. Theo đó, Yên Bái có 465 cơ sở giáo dục. Trong đó, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có 443 trường, với quy mô 6.908 nhóm lớp, 225.796 học sinh; 9 trường PTDTNT với 3.028 học sinh; 51 trường PTDTBT với trên 31.000 học sinh. Chất lượng giáo dục tại các trường PTDTNT và PTDTBT ngày một nâng cao.So với chất lượng giáo dục cấp THCS, THPT toàn tỉnh, tỷ lệ học sinh trường PTDTNT THCS xếp loại học lực Khá, Giỏi cao hơn 40%. Tỷ lệ học sinh trường PTDTNT THPT xếp loại học lực Khá, Giỏi cao hơn 50%.
Đảm bảo chế độ, chính sách đối với học sinh thuộc diện được hưởng thực hiện. Đối với giáo dục mầm non, năm học này có trên 21.750 trẻ được hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa. Ngoài ra, công tác y tế trường học luôn được chú trọng đảm bảo an toàn, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19. Đồng thời, kế hoạch phòng, chống tai nạn, đuối nước, giáo dục thể chất cũng được triển khai thực hiện tốt.
Trong buổi làm việc, bà Vũ Thị Ánh – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc cho rằng vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ. Điển hình như: Một số trường PTDTBT còn thiếu công trình vệ sinh, nhà tắm, nước sạch, thiếu nhà bếp, phòng ăn, phòng ở cho học sinh. Đa số học sinh bán trú vẫn còn phải ở ghép. Toàn tỉnh này còn thiếu khoảng 15% biên chế tập trung với môn Tin học, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất...
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã biểu dương những thành tựu mà Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái đã đạt được. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng vẫn còn một số khó khăn mà tỉnh Yên Bái cần phải có lộ trình thực hiện rõ ràng hơn để kịp thời tháo gỡ.
Thứ trưởng nhấn mạnh, so với bình quân cả nước, số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ được huy động đến trường ở Yên Bái còn thấp. Do đó, cần lưu ý đến các giải pháp nâng tỷ lệ huy động nhóm trẻ đến trường đạt khoảng 30% vào năm 2025. Yên Bái cũng cần chú trọng đến vấn đề bình đẳng trong tiếp cận giáo dục và phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ cho trẻ em và học sinh.
Tỉnh cũng cần có giải pháp lâu dài về đào tạo, thu hút, tuyển dụng bổ sung giáo viên mầm non còn thiếu. Sớm thực hiện nhiệm vụ và giải pháp tách các nhóm, lớp Mầm non ra khỏi hệ trường phổ thông theo Luật Giáo dục 2019. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm bảo đảm nguồn ngân sách chi thường xuyên cho ngành giáo dục theo quy định để đảm bảo chất lượng hoạt động trong các cơ sở giáo dục.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cũng lưu ý, tỉnh Yên Bái cần quan tâm thực hiện các giải pháp an toàn cho trẻ, để các em được sống và học tập trong môi trường an toàn, thân thiện. Các trường phải chú trọng dạy các kỹ năng cơ bản để trẻ phát triển toàn diện. Đồng thời, quan tâm huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục để xây dựng trường học an toàn, thân thiện.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cùng thành viên đoàn công tác, đại diện nhà tài trợ đã trao nhiều phần quà của chương trình “Điều ước cho em, kết nối nguồn lực xã hội, xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021 - 2025” cho tỉnh Yên Bái.
Nhân dịp này, đại diện đoàn công tác trao quà của Công ty Cổ phần Tập đoàn TH, gồm 20 nhà vệ sinh cho các trường mầm non, Tiểu học và THCS tỉnh Yên Bái trị giá 1,2 tỷ đồng. Bộ GD&ĐT trao tặng 80 máy tính xách tay trong khuôn khổ Chương trình Sóng và Máy tính cho em.
Công ty Colgate Pamolive trao tặng bộ sản phẩm kem, bàn chải, tờ rơi hướng dẫn chải răng cho trẻ em trị giá 400 triệu đồng. Công ty TNHH Quản lý DUCAPITAL Holding cũng trao 12 đèn thông minh và 1 bộ máy tính cho các trường tại tỉnh Yên Bái.