Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Ái Mộ, quận Long Biên (Hà Nội): Không dùng công nghệ trực tuyến tìm đáp án môn Toán
Cấu trúc đề thi Toán trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 của Hà Nội cơ bản giữ ổn định. Dựa vào cấu trúc đề thi hàng năm, học sinh lên kế hoạch ôn tập đầy đủ các chuyên đề, các dạng bài theo từng giai đoạn:
Giai đoạn 1: Trang bị kiến thức cơ bản. Giai đoạn 2: Ôn tập từng chuyên đề theo cấu trúc đề thi theo hướng dẫn của giáo viên. Giai đoạn 3: Luyện đề phù hợp, có thể tham khảo ý kiến của giáo viên dạy.
Học sinh cần xác định rõ năng lực của mình để làm các dạng bài phù hợp, phát huy được thế mạnh; chú ý ghi nhớ các phương pháp giải các dạng toán đặc trưng, các sai lầm thường mắc; luyện tập thêm đề thi các năm gần nhất của Sở GD&ĐT và chuẩn bị tâm lý thật tốt để bước vào kỳ thi. Việc chủ động, tích cực ôn tập, hệ thống kiến thức, cũng như ghi nhớ những lỗi sai và tránh mắc phải sẽ giúp các em đạt được kết quả tốt nhất.
Lưu ý thêm, trong thời gian học online, nhiều học sinh sử dụng công nghệ trực tuyến, các ứng dụng giải bài tập nhanh như Photo Math... để tìm nhanh kết quả. Điều này sẽ tạo hiệu ứng ngược; học sinh không hiểu bản chất vấn đề khi trình bày dưới dạng bài thi tự luận. Do đó, hãy suy nghĩ thật kỹ, ghi chép lại các phương pháp giải đặc trưng để làm bài thi tốt.
Dưới đây là một số lỗi sai thường mắc phải mà học sinh cần đặc biệt lưu ý:
Với phần Đại số, dạng bài rút gọn biểu thức và các bài toán liên quan, học sinh thường mắc các lỗi: Không có điều kiện của ẩn; không đọc kỹ đề bài, sai dấu, sai phép biến đổi; do không tìm điều kiện, nên lấy cả các giá trị không thỏa mãn…; không kết luận. Đối với ý phức hợp (câu c, bài 1), học sinh thường lúng túng xác định phương pháp giải. Ví dụ, tìm giá trị x nguyên để biểu thức P=A.B đạt giá trị lớn nhất; nhiều học sinh lầm tưởng với dạng toán tìm x nguyên để P nguyên, hoặc tìm giá trị lớn nhất của biểu thức trên miền số thực. Do đó, dạng này học sinh cần chú ý định hướng để tìm được phương pháp giải đúng.
Dạng bài giải bài toán bằng cách lập phương trình hoặc lập hệ phương trình, lỗi học sinh thường mắc là: Chọn ẩn và đặt điều kiện cho ẩn không chính xác; thiếu đơn vị và điều kiện của ẩn; lập phương trình sai; giải phương trình sai; kết luận sai vì điều kiện của ẩn chọn không đúng…; chọn ẩn gián tiếp song lại kết luận luôn. Đối với bài toán chuyển động: Đến sớm hơn dự định là thời gian ít hơn, đến muộn hơn dự định là thời gian nhiều hơn, học sinh hay hiểu ngược lại. Các dạng toán đặc thù có những điều kiện ràng buộc cần phải ghi nhớ kỹ, như: Toán cấu tạo số, toán chuyển động xuôi dòng, ngược dòng trên sông; đặc biệt các bài toán có vận dụng các kiến thức liên môn để giải quyết tình huống thực tiễn.
Dạng bài ứng dụng hệ thức Vi-ét: Học sinh thường tìm điều kiện để phương trình có hai nghiệm phân biệt từ việc tính biệt thức hoặc ‘ chưa chính xác…; tìm tổng hai nghiệm hoặc tích hai nghiệm bị nhầm dấu…
Dạng bài giải hệ phương trình có điều kiện: Học sinh thường tính sai điều kiện xác định của hệ phương trình; giải phương trình sai sót, hoặc biến đổi các phương trình trung gian còn nhầm lẫn; không chú ý kiểm tra kết quả hoặc kết hợp điều kiện của đề bài.
Với phần Hình học, học sinh thường mắc sai lầm phần vẽ hình. Đơn cử, học sinh không đọc kĩ đề bài, vẽ sai: Vẽ điểm thuộc tia đối, nhầm giữa lấy điểm thuộc cung và dây, điểm thuộc cung lớn hoặc cung nhỏ; yêu cầu các đoạn thẳng lớn hơn, nhỏ hơn. Khi vẽ sai hình sẽ không được chấm cả bài;
Học sinh không vẽ các đoạn thẳng mà trong bài có sử dụng hoặc chứng minh thì không chấm phần câu đó; viết vội, nhầm lẫn giữa M, N với H; giữa P và D; giữa E với F; giữa D với O; vẽ hình đặc biệt: Cát tuyến bất kì thì vẽ cát tuyến qua tâm… Hình học không gian: Nội dung đề bài thường áp dụng trong các tình huống thực tế, do đó cần xác định rõ bài toán hỏi loại hình nào (hình trụ, hình nón, nón cụt, hình cầu) để tránh áp dụng nhầm công thức.
Sai lầm khi làm bài: Học sinh làm tắt; đưa ra suy luận thiếu căn cứ, đặc biệt là câu a, b; chứng minh ngộ nhận (do vẽ hình đặc biệt), đặc biệt là chứng minh 3 điểm thẳng hàng; nhầm đỉnh, góc, ký hiệu giữa góc và cung tròn không rõ ràng; tô ký kiệu góc, đánh số góc ngay từ câu a đến khi kẻ nối làm mất góc đó…
Cô Nguyễn Thị Bích Liên, giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình): Tự học vẫn là hiệu quả nhất với môn Ngữ văn
Với môn Ngữ văn, học sinh có thể ôn luyện theo tiến trình 3 vòng. Vòng 1: Khắc sâu, mở rộng kiến thức theo chủ đề. Vòng 2: Hệ thống, tổng hợp kiến thức. Vòng 3: Rèn kĩ năng, luyện đề.
Thực tế đã chứng minh, không chỉ Ngữ văn mà bất kỳ môn học nào, tự học là phương pháp hiệu quả nhất,tức là học sinh biến các đơn vị nội dung kiến thức, kỹ năng từ sách giáo khoa, từ giáo viên thành kiến thức, kỹ năng của mình. Đây là hoạt động rất quan trọng. Trong thực tế dạy luyện thi cho thấy, những học sinh dành nhiều thời gian tự học, điểm số luôn cao hơn so với những em đi học thêm nhiều.
Học sinh cần xác định: Không được học tủ, không học khoanh vùng, mà cần ôn luyện với tinh thần học gì thi đấy; có nghĩa là tất cả các đơn vị kiến thức, kỹ năng trong chương trình đều có thể xuất hiện trong đề thi.
Với đặc thù môn Ngữ văn, việc học sinh luyện viết là rất cần thiết. Học sinh nên tự giác làm đề không sử dụng tài liệu, tự bấm thời gian, luyện tập cách trình bày, diễn đạt… thường xuyên để không bị bỡ ngỡ trong phòng thi. Khi các em làm đề xong thì tự so sánh với phần chữa đề của giáo viên để rút kinh nghiệm cho bản thân.
Khi vào phòng thi, học sinh cần bình tĩnh, hít thở sâu để có tâm lí thoải mái nhất. Khi nhận đề, học sinh không thể bỏ qua những kỹ năng cơ bản đó là đọc kĩ đề, phân tích đề và tìm ý cho bài làm. Nhiều học sinh đọc đề là bắt tay làm luôn mà bỏ qua việc phân tích, vạch ý. Việc nháp trước khi làm bài môn Ngữ văn lại càng ít học sinh làm. Tuy nhiên, đây là những điều học sinh nên làm để tránh bỏ sót ý, xa đề, lạc đề khi làm bài. Bên cạnh đó, một bài làm sạch đẹp, rõ ràng, không có lỗi chính tả, bố cục hợp lý sẽ là điểm cộng cho học sinh.
Học sinh cần nắm chắc phương pháp làm bài ở từng phần trong đề thi: Đọc hiểu; Nghị luận xã hội; Nghị luận văn học. Phân lượng thời gian làm bài cho từng câu. Câu dễ làm trước, khó làm sau, không được bỏ sót bất kỳ ý nhỏ nào. Dành thời gian kiểm tra lại toàn bộ bài làm trước khi hết giờ.
Cô Trần Thị Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Văn Lang (Việt Trì, Phú Thọ): Tập trung luyện đề và tìm hiểu lỗi sai trong bài làm môn Tiếng Anh
Nhóm giáo viên Tiếng Anh của Trường THCS Văn Lang đã hệ thống kiến thức trọng tâm cần ôn tập, tập trung chủ yếu vào các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa Tiếng Anh THCS hiện hành (mảng từ vựng, kiến thức giao thoa giữa chương trình hệ 7 năm, hệ 10 năm). Các chủ đề ngữ pháp cơ bản như câu điều kiện, câu bị động, các thì của động từ, dạng của động từ, câu trực tiếp gián tiếp, câu bị động, động từ khuyết thiếu, câu hỏi đuôi, câu hưởng ứng, mạo từ, cấu tạo từ, liên từ, các cấp so sánh, mệnh đề quan hệ, mệnh đề chỉ sự nhượng bộ, ngữ âm: Nguyên âm, phụ âm, những từ kết thúc bằng “s/es” và “ed”, tình huống giao tiếp thông thường: Một số mẫu câu cơ bản như cảm ơn, xin lỗi, đề nghị, xin phép, lời khuyên, từ đồng nghĩa, kết hợp từ, cụm động từ. Các từ vựng cơ bản và từ vựng theo chủ điểm như động từ chỉ hoạt động hàng ngày, những tính từ hay dùng, những từ hay nhầm lẫn.
Ngoài ôn tập kiến thức về từ vựng, ngữ pháp, ngữ âm, chức năng ngôn ngữ, đọc hiểu và kĩ năng viết, học sinh cần luyện đề thường xuyên để tăng khả năng ghi nhớ, rèn kỹ năng làm bài thi. Trong quá trình luyện đề, học sinh cần dành thời gian ưu tiên xem lại các lỗi sai, tự phân tích để chắc chắn không lặp lại lỗi đó.
Khi làm bài thi, học sinh lưu ý dành 3 - 5 phút đọc lướt nhanh một lượt toàn bộ đề thi. Đánh dấu phần nào chắc chắn thì làm trước để “cầm chắc” số điểm; không nên quá tập trung vào 1 - 2 câu khó mà bỏ lỡ những câu “ăn điểm” còn lại. Học sinh cần hoàn thành bài thi của mình để có cơ hội ghi điểm, không nên để trống bất kỳ câu nào; phân bố thời gian hợp lý, không dành quá nhiều thời gian cho một câu hỏi. Nên dành 5 phút cuối để rà soát lại toàn bộ bài thi và các thông tin cá nhân.
Dạng bài về phát âm: Học sinh cần nắm vững cách đọc các từ tận cùng bằng -ed hoặc -s/-es; nguyên âm, phụ âm.
Về phần trắc nghiệm: Học sinh nên làm theo từng phần để tránh bị bỏ sót, câu nào chưa làm được thì đánh dấu lại (khoanh tròn trước câu hỏi) để sau khi làm xong các câu dễ thì quay lại hoàn thành các câu đã bỏ qua.
Đọc kĩ câu hỏi và dùng biện pháp loại trừ: Loại trừ đáp án sai rõ ràng; loại trừ đáp án có vẻ đúng nhưng có một hoặc hai từ làm nó sai. Nếu các đáp án cùng động từ hoặc động từ có nghĩa tương đương nhưng ở các thì khác nhau, học sinh cần xem lại xem mệnh đề đã cho động từ ở thì nào để chọn đáp án cho phù hợp. Nếu các đáp án cùng động từ nhưng ở dạng số ít, số nhiều, học sinh cần xem lại xem chủ ngữ là số ít hay số nhiều để chọn đáp án cho phù hợp. Nếu có 2 đáp án đối nghịch nhau thì một trong 2 đáp án là đúng; học sinh nên đọc lại đề bài xem có các liên từ chỉ sự tương phản hay không để đưa ra câu trả lời chính xác nhất.
Bài đọc hiểu có 3 dạng bài, học sinh cần có cách tiếp cận khác nhau. Với dạng bài đọc hoàn chỉnh với các câu hỏi để học sinh chọn đáp án trả lời đúng:
Câu hỏi tìm ý chính (main idea): Học sinh cần đọc lướt chủ yếu tập trung vào các danh từ, động từ, tính từ thể hiện chủ đề bài đọc. Câu chủ đề nằm ở ngay câu đầu hoặc cuối của đoạn văn. Tuy nhiên, có những câu hỏi cần có kĩ năng tổng hợp lại các thông tin.
Câu hỏi tìm thông tin chi tiết trong bài (specific information): Học sinh cần xác định đúng thông tin kiểm tra trong câu là gì, sau đó xác định vị trí thông tin xuất hiện trong bài đọc bằng cách đọc lướt đến nội dung chứa từ khóa hoặc cụm từ tương đương.
Câu hỏi đoán nghĩa của từ (guessing): Học sinh đọc lướt ngay lại bài đọc và xác định đúng vị trí của từ; sau đó tập trung đọc câu chứa từ cần đoán nghĩa, đôi khi cần đọc cả câu trước và câu sau mới có thể hiểu đúng.
Câu hỏi tham chiếu (reference): Từ được hỏi thường chứa các từ “it/ its/ they/ their/them/ one/ which/...” thường được quy chiếu tới một từ/cụm danh từ được nhắc tới trước đó. Học sinh cần đọc kĩ để tránh nhầm lẫn đáng tiếc.
Với dạng bài đọc chọn phương án A, B, C hoặc D để điền vào chỗ trống trong đoạn văn: Học sinh đọc lướt cả bài, nhìn lướt qua các từ vựng chính để nắm được chủ đề của bài đọc tiến tới hiểu được ý chính. Đọc kĩ 4 phương án được đưa ra để xác định xem câu hỏi kiểm tra hiện tượng từ vựng hay ngữ pháp nào. Nếu là ngữ pháp, học sinh phân tích các dấu hiệu ngữ pháp liên quan tới như cấu trúc câu, thì, dạng bị động, liên từ...; nếu là từ vựng thì cần xác định xem câu đó liên quan đến dạng bài về từ loại, nghĩa của từ hay kết hợp từ. Cần kiểm tra lại các đáp án trước khi chuyển sang dạng bài khác.
Dạng bài đọc hiểu trả lời câu hỏi tự luận: Câu hỏi đúng - sai (Yes - No question), câu trả lời chỉ bắt đầu với Yes/No. Câu hỏi lựa chọn (or - question): Câu trả lời phải chứa một trong hai thông tin trên câu hỏi. Câu hỏi có từ để hỏi (Wh/H - question): Cần nắm chắc chức năng của các từ để hỏi để xác định đúng thông tin cần tìm và trả lời một cách ngắn gọn, tránh tình trạng chép lại cả đoạn văn.
Với phần viết lại câu: Học sinh đọc kỹ câu gốc, phân tích xem câu viết lại sẽ sử dụng cấu trúc nào tương đương. Nếu từ cụm từ chuyển thành mệnh đề, cần xem xét mệnh đề đã cho động từ chia ở thì nào để biến đổi mệnh đề còn lại sang thì tương đương.
Với phần cho dạng đúng của từ: Học sinh cần xác định từ loại cần điền, xác định dạng của từ. Nếu là danh từ thì cần xác định danh từ chỉ người hay vật, số ít hay số nhiều. Nếu là động từ thì cần xác định thì, dạng, thể, tiền tố, hậu tố. Nếu là tính từ hay trạng từ thì cần xác định có ở dạng so sánh không; có sử dụng tiền tố, hậu tố không.