Cô Lâm Thị Phương Ngọc, Trường THPT chuyên Quốc học Huế cho biết: đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT năm 2021 môn địa lí của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo gồm 2 câu bảng số liệu và 2 câu biểu đồ.
Cụ thể, nội dung nhận xét bảng số liệu (câu 61) và nhận xét biểu đồ (câu 62) thể hiện đối tượng địa lí kinh tế - xã hội thế giới (địa lí 11). Với nội dung này, học sinh cần tính được cán cân xuất nhập khẩu (xuất siêu, nhập siêu); tính tỉ trọng trong cơ cấu; tính tốc độ tăng trưởng; tính năng suất, sản lượng cây trồng; so sánh về tốc độ tăng trưởng hoạc giá trị các đối tượng địa lí....
Câu hỏi về xác định nội dung biểu đồ (câu 76) và nhận dạng biểu đồ thích hợp nhất (câu 80) thể hiện các đối tượng địa lí kinh tế - xã hội nước ta (địa lí 12). Đối với hai câu hỏi này, học sinh cần phải nắm được “từ khóa” của từng dạng biểu đồ.
Biểu đồ tròn thể hiện cơ cấu hoạc quy mô và cơ cấu từ 1 đến 3 năm; biểu đồ miền thể hiện sự chuyển dịch cơ cấu từ 4 năm trở lên; biểu đồ đường biểu diễn thể hiện tốc độ tăng trưởng; biểu đồ kết hợp biểu hiện tình hình phát triển của một ngành gồm từ hai đối tượng trở lên;...
Thầy Nguyễn Hoài Dương, Trường THPT Thạch Kiệt, Phú Thọ khi lưu ý ôn tập, làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý cũng cho biết các câu về bảng số liệu, biểu đồ ở hai mức độ thông hiểu và vận dụng. Học sinh cần nắm trắc các kĩ năng nhận dạng biểu đồ, nhận xét biểu đồ, nhận xét bảng số liệu (trong phần này cần rèn kĩ năng tính toán so sánh, tính tỉ lệ và các từ khóa để nhận dạng biểu đồ).
Chia sẻ kinh nghiệm ôn tập, thầy Nguyễn Hoài Dương cho rằng, giáo viên cần giúp học sinh nắm chắc ma trận đề đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo; mức độ yêu cầu về kiến thức, phân tích một số từ ngữ tạo thông tin học sinh dễ bị nhầm khi làm bài. Đồng thời, phân hóa trình độ học sinh để có phương pháp và lựa chọn nội dung ôn tập.
Với học sinh, ần phân tích kĩ đề thi để nắm được phạm vi các mảng kiến thức có trong đề nhằm phân bố thời lượng học từng phần cho phù hợp.
Tùy vào mục tiêu của bản thân như thi xét tốt nghiệp, xét đại học: học sinh tập trung vào các câu hỏi ở các mức độ nhận thức khác nhau. Đặc biệt khai thác tốt Atlat Địa lí Việt Nam để có trong tay 15/40 câu ở mức độ nhận biết.
“Các em cũng lưu ý cập nhật các xu hướng, số liệu, các sự kiện về kinh tế- xã hội, về tự nhiên để làm tốt những câu hỏi liên hệ đời sống bằng cách (đọc báo, nghe thời sự...).” – thầy Dương chia sẻ.
Với kĩ năng làm bài, thầy Nguyễn Hoài Dương cho rằng, học sinh cần đọc lướt toàn bộ các câu trong đề, câu nào dễ có đáp án ngay thì khoanh luôn vào đề bằng bút viết.
Sau đó, đọc kĩ từng câu còn lại, câu nào cần dùng Atlat thì mở Atlat đúng trang, nếu chưa rõ có thể liên hệ trong nhiều trang ở Atlat. Các câu hỏi lí thuyết cần tư duy mạch lạc và đặc biệt chú ý các câu phủ định dễ nhầm lẫn.
Những câu hỏi khó cần tư duy nhiều bước hoặc tính toán xử lí số liệu nhiều lần, học sinh chuyển sang câu khác, nhưng phải ghi lại số câu ra giấy để khi lần lại được nhanh chóng.
“Việc giữ cho tâm thế ổn định bằng cách đến địa điểm thi đúng giờ, không quên các dụng cụ học tập và hồ sơ cần thiết phục vụ cho buổi thi, không nói chuyện trao đổi nhiều trước khi vào phòng thi sẽ gây phân tâm và nghi ngờ kiến thức mình đã học cũng là lưu ý quan trọng” – thầy Dương cho cho hay.