Gian nan...
Huổi Lếch là một trong những xã khó khăn nhất ở thời điểm hiện tại của huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nơi đây hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Do đường xá đi lại khó khăn, địa hình chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và suối sâu, mùa nước lũ nước suối dâng cao nên việc huy động trẻ ra lớp luôn là bài toán khó.
Chạng vạng tối ngày 3/9, nghĩa là chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày khai giảng, song cô giáo Bùi Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường Mầm Non (MN) Huổi Lếch, xã Huổi Lếch vẫn đang cùng các giáo viên trong trường quyết đến hai bản: Nậm Hính 1 và Nậm Hính 2 để vận động học sinh ra lớp.
Hai bản này cách xa trung tâm nhất, chừng 20km đường rừng. Con đường đất vốn đã khó đi, nay “nhầy nhụa” lên bởi cơn mưa rào ở đâu bỗng dưng ập tới. Thế là mấy thầy, cô giáo (cả tiểu học và mầm non) lại phải tìm chỗ gửi xe máy, cố “cuốc bộ” thêm mấy cây số đến bản kẻo trời tối.
Khó khăn là thế, song những giáo viên ở đây họ chẳng nề hà hay quản ngại, mà vẫn yêu nghề, mến trẻ đến lạ thường. “Chúng em thường xuyên như thế đấy. Nguy hiểm đến tính mạng thì không, còn bong gân, sai khớp và chầy xước thì nhiều vô kể. Đường xá thì khó là thế nhưng mà các cô giáo lúc nào cũng yêu đời, yêu nghề, trên môi lúc nào cũng nở nụ cười tươi anh (PV) ạ!”, cô giáo Bùi Thị Thanh, Hiệu trường Trường MN Huổi Lếch vui vẻ tâm sự.
Những cung đường trơ đất đá sau cơn mưa. |
Các thầy, cô giáo ở các trường trên cùng địa bàn đã phối hợp với chính quyền các bản tiến hành vận động là thế, họ đã “ăn nằm” tại bản suốt bao ngày nay song học sinh vẫn chưa ra lớp đông đủ. Họ lại lo ngay ngáy. Mai là ngày khai giảng, nhưng hôm nay các thầy cô vẫn chưa được “hạ sơn”.
Ở trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Chung Chải, xã Chung Chải, cho đến thời điểm này cơ bản 100% học sinh đã ra lớp đầy đủ ở 7 điểm bản. Sáng ngày 4/9, các lớp báo về có 20/387 học sinh vắng mặt.
Thầy giáo Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Nhà trường lại hớt hải huy động giáo viên đến từng nhà học sinh để hỏi thăm. Có em thì ốm, sốt. Cũng có em theo bố mẹ ra chợ huyện để mua sắm đồ dùng cho năm học mới.
“Cách đây khoảng 1 tháng, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, phân công giáo viên nhiệm vụ cụ thể phụ trách từng điểm bản, nắm bắt tình hình dân cư các điểm bản và nắm từng đối tượng học sinh. Quan trọng là công tác tuyên truyền phụ huynh qua các cuộc họp để họ hiểu và thực hiện”, thầy giáo Phạm Văn Khiêm cho biết.
Nhiều gia đình đồng bào thiểu số vẫn không quan tâm đến việc học của con em mình |
Cả hệ thống cùng vào cuộc
Ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Nhé cho biết, đến cuối tháng 8, trên địa bàn toàn huyện đã huy động được khoảng 80% số học sinh ở hai cấp Tiểu học (TH) và Trung học Cơ sở (THCS) ra lớp. Riêng cấp học Mầm Non (MN) thì tỷ lệ huy động thấp hơn, mới chỉ đạt khoảng 60%.
“Mầm non thì chúng tôi huy động được gần 60% với lý do chúng tôi chỉ tập trung vào phổ cập Mầm Non 5 tuổi thôi. Còn độ tuổi 3-4 tuổi ưu tiên thứ 2 và Nhà trẻ ưu tiên thứ 3 vì không có giáo viên để thực hiện giảng dạy cho nhóm trẻ này. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với Phòng Nội vụ, tham mưu cho Hội đồng tuyển dụng huyện thực hiện các công việc để tiến hành tuyển dụng số giáo viên đang thiếu. Cố gắng hết tháng 9 sẽ có giáo viên mầm non thực hiện nhiệm vụ”, ông Kiên nói.
Lên bản thì "vườn không, nhà trống", các thầy, cô giáo lên tận rừng tìm kiếm phụ huynh để tuyên truyền |
Ông Kiên cũng cho biết thêm, để huy động học sinh ra lớp đông đủ, Phòng GD&ĐT huyện đã ra văn bản chỉ đạo các đơn vị trường học tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương cùng vào cuộc để huy động học sinh đi học.
Tại các xã, UBND xã cũng đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể phân công cán bộ phối hợp với các đơn vị trường học đến các bản vùng sâu, vùng xa, biên giới để tuyên truyền cho phụ huynh học sinh quan tâm, tạo điều kiện cho con em đến lớp.