Quả thực, nếu không có những chuyến đi thực tế trải lòng mình với nghề, chắc chắn sẽ không thể tường tận và cảm thông sâu sắc ở huyện nghèo nhất cả nước, sự nghiệp trồng người đang ngày ngày nở hoa kết trái bằng chính lòng yêu nghề và sự cống hiến của đội ngũ các thầy cô giáo nơi đây.
1.Mường Nhé là huyện nghèo nhất trong tổng số 63 huyện nghèo nhất cả nước. Cái nghèo bao bọc nơi đây khiến cho đời sống thầy cô giáo cắm bản, bám trường, bám lớp cũng kéo theo muôn vàn gian khổ.
Đường xá ngăn sông cách suối, đa số là đường đất. Trời nắng trèo đèo, lội suối, vượt núi đã khó, ngày mưa, ngày bão, ngày lũ quét lại càng nguy hiểm. Gặp mùa nước lũ, nhiều nơi cầu dân sinh bị ngập, bị phá hỏng, thầy trò đi mảng, chui vào bao ni lông qua suối.
Thậm chí, để vào được bản Nậm Chua 4, Nậm Chua 5 chưa đầy 20 km nhưng để vượt qua đoạn đường mòn ven sườn núi, một bên là vực, một bên là núi với mặt đường rộng chưa đầy 1 mét, tôi đi cùng thầy giáo bằng xe máy cũng ngốn hết gần 2 giờ đi đường.
Điều này tôi đã hiểu vì sao có những thầy cô giáo có nhà ngoài trung tâm xã nếu gặp hôm trời mưa, đường trơn trượt nguy hiểm phải ở lại điểm trường, cắm bản cắm lớp, đợi mưa tạnh mới dám vượt núi, vượt suối về nhà.
Không ít thầy cô vì đi lại khó khăn mà nhiều năm không dám về quê ăn Tết, ở lại đón Tết cùng đồng bào Mông. Dù họ có mất tiền triệu thuê xe ôm vượt 180 km để về đến Điện Biên mà không xe ôm nào dám chở.
Càng đi, càng thấu hiểu sự hy sinh của những con người gắn bó với sự nghiệp giáo dục ở mảnh đất nghèo nhất cả nước này. Đa số thầy cô đều dưới xuôi lên công tác.
Sự khắc nghiệt ở vùng đất này khiến nhiều cô giáo sảy thai bởi những cú ngã khi gọi học sinh đi học như cô Thúy, cô Si ở Nà Khoa.
Con cái mới đầy tuổi, cai được sữa bắt buộc thầy cô phải gửi về quê cho bố mẹ già nuôi giúp bởi dẫu sao ở quê điều kiện vẫn tốt hơn nơi này.
2.Không ai khổ như giáo viên cắm bản. Mỗi thầy cô giáo đều có nhà riêng làm cạnh trường. Nói vậy cho oai chứ thực ra cũng là lều lán. Tường nhà làm bằng cây nứa đập giập, mái nhà lợp xi măng. Đông lạnh, hè nóng.
Mùa đông ngủ nhờ nhà cô giáo, tôi cảm nhận cái lạnh thấu xương mà đồng nghiệp của mình gần 20 năm chống chọi.
Mặc dù nhà thầy cô sang hơn học trò vì chỗ giường nằm được quây thêm tấm bạt ni lông để chắn gió nhưng nằm trong nhà, vẫn ngắm được cả trời sao.
Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá ngoài cái bàn uống nước, cái giường nằm kê bằng gỗ và hòm tôn đựng vật dụng cá nhân.
Gió sương miền biên ải khắc nghiệt là vậy nhưng nếu không có lòng nhiệt tình và yêu nghề chắc chắn những thầy cô dưới xuôi lên đây không thể bám trụ đất này.
Tôi khâm phục sự hy sinh của các đồng nghiệp để ươm mầm xanh tri thức cho học trò nghèo dân tộc. Người nhiều vài chục năm, người ít cũng vài năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục Mường Nhé. Mà hầu như thầy cô đã bám trụ nơi này gần như gắn bó cả đời.
3.Tôi đã hiểu, tại sao trong những bài viết của mình về sự nghiệp giáo dục ở Mường Nhé thấm đẫm tâm tình của thầy cô. Là những trang viết trải lòng mình, lúc nào cũng như mới hôm qua.
Năm 2008 lên Nà Khoa, thì đến nay, nơi này vẫn chưa có điện thắp sáng. Giáo viên vẫn dùng máy phát điện để thắp sáng. “Con trai em gửi về ở với ông bà nội từ lúc một tuổi, 4 năm sau nhớ cháu em đón lên, cháu nhất định đòi về xuôi vì ở đây không có điện, không có ti vi cho con xem hoạt hình. Cô Bùi thị Si, cô giáo Mường ở bản Mông đã tâm sự như vậy.
Đặc biệt, dự thi viết về Cô giáo của tôi, từ câu chuyện của cô Si, của các thầy cô đồng nghiệp kể lại, tôi đã kết nối thành tác phẩm “Nhờ cô mà con được đi học”, đoạt giải ba.
Tôi đã đóng góp một phần rất nhỏ để tôn vinh nghề giáo, tôn vinh sự nghiệp trồng người của những con người gắn bó với giáo dục Mường Nhé nói riêng, sự nghiệp giáo dục nước nhà nói chung.
20 năm làm nghề báo gần như ngần ấy năm đi và viết nhiều về đề tài miền núi, hơn 10 năm gắn bó với Báo GD&TĐ, Mường Nhé huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, huyện nghèo nhất cả nước luôn hiện hữu, thổn thức trong tôi mỗi khi nhắc đến.
Nếu không có những chuyến đi thực tế, không có sự hy sinh, cống hiến thầm lặng của hàng nghìn thầy cô, giáo dục Mường Nhé chưa thể đơm hoa kết trái như hôm nay.
Tôi càng thấm thía hơn câu nói của đồng nghiệp hơn 30 năm gắn bó với giáo dục miền núi: “Nếu không có lòng yêu nghề thì không thể trụ lại nơi này” thật ý nghĩa.