Người con của bản

GD&TĐ - Mường Nhé là huyện biên giới nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) 200km về phía Tây Bắc. Ở đây còn có cả những tấm gương đầy đức hi sinh để bám bản, bám trường, “gieo” cái chữ cho con em vùng cao.

Lớp ghép 2 trình độ 1+2 do cô Thoa giảng dạy
Lớp ghép 2 trình độ 1+2 do cô Thoa giảng dạy

Cô giáo Đào Thị Thoa là một người trong số đó. Ở Mường Nhé, nhắc đến cô giáo Đào Thị Thoa thì ai cũng biết đến và tấm tắc ngợi khen, thán phục.

Lớp học đặc biệt

Một chiều cuối thu, tôi có dịp đến Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Huổi Lếch, xã Huổi Lếch, huyện Mường Nhé, nơi cô Thoa đang công tác. Cô Thoa không dạy ở trung tâm, mà dạy ở điểm bản Nậm Pan, cách trung tâm vài cây số. Trên chiếc xe máy “cà tàng”, ngược dốc, gầm rú rền vang cả một vùng trời, cũng phải mất đến gần nửa tiếng đồng hồ vừa đi, vừa hỏi đường tôi mới có thể tìm đến được điểm trường Nậm Pan 2.

Điều đầu tiên tôi nghe thấy tiếng đọc chữ ê a của các em lớp mầm non, trộn lẫn tiếng đọc bài của các anh chị lớp lớn vang lên trong căn nhà cấp bốn giữa đại ngàn núi rừng. Rồi những âm thanh đó lại nhanh chóng hòa tan vào màn sương khói chiều buông.

Cô Thoa cùng HS 2 lớp 1+2 trong giờ giải lao
Cô Thoa cùng HS 2 lớp 1+2 trong giờ giải lao 

Điểm trường Nậm Pan 2 có 2 cấp: Mầm non và tiểu học chung nhau trên cùng một quả đồi thoai thoải. Riêng tiểu học chỉ có một lớp ghép với hai trình độ 1+2 (lớp 1 và lớp 2) do cô Thoa giảng dạy. Lớp 1+2 có tổng số 10 HS. Hôm nay chỉ có 8 em đến lớp. Có 2 em phải nghỉ học đã ba ngày nay vì nhà các em làm lý nên phải kiêng khem và không được đi đâu. “Cái lý của đồng bào Mông ở đây là như thế nên cũng chẳng biết thế nào anh ạ! Biết có nhà báo đến nên em vừa phải lấy xe máy đèo các em ý đến học đấy, chứ không là tan ca buổi sáng, các em về nhà và không đi học ca chiều nữa đâu. Ngày nào cũng thế! Phụ huynh người ta cũng chẳng quan tâm đến việc học của con em mình đâu”, cô Thoa nói.

Nhiều khi học chung trong một không gian, HS cũng chẳng thể tập trung. Cô giảng lớp 1 thì lớp 2 nghe. Bởi bất đồng ngôn ngữ nên cứ phải nói đi nói lại nhiều lần chứ không thể nói một lần là được. Vì mỗi lứa tuổi chỉ có vài ba em, việc để các em tự di chuyển đến trường trung tâm học là không thể vì đường xá quá xa xôi, đi lại khó khăn, ý thức tự giác của phụ huynh cũng như HS không cao. Bên cạnh đó, do đội ngũ giáo viên thiếu nên cũng không thể mở lớp dạy học cho 3,4 em được. Chỉ có thể ghép. “Sang năm ở đây có 10 em 6 tuổi và 2 em HS 7 tuổi nên cũng lại phải ghép lớp chứ chẳng thể tách được!” - cô Thoa vừa cười vừa nói.

Sự hi sinh thầm lặng

Điểm trường Nậm Pan 2 nằm đơn độc trên một quả đồi
Điểm trường Nậm Pan 2 nằm đơn độc trên một quả đồi 

Lớp học của cô vốn đã đặc biệt, sự nghiệp giảng dạy của cô càng đặc biệt hơn. Cô sinh ra ở Hưng Yên, lớn lên ở Lai Châu (nay là Điện Biên), tốt nghiệp CĐ Sư phạm Điện Biên năm 2003 và thực hiện ước mơ làm cô giáo để mang “cái chữ” đến cho con em đồng bào vùng cao cũng từ thời điểm đó.

Ra trường, nghe nói huyện Mường Nhé là huyện khó khăn nhất lúc bấy giờ nên hai vợ chồng cô Thoa tức tốc viết đơn rồi “khăn gói quả mướp” tình nguyện lên Mường Nhé. “Bọn em 26 giáo viên đi bộ gần 100km từ Chà Cang (trung tâm huyện lỵ) vào đến Trường Mường Toong 2, bọn e đi mất một tuần. Vào đến nơi mà cả một tháng sau không nhấc được chân lên vì cơ bị căng cứng”, cô Thoa kể.

Năm 2003, huyện Mường Nhé được thành lập mới trên cơ sở chia tách từ huyện Mường Tè của tỉnh Lai Châu cũ. Thời điểm đó, hầu hết các tuyến đường chủ yếu là đường dân sinh, chỉ có duy nhất một tuyến “độc đạo” đi vào gần trung tâm huyện lỵ Mường Nhé ngày nay.

“Năm đầu tiên chúng em về thành phố ăn Tết. Hơn 10 giáo viên tự gói bánh, làm cơm nắm để đi dọc đường ăn. Chúng em đi bộ từ trường về Mường Tè, xuất phát từ 18 giờ tối hôm trước đến 9 giờ sáng hôm sau mới ra đến cầu Lai Châu để bắt xe về quê ăn Tết. Dọc đường cứ vừa đi bộ, vừa đợi xe chở đá qua để xin đi nhờ. Chẳng có xe nên đành phải đi bộ mấy chục cây số đường rừng”, cô Thoa tâm sự.

“Tối đến, chỉ có ánh đèn dầu leo lét, sóng điện thoại không, có lẽ vậy mà đêm lại cứ thế thành ra dài hơn bao giờ hết. Đêm dài thì cũng chỉ biết chui vào chăn, nằm nhìn trần nhà, nghĩ miên man về con rồi thiếp vào giấc ngủ lúc nào không hay”.

Cứ thế, chúng tôi không hỏi, cô Thoa vẫn say sưa kể. Lúc đi học sư phạm thân với một người bạn cùng lớp, run rủi thế nào lại nên duyên vợ chồng. Ấy thế mà giờ hai đứa con trai đứa nhỏ học lớp 2, còn đứa lớn học lớp 9. Bố mẹ đi dạy trên rừng, đành phải gửi con cho ông bà ngoại (bố mẹ nuôi) tận thành phố Điện Biên. Mấy hôm vừa rồi, nghe nói đứa con lớn bị ngã xe và phải nhập viện, vợ chồng xin nhà trường tức tốc chạy về thăm. Cũng chỉ thăm con chứ chẳng có thời gian chăm con cho đến khi lành bệnh.

Cô Thoa bắt đầu rưng rưng, may mà hai vợ chồng dạy cùng trường nên hằng ngày còn có nhau. Còn con thì một tháng, có khi hai, ba tháng mới được về thăm. Đi từ điểm trường lẻ về đến thành phố coi như mất một ngày. “Thời gian đầu, các cháu còn nhỏ, em phải đi dạy. Có khi mẹ đi vài tháng, về nhà con trai quên mất mặt mẹ, bế không theo, cứ khóc đòi bà. Lúc đó thấy tủi trong lòng, đến con mình không theo thì day dứt biết bao. Dỗ dành mãi nó quen hơi được một đêm thì hôm sau lại phải xa con lên trường. Đêm nào nằm ngủ, cũng mơ thấy giọng con gọi: “Mẹ ơi!, mẹ ơi!”.

Điểm trường Nậm Pan 2 nằm đơn độc trên ngọn đồi cao, cứ mỗi chiều các em tan học, chào tạm biệt trở về nhà. Vợ chồng cô Thoa lại đứng dựa vào cột cổng, nhìn theo các em cho đến khi khuất bóng. Khi hỏi về động lực bám bản, bám trường, cô Thoa mỉm cười: “Em chỉ muốn mang cái chữ đến với đồng bào mình thôi. Nhìn các em thấy thương lắm, vẫn vô tư cười nói suốt ngày nhưng đâu có hiểu được tương lai vất vả ra sao. Có lúc cũng nản trí lắm, nhưng, mỗi khi nhớ đến những lá đơn nguệch ngoạc mà bà con soạn thảo kiến nghị nhà trường xin cho cô giáo được ở lại mỗi đầu năm học thì em lại không nỡ đành lòng bước chân đi”, cô Thoa đượm buồn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ