Mường Nhé ngày trở lại

GD&TĐ - Lâu lắm rồi tôi mới có dịp trở lại huyện Mường Nhé (Điện Biên), địa danh nổi tiếng với câu nói “một con gà gáy, 3 nước nghe chung”. Tôi từng nghĩ Mường Nhé như một Trường Sa cạn của Việt Nam, khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Thế nhưng, trái lại với thực tế, những đứa trẻ ở đây luôn có nghị lực sống phi thường. Chúng bất chấp mọi gian lao chỉ mong sao được đến trường để học “con chữ”.

Cô giáo hỗ trợ HS đưa em qua suối trên đường trở về nhà sau buổi học
Cô giáo hỗ trợ HS đưa em qua suối trên đường trở về nhà sau buổi học

1. Trong bữa cơm chiều đạm bạc với rau luộc, cá khô và đậu phụ rán, nhâm nhi chén rượu nồng, tôi, anh Khiêm (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chung Chải) và anh Thuận, một GV đầy tâm huyết kể cho nhau nghe câu chuyện ngày trước. Các anh đưa tôi trở lại 7 năm về trước, khi tôi đang theo đuổi đề tài “Cõng em đi học”, kể về nỗi nhọc nhằn của đa số HS vùng cao ở cái đất Mường Nhé này.

Tôi nhớ như in những bước chân nhọc nhằn trên dải cát phù sa của em Thào Thị Ly ở Trường Tiểu học Pá Mì. Cho dù ngày nắng như đổ lửa hay những ngày mùa đông buốt giá, Ly cũng đều phải cõng em đến trường. Với một HS tiểu học thì đây thực sự là một công việc khó nhọc. Nhưng có khó nhọc đến đâu thì cũng thỏa lòng bởi đổi lấy là việc em lại được tiếp tục đến trường như các bạn cùng trang lứa.

Điểm trường Pá Mì 3 nằm cách trung tâm Trường Tiểu học Pá Mì hơn 10 cây số đường rừng. Để đến được điểm trường này chỉ có mỗi một cách duy nhất là đi bộ. HS ở điểm trường là con em các gia đình người Mông sống rải rác ở sườn núi cao về học. Buổi sáng ở các điểm trường bao giờ cũng bắt đầu bằng những tiếng khóc của trẻ nhỏ, cho dù không phải là trường mầm non. Không phải là em của Ly khóc thì là em của Giàng Thị Si, Giàng Thị Khu, Sùng Thị Dở... hay các bạn khác. Mỗi ngày có đến cả chục em phải mang em nhỏ lên lớp theo học. Việc mang em đến lớp đã là việc khó đối với các em. Song để trông coi được em trong suốt cả một ngày học lại còn khó khăn hơn.

HS vừa ngồi học vừa trông em
  • HS vừa ngồi học vừa trông em

"Một em HS phải mang theo 2 em đi học để bố mẹ đi nương. Ví dụ em Gầu hoặc em Vang ở trong lớp, trông em để bố mẹ đi nương, đi làm. Điểm bản chúng tôi còn có những trường hợp khó khăn hơn nữa. Hai chị em về đây học thì phải luân phiên nhau để đi học. Ví dụ như hôm nay chị đi học thì ngày mai nghỉ để ở nhà trông em. Đường sá đi từ nhà đến trường thì xa, bố mẹ đi nương, không ai trông em cho nên các em cứ phải luân phiên nhau như thế", thầy giáo Bùi Văn Thuận, giáo viên Trường Tiểu học Pá Mì kể lại.

“Công tác lâu năm trong ngành Giáo dục, đi thanh tra nhiều lần ở nhiều trường khác nhau trong huyện thì tôi thấy trước đây tình trạng HS mang em đi học là rất phổ biến. Hầu như là trường nào cũng có. Tình trạng này diễn ra phổ biến nhất là thời điểm tháng 1 và tháng 3 hàng năm bởi lúc này bố mẹ các em đi làm nương xa, không có ai trông em. Nếu không đồng ý cho mang em đi thì bố mẹ các em sẽ không cho các em đi học” - thầy giáo Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chung Chải nói thêm.

Hỗ trợ bạn thay đồ cho em trên lớp học
  • Hỗ trợ bạn thay đồ cho em trên lớp học

2. Phần lớn người dân Mường Nhé là đồng bào dân tộc Mông di cư từ các nơi khác đến sinh sống. Do nhận thức của đồng bào còn hạn chế nên sự quan tâm tới việc học của con em mình cũng không được thường xuyên. Họ coi việc cho con đi học như là một nghĩa vụ chứ không phải là quyền lợi của các em.

Tình trạng HS bỏ học giữa chừng để ở nhà trông em diễn ra từ nhiều năm nay. Thường thì tình trạng trên xảy ra ở 3 thời điểm trong năm. Thứ nhất là đầu năm học, thứ 2 là thời điểm sau Tết Nguyên đán và thứ 3 là thời điểm Tết truyền thống của đồng bào dân tộc Mông. Chính vì không muốn để HS bị mù chữ, rồi tương lai phải gắn bó cả đời với rẫy nương mà cái đói cái nghèo vẫn cứ bám riết nên hàng nghìn giáo viên ở đây đã chấp nhận hi sinh lợi ích cá nhân, không quản ngại khó khăn, trèo đèo lội suối lên tận các điểm bản xa hàng chục cây số để vận động HS ra lớp.

Nếu không có lòng yêu thương học trò, sự tận tâm với nghề, thì có lẽ chẳng ai đủ nhiệt thành để bám trụ chốn “thâm sơn cùng cốc” này. Bởi vậy mà niềm vui đối với các thầy, cô và cũng là món quà quý giá nhất của những người đứng trên bục giảng là mong sao các em không bỏ trường, bỏ lớp.

Thực tế cho thấy, trong mấy năm gần đây, tình trạng sinh con thứ 3 ở huyện Mường Nhé diễn ra khá phổ biến. Hệ lụy từ thói quen sinh dày, sinh nhiều là sự thiếu quan tâm, chăm sóc và giáo dục cho con em mình. Cho đến nay vẫn chưa có một con số thống kê cụ thể là bao nhiêu HS phải mang em đến lớp.

HS tiểu học vừa ru em ngủ vừa học bài
  • HS tiểu học vừa ru em ngủ vừa học bài

Đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, đến lớp để được học con chữ với các em đã khó, đằng này các em lại phải cõng trên lưng gánh nặng từ em nhỏ lại khiến cho khó khăn được nhân lên. Việc chị cõng em, em lại cõng em kế tiếp theo học đã và vẫn đang hiện hữu ở nơi đây.

Dẫu biết rằng việc đồng ý cho HS mang em vào lớp là trái với quy định của ngành Giáo dục; song với đặc thù của huyện biên giới Mường Nhé, để thực hiện được quy định này quả thực rất khó. Bởi nếu không chấp nhận những trường hợp như thế thì nhiều bậc phụ huynh cũng không chấp nhận cho con em mình tiếp tục đi học. Điều này đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ bị mất HS. Việc duy trì sĩ số HS ở mỗi lớp học vốn đã khó, nay lại càng khó khăn hơn.

Qua câu chuyện kể, anh Khiêm còn nhắc tôi nhớ lại những hình ảnh đầy xúc động của chị em cô bé Giàng Thị Mạnh, Giàng Thị Bay. Nhà của hai chị em cách điểm trường trung tâm hơn 18 cây số. Cả hai chị em được bố đưa đến trường vào chiều Chủ nhật, chiều thứ 6 tuần sau lại đón về. Em Bay học lớp mầm non 3 tuổi, còn chị gái thì học tiểu học. Trong bữa cơm chiều cuối ngày, em Bay không có khẩu phần ăn ở trường tiểu học, suất cơm của chị Mạnh được chia đôi, Mạnh nhường em một nửa và nhờ một chị gái ở lớp lớn hơn bón hộ vì Mạnh còn quá nhỏ. Cả ngày Bay đi học ở trường mầm non bên cạnh. Tối về thì chị trông nom.

Tôi còn nhớ cả những hình ảnh chị em Lý Thị Gầu ngày đó. Trường tiểu học xa nhà, Lý Thị Gầu vừa đi học, vừa phải địu đứa em nhỏ chỉ vài tháng tuổi trên lưng. Cứ mỗi khi khát sữa mẹ, đứa em nhỏ lại khóc ré lên mãi không thôi. Chẳng biết dỗ em thế nào, thương em, Lý Thị Gầu cũng chỉ biết khóc theo.

Mường Nhé nay đã đổi khác, song tôi vẫn thấy bóng dáng của Giàng Thị Si, Sùng Thị Dở, Lý Thị Gầu, Giàng Thị Bay... đâu đây. Bởi trong khoảng 70% số trẻ trong nhóm từ 3 tháng đến 36 tháng tuổi chưa được đến lớp kia, cứ mỗi khi vào mùa vụ sẽ lại vẫn phải theo anh chị mình lên lớp như trước đây thôi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.