Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì? Đây là một câu hỏi mà đã có nhiều câu trả lời, giải đáp nhưng chưa được thỏa đáng.
Hình thành một triết lý giáo dục riêng
PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, nguyên tắc cốt lõi của nền giáo dục là: Dân tộc/Dân chủ - Nhân văn - Hiện đại/Sáng tạo. Đây là nguyên tắc được chắt lọc từ huấn đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hệ thống giáo dục quốc dân, quan hệ thầy trò, tu dưỡng nhân cách...
Còn GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, triết lý giáo dục ngày nay gói gọn trong từ “hợp tác”. Đó là quan hệ hợp tác giữa nhà trường - xã hội, nhà trường - gia đình, thầy - trò, thầy - thầy, học trò - học trò. Và khi đã hợp tác thì phải theo nguyên tắc thỏa thuận, không ai áp đặt ai.
Trong khi đó, TS Giáp Văn Dương, Hiệu trưởng Vietschool, bày tỏ quan điểm nên theo đuổi một triết lý, mục đích giản dị hơn là con người tự do. Như vậy, rõ ràng hai câu hỏi: Triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay là gìvà có nên đưa vào Luật Giáo dục không, vẫn đang bị bỏ ngỏ. Tuy nhiên, chắc chắn trong tương lai gần giáo dục Việt Nam sẽ hình thành một triết lý riêng nhằm giải quyết các vấn đề giáo dục đặt ra trong hoàn cảnh đất nước đang có nhiều thay đổi.
Thế thì, khi đó người thầy có cần thay đổi không? Dĩ nhiên là cần thay đổi nhưng cũng cần phải giữ lại những giá trị cốt lõi, riêng biệt của người thầy giáo, của nghề giáo. Để làm được điều đó, ngoài việc mỗi giáo viên phải nỗ lực học tập, rèn luyện thì cũng rất cần được Đảng, Nhà nước, xã hội tiếp tục quan tâm hơn nữa.
Thầy cô giáo không phải là thợ dạy
Nghề giáo viên được gọi với một tên gọi trìu mến “người kỹ sư tâm hồn”. Giáo viên không phải là những “thợ dạy” chỉ truyền đạt kiến thức được in trong những cuốn sách giáo khoa mà là người thổi hồn nhân cách sống, xây dựng tâm hồn cho học trò của mình.
Một bộ phim ngắn cảm động của Thái Lan kể về câu chuyện có thật của một cô giáo đã cố gắng tìm hiểu những tính cách, tâm lý, khả năng đặc biệt của trẻ tự kỷ để từ đó cô đã có sự sáng tạo trong cách truyền đạt kiến thức, kiên nhẫn kết nối và giao tiếp với học sinh bằng tình yêu thương. Nhờ vào trí tuệ và tình yêu thương dành cho học trò, cô giáo đã giúp học sinh tự kỷ trong lớp của mình có thể tham gia vào giờ học với một tinh thần thoải mái. Cô cũng đã có những giây phút hạnh phúc khi đồng hành cùng học trò của mình.
Một lần khi bị bạn bè trêu chọc, em không thể kiềm chế cảm xúc và đã đánh nhau với bạn. Cô giáo đã mạnh mẽ đứng ra bảo vệ học sinh khi phụ huynh và thầy hiệu trưởng muốn đuổi học em. Cô giáo đã là nguồn cảm hứng để cậu học sinh thực hiện một ước mơ cao đẹp, kết nối với xã hội, có cuộc sống ý nghĩa và hạnh phúc. Bộ phim cũng đúc kết một triết lý: “Làm thầy cô thì không thể lấy thành tích, chức sắc, tiền bạc, vật chất làm mục tiêu của nghề. Một giáo viên chân chính luôn lấy sự trưởng thành, sự thay đổi tích cực, sự vươn lên của học trò làm niềm tự hào và hạnh phúc cho mình trong nghề nghiệp”.
Dạy học và dạy làm người
Cái khó nhất của nghề giáo không phải là trao truyền kiến thức mà là dạy học sinh làm người, nên người. Một người thầy giỏi sẽ thể hiện qua từng lời nói, hành động nhỏ nhất để từ đó học sinh nhìn vào, cảm nhận được cái hay cái đẹp để noi theo.
Thời đại tiện nghi, vật chất lên ngôi làm con người ta sống vội, có nhiều chọn lựa nhất thời. Thế hệ học sinh hiện nay dễ bị tổn thương bởi những thứ vô hình nhưng thực chất là hữu hình. Người thầy sẽ phải là người nhìn thấu những khó khăn đó để vực học sinh đứng dậy, truyền tải những thông điệp giản dị mà bấy lâu nay học sinh đã quên để nuôi dưỡng hạnh phúc cho các em. Mỗi sáng đến trường người thầy, người cô cần hỏi bản thân hôm nay mình có bình yên, mình có nhiệt tâm với học trò không? Nếu chưa đủ cần lấy lại năng lượng tích cực để truyền những điều tốt lành đến học sinh.
Qua nhiều năm tháng những tốt lành nhỏ nhất từ thầy cô sẽ in bóng trên con người của học sinh. Quả ngọt luôn đợi trên những cành cây yêu thương. Và một ngày nào đó nhìn lại lứa học trò ngày ấy nên người, chín chắn là điều bất kì người thầy nào cũng mong đợi. Xã hội ai cũng quý trọng và nâng niu nghề giáo, một nghề không chỉ dùng kỹ năng mà dốc lòng một đời để giảng dạy, yêu thương và ngóng trông theo học trò. Thế hệ học trò tương lai hạnh phúc sẽ bắt đầu từ tập thể thầy cô giáo hạnh phúc.
Nghề giáo luôn phải làm việc với phụ huynh, làm việc với đồng nghiệp, làm việc với chính mình để tạo ra con đường đi cho một thế hệ. Đôi lúc đối đầu với nhiều tư tưởng để tìm ra con đường cho một thế hệ học sinh.Nếu chẳng có đủ bản lĩnh, tâm và tầm thầy cô khó lòng dìu bước thế hệ học trò. Như nhà chính trị gia Ấn Độ Vijaya Lakshmi Pandit đã nói: “Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện”.
Những phẩm chất mới của người thầy
Người thầy trong bất kỳ thời đại nào, nhất là trong thời đại 4.0 thì phải luôn xác định tinh thần học tập suốt đời để chiếm lĩnh tri thức mới cũng như thích ứng với các nhiệm vụ, mục đích, yêu cầu, triết lý giáo dục mới. Trước hết, người thầy phải là nhà nghiên cứu ứng dụng. Nghiên cứu và giải quyết những vấn đề nảy sinh, cải tạo những yếu tố cản trở là nhiệm vụ thường xuyên của người làm giáo dục.
Điều này nhấn mạnh rằng, người thầy mới chính là người nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục ở nhà trường. Đó là lý do chính để đòi hỏi người thầy phải suy nghĩ và hành xử như một nhà nghiên cứu, giải quyết vấn đề của thực tiễn xã hội, thực tiễn nhà trường.
Tiếp đến, người thầy phải có năng lực chẩn đoán nhu cầu và đặc điểm đối tượng dạy học. Năng lực chẩn đoán nhu cầu và đặc điểm đối tượng dạy học là một trong những năng lực được nhấn mạnh trong kiểu dạy học “tập trung vào sinh viên và hoạt động học”. Trong thực tế, biết chuẩn đoán nhu cầu và đặc điểm đối tượng dạy học mới có thể thiết kế kế hoạch dạy học phù hợp. Năng lực này đòi hỏi những kỹ năng như soạn phiếu phỏng vấn, tổ chức điều tra cơ bản, xây dựng hồ sơ đối tượng dạy học… Chỉ khi nắm vững đối tượng, thầy giáo mới có thể điều khiển quá trình dạy học có hiệu quả.
Thứ nữa, người thầy có năng lực thiết kế, lập kế hoạch dạy học và thực hiện kế hoạch dạy học. Năng lực này đòi hỏi những kỹ năng như nghiên cứu mục tiêu, nội dung chương trình, giáo trình chính, lớp học, học phần, dựa vào đặc điểm đối tượng đã khảo sát để lập kế hoạch phù hợp, khả thi, có thể kiểm soát được, đánh giá được. Những kỹ năng này giúp thầy giáo nhìn thấy trước và lập kế hoạch, lựa chọn nội dung, phương pháp, phương tiện, phương thức tiến hành các hoạt động chính của mình cũng như của học sinh.
Làm như vậy, thầy giáo luôn giữ vai trò chủ đạo trong quá trình giáo dục.Năng lực này cũng đòi hỏi thầy giáo phải có kỹ năng giao tiếp (với học trò, phụ huynh, doanh nghiệp, địa phương…). Thầy giáo phải có kỹ năng quản lý hoạt động dạy học trong phạm vi trách nhiệm của mình, lôi cuốn sự tham gia nhiệt tình của các lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường.Việc hình thành kỹ năng như vậy, không phải dễ dàng mà nó là kết quả của một quá trình học tập nghiêm túc và rèn luyện tay nghề công phu.
Cuối cùng, người thầy phải có năng lực giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học. Thầy giáo không những phải biết đánh giá chính xác, công bằng, khách quan kết quả học tập của học sinh mà còn phải hình thành cho các em khả năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Qua đó mà tự động điều chỉnh cách học, đồng thời, thầy giáo tự điều chỉnh cách dạy cho hợp lý. Muốn vậy, thầy giáo phải nắm vững và biết phối hợp các phương pháp, kỹ thuật kiểm tra, đánh giá (truyền thống và hiện đại).
Như vậy, có thể hình dung người thầy phải thay đổi rất nhiều một khi triết lý giáo dục sẽ thay đổi. Người thầy một mặt vừa phải gìn giữ những phẩm chất thiêng liêng, đáng quý vốn có của mình vừa phải không ngừng học tập, rèn luyện để tiếp thụ những nguồn tri thức mới. Đó vừa là niềm tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao đối với “người kỹ sư tâm hồn” trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà.