Thầy cô giỏi là người giúp học sinh thay đổi chính mình

GD&TĐ - Dù trong thể thao hay giáo dục, nếu người lãnh đạo được rèn luyện bản lĩnh và các kỹ năng khác thì sẽ tạo ra một tập thể đoàn kết và phát triển.

HLV Park Hang Seo (giữa) đã truyền cảm hứng về tinh thần thể thao cống hiến cho các cán bộ quản lý giáo dục tại Hội thảo.
HLV Park Hang Seo (giữa) đã truyền cảm hứng về tinh thần thể thao cống hiến cho các cán bộ quản lý giáo dục tại Hội thảo.

Những điểm chung giữa bóng đá và giáo dục

Chiều 27/3, ông Park Hang Seo - cựu HLV trưởng Đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam đã có buổi giao lưu cùng các đại biểu tại hội thảo “Thắp lửa cùng tiến lên” 2023 về chủ đề "Tinh thần thể thao trong rèn luyện bản lĩnh người lãnh đạo". Buổi trao đổi được diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thể thao Việt Nam 27/3/1946 - 27/3/2023. Sự xuất hiện của vị cựu "thuyền trưởng" đội tuyển Việt Nam càng mang thêm nhiều ý nghĩa.

HLV Park Hang Seo cầm trên tay trái bóng có chữ ký của các cán bộ quản lý giáo dục như một lời tri ân.
HLV Park Hang Seo cầm trên tay trái bóng có chữ ký của các cán bộ quản lý giáo dục như một lời tri ân.

Trong thời gian dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, HLV Park luôn đề cao yếu tố tinh thần Việt Nam với các học trò của mình. Theo ông, có 4 yếu tố cần thiết cho các cầu thủ gồm: Tinh thần đoàn kết, lòng tự trọng, sự thông minh và ý chí kiên cường. Từ đó, giá trị về tinh thần của đội tuyển Việt Nam đã được hình thành. Và cả thầy cùng học trò đều đề cao và thực hiện tinh thần đó một cách kỷ luật và rõ nét nhất.

Nói về mối liên hệ giữa việc áp dụng tinh thần đó trong lĩnh vực giáo dục, ông Park khuyên các thầy cô nên chọn lọc một số ý quan trọng để có thể áp dụng linh hoạt. PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự khâm phục trước những đóng góp của ông Park Hang Seo cho nền bóng đá Việt Nam.

Nội dung buổi hội thảo thu hút sự tham gia nhiệt tình từ phía dưới sân khấu dành cho diễn giả.
Nội dung buổi hội thảo thu hút sự tham gia nhiệt tình từ phía dưới sân khấu dành cho diễn giả.

Từ năm học 2017-2018 cho đến nay, cô Thơ đã được đến hơn 100 trường học để quan sát, tìm hiểu về hoạt động của nhà trường. Điều mà cô thấy rất tâm đắc chính là ở tinh thần cống hiến, đổi mới, sáng tạo của lãnh đạo các nhà trường. Trường THPT Võ Thành Trinh - tỉnh An Giang là một ví dụ sinh động về sự thay đổi của cả một ngôi trường về chuyển đổi số cũng như các mặt công tác khác.

Nữ chuyên gia cũng cho rằng, trong mỗi tập thể hay cụ thể là ở một đội bóng, mỗi học trò là một cá tính và có những thế mạnh riêng. Vậy người thầy phải làm sao để các học trò trưởng thành, phát huy được năng lực, sở trường của mình. Nếu muốn gắn bó lâu dài với nhau thì người đứng đầu phải quan tâm, nhường nhịn cấp dưới, tôn trọng lẫn nhau.

Những chia sẻ của ông Park đều ẩn chứa rất nhiều bài học để các cán bộ quản lý giáo dục có thể học tập.

Những chia sẻ của ông Park đều ẩn chứa rất nhiều bài học để các cán bộ quản lý giáo dục có thể học tập.

Ngoài ra, ông Park Hang Seo cũng nhấn mạnh, trong mỗi tập thể có các quy định. Nếu ai vi phạm thì sẽ trở thành đối tượng cần nhắc nhở. Điều kiện tiên quyết là muốn tự do thì phải tuân thủ quy định của tập thể. Ví dụ, nếu phát hiện một cầu thủ hút thuốc thì sẽ ứng xử ra sao cho đúng. Vừa chỉ trích và vừa đưa ra giải pháp, việc lựa chọn là ở cá nhân cầu thủ.

Trên cơ sở đó, việc áp dụng nguyên tắc đó trong công tác quản lý giáo dục hay trong một ngôi trường phải có sự linh hoạt. Bất cứ ai muốn thành công thì phải có sự kỷ luật. Thứ hai là lắng nghe, thấu cảm của người lãnh đạo với cấp dưới. Có người từng nói, các nhà lãnh đạo vĩ đại thường trao công trạng cho người khác và nhận trách nhiệm về mình.

Những tố chất cần có của người lãnh đạo

HLV Park Hang Seo chụp ảnh cùng một số thầy cô sau buổi hội thảo.

HLV Park Hang Seo chụp ảnh cùng một số thầy cô sau buổi hội thảo.

"Đã là lãnh đạo thì cần giống cha mẹ của cấp dưới một chút. Theo văn hóa Á Đông, cứ khi con sai thì người khác thường trách cha mẹ trước. Chúng ta là 1 gia đình, nếu cầu thủ có lỗi thì người thuyền trưởng phải chịu trách nhiệm. Để lãnh đạo một tổ chức, người đứng đầu cũng chịu rất nhiều áp lực, vất vả. Quản lý cầu thủ về mọi phương diện, làm việc phải có kết quả tốt sau mỗi trận đấu. Để các thành viên trong tổ chức phục tùng và đi theo, điều quan trọng nhất ở người lãnh đạo đó là niềm tin và sự tín nhiệm" - HLV Park Hang Seo nêu quan điểm.

Một điều mà cựu "thuyền trưởng" tuyển Việt Nam đề cập, đó là dù thất bại thì cũng không để cầu thủ thấy được hình ảnh về sự dao động của HLV trưởng. Đã là lãnh đạo phải có sự che chở cho cấp dưới trước mọi sự tấn công từ bên ngoài. Làm thế thì họ mới có sự tự hào và nhận ra sứ mệnh của mình trong công việc của họ. Nếu người hiệu trưởng hội tụ các yếu tố như thế thì giáo viên sẽ làm tốt công việc của mình.

Các đại biểu phía dưới trực tiếp đặt câu hỏi cho HLV Park Hang Seo tại hội thảo.

Các đại biểu phía dưới trực tiếp đặt câu hỏi cho HLV Park Hang Seo tại hội thảo.

Lãnh đạo là phải nhường nhịn, phải để cho thầy cô tin vào "cái nhịn" của mình chứ không phải là sợ giáo viên. Mục tiêu là giáo dục để tạo ra thế hệ học sinh có phẩm chất tốt. Bóng đá cộng với giáo dục sẽ tạo nên những đứa trẻ tài năng. Tinh thần thể thao trong rèn luyện bản lĩnh người lãnh đạo chính là ở chỗ đó.

Mỗi người thầy sẽ có phương pháp dạy học trò khác nhau. Khi dẫn dắt các cầu thủ, họ là người đã trưởng thành nên rất khó để sửa những kỹ năng cơ bản. Ta phải tận dụng 100% những tài năng riêng của cầu thủ đó cho đội bóng. Tôi chỉ tập trung vào ưu điểm và tính cách của từng cầu thủ để bố trí, sắp xếp vào vị trí nào cho phù hợp mới quan trọng. Đó là nhiệm vụ của người thầy.

Các đại biểu và khách mời cùng lưu lại những hình ảnh đáng nhớ tại sự kiện.
Các đại biểu và khách mời cùng lưu lại những hình ảnh đáng nhớ tại sự kiện.

Cô Phan Thị Hằng Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Kim Ngọc (tỉnh Vĩnh Phúc) tâm sự: "Qua hội thảo lần này, chúng tôi đã học được rất nhiều từ những chia sẻ của thầy Park Hang Seo. Đó là làm lãnh đạo phải biết khơi dậy và phát huy được những năng lực nổi bật cũng như có niềm tin. Mình không thể thay đổi người khác nhưng có thể tác động để người khác tự thay đổi mình. Và đặc biệt, người hiệu trưởng phải có bản lĩnh và dám thay đổi".

PGS.TS Chu Cẩm Thơ chia sẻ thêm, nhiều em học trò có thể không nghe lời cha mẹ nhưng sẽ nghe lời thầy cô giáo. Nếu nhân viên họ yêu quý và có niềm tin với mình thì họ sẽ nghe lời mình hơn cả người thân của họ. Nếu có sự tin tưởng thì hiệu trưởng sẽ lan tỏa những giá trị tích cực cho các giáo viên. Do đó, tinh thần thể thao trong rèn luyện bản lĩnh người lãnh đạo là những điều mà các cán bộ quản lý giáo dục thu nạp được tại hội thảo và cụ thể hóa ở đơn vị mình một cách linh hoạt nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.