Nỗ lực toàn diện đẩy lùi bạo lực học đường

GD&TĐ - Tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 640 điểm cầu trên toàn quốc, với sự tham gia của gần 20.000 đại biểu; ra chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục..., - những nỗ lực của Bộ GD&ĐT được dư luận quan tâm và đánh giá cao trong tuần qua.

Nỗ lực toàn diện đẩy lùi bạo lực học đường
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại điểm cầu trực tuyến Bộ GD&ĐT
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại điểm cầu trực tuyến Bộ GD&ĐT

Cơ sở GD cần chủ động và chịu trách nhiệm với BLHĐ

Tuần qua, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến đảm bảo an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường với sự tham dự của gần 20.000 người tại 63 điểm cầu Sở GD&ĐT và 603 điểm cầu Phòng GD&ĐT. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng BLHĐ gia tăng, như do đặc điểm tâm lý lứa tuổi, do tác động tiêu cực của gia đình, xã hội,… nhưng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định ngành GD&ĐT phải xác định trách nhiệm và đi tiên phong trong việc tìm giải pháp giải quyết.

Đồng thời Bộ trưởng nhấn mạnh đến trách nhiệm của lãnh đạo các nhà trường, bao gồm cả hiệu trưởng, hiệu phó, tổng phụ trách và trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm… trong việc tìm ra các giải pháp để việc phòng chống bạo lực "không phải là phong trào mà đi vào hoạt động chuyên môn, không nghiêng về chống mà chú trọng đến phòng ngừa".

Nhiều quốc gia đã có các giải pháp phòng chống BLHĐ và xây dựng môi trường học đường an toàn. Trong đó các giải pháp phòng ngừa đa dạng, như nâng cao tư duy phản biện cho học sinh, nâng cao giá trị tự trọng cho học sinh để hạn chế hành vi bạo lực, tổ chức cho cha mẹ học sinh cùng tham gia các chương trình giáo dục kỹ năng giúp trẻ phòng vệ, tổ chức các chương trình can thiệp tập trung cho các nhóm học sinh có nguy cơ cao sử dụng bạo lực... được cho là những kinh nghiệm quốc tế mà Việt Nam nên tham khảo, học hỏi để xây dựng những giải pháp thiết thực hơn.

Với việc kí ban hành văn bản số 993/CT-BGDĐT, chỉ thị về việc tăng cường giải pháp phòng, chống BLHĐ trong cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm đẩy lùi BLHĐ.

Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể tới Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục. Trong đó có yêu cầu lựa chọn, bồi dưỡng và cử giáo viên có kinh nghiệm, năng lực và trách nhiệm làm công tác chủ nhiệm để thường xuyên theo sát tình hình, quản lý, giáo dục học sinh;

Quan tâm các em học sinh cá biệt, học sinh yếu thế để có biện pháp giáo dục, giúp đỡ, bảo vệ phù hợp; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vụ bạo lực học đường bảo đảm công khai, nghiêm túc theo quy định của pháp luật.

Thiết lập các kênh thông tin về bạo lực học đường của cơ sở giáo dục (hộp thư góp ý, đường dây nóng, hệ thống camera giám sát,…) để chủ động tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường.

Bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ tư vấn tâm lý, để thường xuyên nắm bắt tâm lý học sinh, kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn, xung đột trong trường học.

Tăng cường giáo dục pháp luật, giáo dục về phòng, chống bạo lực học đường trong chương trình và hoạt động giáo dục của nhà trường.

Xây dựng các chuyên đề về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân, phòng chống xâm hại, bạo lực học đường lồng ghép trong các hoạt động giáo dục, hoạt động Đoàn, Đội.

Thường xuyên thông tin hai chiều giữa cơ sở giáo dục và cha mẹ học sinh về hoạt động của nhà trường, tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường và thống nhất biện pháp giáo dục học sinh; hỗ trợ, cung cấp cho cha mẹ học sinh kiến thức, kỹ năng trong việc đồng hành, giáo dục giúp con tiến bộ.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Ban hành Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục

Tuần qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư Quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Mục đích xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục.

Quy tắc quy định nhiều nội dung cụ thể như không mang trang phục phản cảm, áp dụng không chỉ với cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh mà cả phụ huynh và khách tới làm việc với trường. Hay không hút thuốc, sử dụng chất kích thích, sử dụng mạng xã hội phát tán hình ảnh, bình luận nội dung phản cảm, không gian lận, dối trá, gây hiềm khích, quấy rối ép buộc.

Bên cạnh đó có các nội dung đáng chú ý cho cả cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh là quy định về ngôn ngữ chuẩn mực, tôn trọng, có tính khích lệ động viên. Đặc biệt tính trung thực, nghiêm túc được đặt ra với cả người dạy và người học. Với học sinh, quy định về ứng xử lễ phép, kính trọng thầy, cô giáo, cha mẹ cũng được đặt ra.

Một nội dung đáng chú ý ở bộ quy tắc này là quy định về hành vi, trong đó nhấn mạnh đế sự chia sẻ, hỗ trợ, tinh thần trách nhiệm và sự bao dung, không trù dập, bạo hành, xúc phạm thân thể và nhân phẩm người khác bằng ngôn ngữ hoặc hành động.

Nói bậy, miệt thị, bịa đặt chuyện, phát tán thông tin xấu... cũng là những điều bị cấm kị đối với học sinh trong các nhà trường.

Với bộ Quy tắc này cha mẹ học sinh và cán bộ quản lý, thầy cô giáo khi làm việc tại trường cũng phải thể hiện sự đúng mực, tôn trọng, không hống hách, phải chia sẻ, hỗ trợ vì mục tiêu giáo dục học sinh.

Đây là Bộ Quy tắc quy định chung, các nhà trường cần cụ thể hóa các quy định của các cấp lãnh đạo, xây dựng bộ quy tắc ứng xử riêng. Có như thế thì các quy định mới sát thực tế, phù hợp với điều kiện, yêu cầu giáo dục của mỗi nhà trường, địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.