“Điều trị” học trò cá biệt

GD&TĐ - HS lấy trộm điện thoại của bạn bán đi, cô Minh Thư (GV Trường THPT Yên Hoà, Cầu Giấy, Hà Nội) đã tìm cách chuộc về… Có rất nhiều hành động GV phải làm nhằm tạo lòng tin, từ đó cảm hoá những HS “đặc biệt”. Theo cô giáo Nga Phương (GV Trường THPT Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) muốn cảm hóa HS chưa ngoan, GV đừng xem các em là HS cá biệt, bởi ở trường nhiều khi GV “là tất cả” đối với các em.

GV cần trở thành chỗ dựa của HS về lòng tin. Ảnh minh họa
GV cần trở thành chỗ dựa của HS về lòng tin. Ảnh minh họa

Níu giữ học sinh trượt dốc…

Cô Minh Thư đã ấn tượng vẻ bề ngoài tự tin và xinh tươi của nữ sinh Tú Linh trong các hoạt động ngoại khóa (làm MC cho các chương trình văn nghệ, tham gia đóng phim ngắn trên truyền hình và còn múa rất đẹp). Thêm nữa bảng thành tích học tập ở THCS của nữ sinh này cũng rất xuất sắc, em từng là liên đội trưởng của trường. Tuy nhiên, cô Thư lại nghe thấy HS trong lớp bàn tán một số thông tin không hay về Linh. Cô Thư âm thầm theo dõi Linh mỗi khi em tan trường. Có hôm cô Thư bắt gặp nữ sinh này đứng nói chuyện với một số thanh niên lạ ngoài trường. Lực học của Tú Linh sút dần…

Một hôm trong lớp xảy ra vụ trộm. HS Việt Hà bị mất một chiếc điện thoại iPhone. Việt Hà đã bật định vị tìm điện thoại và phát hiện chiếc iPhone đó đang ở một tòa chung cư. Xem trên danh sách lớp, Việt Hà phát hiện ra đó là địa chỉ nhà Tú Linh. Dù rất buồn và thất vọng về nữ sinh đa tài trong lớp, nhưng cô Minh Thư vẫn cố nén lòng để giải quyết sự việc. Nữ sinh bị tình nghi lấy cắp điện thoại của bạn đã khóc rất nhiều, đổ lỗi cho cô giáo và bạn vu oan cho em.

Sau nhiều giờ được bạn và phụ huynh khuyên nhủ, cuối cùng Tú Linh thừa nhận đã lấy điện thoại của Việt Hà và bán để trả nợ. Chiếc điện thoại bị đánh cắp đã được cô Minh Thư chuộc lại trả cho chủ nhân, còn Tú Linh nhất định xin gia đình chuyển trường, vì nếu cả lớp biết chuyện, em sẽ rất xấu hổ.

“Ngay cả chúng ta, không ai có thể tránh khỏi những sai lầm trong cuộc sống, huống hồ những đứa trẻ”, cô Minh Thư bày tỏ suy nghĩ của mình khi rơi vào tình huống sư phạm đó. “Điều quan trọng hơn hết là phải biết sai và cố gắng để sửa những cái sai đó. Vì thế, tôi đã cho em thêm một cơ hội”.

Đến trường, cô Minh Thư tổ chức họp lớp và thông báo tới các HS rằng điện thoại không bị mất mà một HS khác lớp nhặt được và trả lại. Tú Linh đã tự giác viết bản tường trình kể lại đầu đuôi sự việc. “Em đã tâm sự với tôi rất nhiều về cuộc sống của em và những trang viết đẫm nước mắt của em đến bây giờ tôi vẫn giữ”, cô giáo chủ nhiệm này nhớ lại.

Đối diện với HS chưa ngoan, để chuyển hóa được cảm xúc, suy nghĩ của các em có lúc các GV phải chấp nhận cả thách thức từ HS, như những điều cô Hồng Hà (Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội) đã trải qua. Theo cô Hồng Hà, GV cần tuyệt đối tránh những kiểu câu mệnh lệnh như: “Đứng dậy ngay”; “Đi ra khỏi lớp”; Không nói nữa”...; Tránh dùng những cụm từ phủ định mạnh: “Không chấp nhận được”…

Lý do khiến HS trở nên cá biệt thường xuất phát từ những nguyên nhân bên ngoài. Ảnh minh họa
  • Lý do khiến HS trở nên cá biệt thường xuất phát từ những nguyên nhân bên ngoài. Ảnh minh họa

Thuốc nào chữa “bệnh” của HS “đặc biệt”?

Cô giáo Lê Nga Phương (Trường THPT Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) luôn được giao “trọng trách” chủ nhiệm các lớp có HS cá biệt. Theo cô Nga Phương, không một đứa trẻ nào tự nhiên trở nên cá biệt. “Luôn có ít nhất một lý do khiến chúng trở nên thù địch với mọi thứ xung quanh. Những biểu hiện như phá phách, ngủ trong giờ học, thậm chí gây gổ đánh nhau cũng chỉ là cách chống trả một cách quyết liệt với cuộc đời mà theo chúng là bất công, không đáng sống”, cô Nga Phương phân tích. Theo cô giáo nhiều năm làm công tác chủ nhiệm này, đôi khi, học trò làm vậy là để thu hút sự chú ý của người lớn, muốn trở nên “đặc biệt”.

Cô Lê Nga Phương (Trường THPT Hồ Tùng Mậu, Hà Nội) đúc kết: “Học sinh cá biệt luôn là nỗi lo sợ đối với GV, đặc biệt là những GV trẻ. Các em sẽ rút cạn sự kiên nhẫn của bạn, khiến bạn mất kiểm soát, rất dễ trở nên cáu giận, thậm chí khiến bạn mất đi tình yêu với công việc. Nhiều đồng nghiệp chia sẻ với tôi rằng: Họ muốn bỏ nghề khi gặp những HS “bất trị” như thế”.

Trước HS cá biệt, GV cần phải “công bằng”. Bởi, những đứa trẻ trở nên cứng đầu thường mất lòng tin vào lẽ phải. “Mọi lý do khiến HS trở nên cá biệt thường xuất phát từ những nguyên nhân bên ngoài, để rồi tạo ra những tổn thương sâu bên trong tâm hồn của đứa trẻ”, cô Nga Phương đúc rút.

Với học sinh cá biệt, để trở thành chỗ dựa của lòng tin, GV có khi phải vào vai cha mẹ “đã thiếu vắng” của HS; chuyên gia tư vấn tình yêu; y tá biết băng bó vết thương nếu HS lỡ lao vào một cuộc ẩu đả; bác sĩ tâm lý giúp HS thăng bằng sau những vết thương lòng…

Quan trọng là GV đừng xem HS chưa ngoan là “cá biệt”. “Nhiều GV chia sẻ rằng: Trước khi nhận lớp bao giờ họ cũng nghiên cứu kĩ hồ sơ, gặp GV chủ nhiệm cũ để tìm hiểu thật chi tiết về HS của mình. Đó là một cách làm đúng. Tuy nhiên, dẫu bạn không thừa nhận nhưng những thông tin mà bạn tìm được trước đó vô tình khiến bạn “dán mác” cho HS của mình”, cô Nga Phương chia sẻ. Ngay cả HS cá biệt cũng muốn được mọi người nhìn như những “người bình thường” khác, bởi vậy theo cô Nga Phương, nên thay từ HS “cá biệt” thành “đặc biệt”.

_____________________

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ