Chia sẻ về học tập, một học trò đã viết: "Em là một học sinh học không giỏi, đặc biệt là môn văn. Cứ bắt đầu đến tiết học là em cảm thấy tinh thần bị xuống cấp trầm trọng. Em cảm thấy chán nản, mệt mỏi, buồn ngủ và chỉ mong thời gian ấy trôi nhanh nhất có thể. Bởi vậy, mà tiết đầu tiên cô dạy lớp em, em đã gục mặt xuống bàn và khiến cô phải nhắc nhở. Nhưng sau một vài tiết học, em thấy phương pháp dạy học của cô thật hiệu quả và thú vị. Em đã không còn cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ như trước nữa.”(Trích thư của Nguyễn Hữu Phước lớp 10A1).
Thứ nhất, sự thân thiện của thầy cô chắc chắn sẽ là yếu tố quyết định. Sự thân thiện ở đây có thể chỉ là một nụ cười khi cô bước chân vào lớp. Nụ cười đã xóa tan khoảng cách thầy – trò. Nụ cười biến giờ học căng thẳng, áp lực trở nên nhẹ nhàng. Nụ cười có thể xua tan mệt mỏi. Nụ cười như khích lệ động viên. Nụ cười thân thiện sẽ truyền cảm hứng, truyền lửa cho học trò. Vậy thay vì vào lớp với bộ mặt nghiêm nghị thì thầy cô có thể mỉm cười chào học trò để tạo tâm thế học tốt nhất cho các em.
Thứ hai, thiết lập kênh thông tin để trò chuyện, chia sẻ với học trò. Thực chất, thời đại công nghệ thông tin 4.0 vừa là thách thức cũng là cơ hội của thầy cô.Thầy cô có thể sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Mesenger… để trò chuyện, chia sẻ thông tin với học trò.
Đây là cảm nhận của học sinh khi tôi viết thư chia sẻ thông tin, hướng dẫn các em nội quy của trường: “Thực sự khi bước chân vào trường THPT, cảm giác nó cứ bỡ ngỡ như ngày đầu vào lớp 1 ý….Thật sự em phải cảm ơn cô vì cô là người đã đăng dòng status về nội quy nhà trường đó chứ không em chả biết tuân thủ những cái gì nữa. Đấy là ấn tượng ban đầu của em vì từ hồi cấp 2 tới giờ chưa thấy có thầy cô nào quan tâm tới học sinh mà dùng Facebook như cô.” (Bài văn của em Đàm Quang Chiến – lớp 10A1).Thiết lập thông tin là một phần chiến lược trong việc thực hiện nhiệm vụ dạy học của thày cô.
Thứ ba, tôn trọng học trò. Thiết nghĩ muốn học sinh tôn trọng thầy cô thì trước tiên phải học sinh phải được tôn trọng . Thầy cô hãy để các em được bày tỏ cảm xúc mà không phải lo sợ, e dè. Xin đừng áp đặt suy nghĩ chủ quan của bản thân để bắt các em nghe theo. Thực tế mỗi suy nghĩ, mỗi hành động của các em đều có lí do riêng của nó. Chúng ta cần trân trọng những suy nghĩ và hành động đó. Nếu cần chúng ta có thể điều chỉnh.
Thứ tư, cần trao quyền chủ động học tập cho học trò. Phương pháp giảng dạy truyền thống là phương pháp mà trong đó chủ yếu là thầy nói – trò nghe. Hậu quả của phương pháp giảng dạy này dẫn đến sự thụ động của người học trong việc tiếp cận tri thức. Sự thụ động này là nguyên nhân tạo cho người học sự trì trệ, ngại đọc tài liệu, ngại tranh luận, thiếu khả năng thuyết trình, lười tư duy và thiếu tính sáng tạo trong tư duy khoa học. Ngoài ra sự thụ động của họ còn thể hiện qua phản ứng của họ đối với bài giảng của giáo viên trên lớp. Hoặc là nằm bò ra bàn, hoặc phá rối nhưng tệ hại nhất vẫn là sự học theo kiểu đối phó.
Thứ năm, cần thiết là phải thay đổi về phương pháp và kĩ thuật dạy học. Phương pháp giảng dạy là yếu tố quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng đào tạo. Một phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện để thầy cô và học sinh phát huy hết khả năng của mình trong việc truyền đạt, lĩnh hội kiến thức và phát triển tư duy.
Một phương pháp giảng dạy khoa học sẽ làm thay đổi vai trò của thày cô đồng thời tạo nên sự hứng thú, say mê và sáng tạo của học sinh. Nhưng như vậy rõ ràng thầy cô sẽ phải đầu tư thời gian, công sức và cả kinh tế để đổi mới và phát triển bản thân trở thành “tấm gương tự học”.
Nói tóm lại, thầy cô chính là chủ thể tạo động lực học tập cho học sinh. Muốn đào tạo được một con người có tâm, có tầm thì thày cô phải là người có tầm và có tâm.