Các chính sách chính này được chia sẻ trong báo cáo của nhóm tác giả: Hoàng Minh Sơn, Bùi Thị Thúy Hằng, Vũ Văn Yêm, Trần Văn Tớp (Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) tại Hội thảo giáo dục 2018 diễn ra mới đây.
Tái cấu trúc các trường ĐH
Để ngăn chặn sự suy giảm chất lượng trong giáo dục ĐH, chính phủ đã bắt đầu tái cấu trúc các trường ĐH bằng cách giảm số lượng nhập học thông qua việc đánh giá các trường ĐH, cung cấp tư vấn cho các trường ĐH được xếp hạng thấp. Các trường ĐH ở mép biên có thể bị yêu cầu đóng cửa hoặc chuyển đổi chức năng thành các tổ chức phi lợi nhuận, cơ sở phúc lợi xã hội và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tái cấu trúc hệ thống giáo dục ĐH để đáp ứng nhu cầu xã hội
Do sự không phù hợp giữa cung và cầu của thị trường lao động, các nhà máy gặp nhiều vấn đề vì thiếu nhân lực trong khi thanh niên gặp khó khăn trong việc chuyển từ môi trường học tập sang môi trường việc làm nên chính phủ đã hỗ trợ các trường ĐH thiết kế lại các chương trình đào tạo dựa trên số lượng sinh viên tương lai, điều chỉnh số lượng tuyển sinh và thành lập các khoa /ngành phù hợp với nhu cầu công nghiệp.
Tăng cường việc làm và khởi nghiệp của trường ĐH
Do tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên đang tăng lên, chính phủ đã hỗ trợ việc làm và năng lực khởi nghiệp của các trường ĐH. Cụ thể hơn, chính phủ đã hướng tới:
Thiết lập mô hình giáo dục liên kết với thế giới việc làm;
Hỗ trợ tài chính cho các trường ĐH để cấu trúc và thực hiện các điều kiện học tập và làm việc đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp;
Áp dụng chương trình đào tạo dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp;
Khôi phục nền văn hóa khởi nghiệp bằng cách tổ chức cơ sở hạ tầng thân thiện trong các trường ĐH, tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp,…
Tăng cường năng lực giảng dạy và nghiên cứu của các trường ĐH
Để nâng cao năng lực học tập và nghiên cứu của người học thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chính phủ đã thành lập K-MOOC (Khóa học trực tuyến mở của Hàn Quốc) để bất cứ ai ở bất cứ đâu có thể học các khóa học trực tuyến miễn phí. Đồng thời, hỗ trợ mạnh mẽ các khóa học nâng cao chất lượng dạy và học để tìm kiếm và mở rộng các trường ĐH xuất sắc, và hỗ trợ các trường ĐH nâng cao tính cá nhân trong các chương trình thạc sĩ và tiến sĩ.
Theo báo cáo thống kê năm 2011, Hàn Quốc có 376 cơ sở giáo dục ĐH chính quy với hơn 60 000 cán bộ giảng viên, cung cấp chương trình học giáo dục ĐH cho 3.7 triệu sinh viên, trong đó có 179 trường ĐH tư thục 4 năm, 43 trường ĐH quốc gia, công nghệ, ĐH đào tạo từ xa và các hình thức khác, 149 trường cao đẳng 2 năm và 3 năm với 770 000 sinh viên và 12 500 khoa/bộ môn.
Có hai loại trường ĐH tại Hàn Quốc là các trường ĐH tư, trường ĐH công và ĐH quốc gia. Các trường ĐH tư được điều hành bởi các Tổ chức Giáo dục (Educational Institutions). Học phí tại các trường này thường khá cao. Các trường ĐH công và ĐH quốc gia được điều hành bởi chính quyền địa phương hoặc chính phủ. Mức học phí tại các trường loại này thường thấp hơn so với các trường ĐH tư.
Để vào được các trường ĐH, các thí sinh cần được công nhận khả năng học tập ở bậc trung học (học sinh sẽ tốt nghiệp và / hoặc những người có năng lực tương đương dựa trên luật định), và hồ sơ cần thiết để được lựa chọn vào ĐH bao gồm bản sao của hồ sơ trung học, điểm trắc nghiệm năng lực học sinh phổ thông, điểm thi ĐH,…
Từ năm 2007, việc đánh giá tài năng, thái độ và các hoạt động không thuộc lĩnh vực học thuật được coi trọng trong quá trình tuyển sinh ĐH. Các trường ĐH được tự quyết định tỷ lệ, phương pháp và quy trình sàng lọc thí sinh.