Thầy cô chống rét cho trò: Đến hẹn… lại lo

GD&TĐ - Mỗi độ rét đến, giáo viên vùng cao lại đôn đáo khắp nơi tìm nguồn “cứu trợ” để giữ ấm cho trò. Năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, họ cũng đang chưa biết trông cậy vào đâu...

Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Dào San, xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu học bài
Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Dào San, xã Dào San, huyện Phong Thổ, Lai Châu học bài

Sưởi ấm cho trò…

Mấy hôm nay, thời tiết liên tục xuống thấp kèm theo sương mù, giáo viên các trường ở xã vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã phải linh hoạt thay đổi kế hoạch dạy học. Mong muốn của thầy cô là để giữ ấm, tránh tình trạng trẻ ốm do rét, phải nghỉ học.

“Khi trời có sương mù dày đặc vào buổi sáng, kèm theo đó là rét đậm thì chúng tôi phải dừng toàn bộ các hoạt động ngoài trời. Đổi lại, cho các con vận động trong lớp học, đóng kín cửa để tránh gió lùa. Cũng có khi rét đậm quá, giáo viên các lớp sẽ sử dụng hai biện pháp: Bố trí quạt sưởi ấm ở góc lớp hoặc sẽ cho các con quấn chăn ngay trong lớp học để giữ ấm và đồng thời nghe cô giảng bài”, cô Hà Thị Bền – Hiệu trưởng Trường Mầm non Y Tý nói.

Y Tý là xã vùng cao, khó khăn, điều kiện thời tiết diễn biến khắc nghiệt. Thường ở đây chỉ có tháng 4 và tháng 5 nhiệt độ ấm lên, đạt chừng 25-280C. Người dân địa phương gọi vui, đó là 2 tháng mùa Hè. Những tháng còn lại thường vẫn mát mẻ và thậm chí là lạnh lẽo hơn so với vùng thấp. Hầu như chưa khi nào vượt qua ngưỡng 230C. Lúc rét đậm, nhiệt độ thậm chí xuống đến 1-20C. Bởi thế, giáo viên ở đây hầu như lúc nào cũng sẵn sàng các phương án ứng phó để giữ ấm cho trò.

Học sinh trường Mầm non Y Tý, xã Y Tý, huyện Bát Xát học bài trong thời điểm rét đậm
Học sinh trường Mầm non Y Tý, xã Y Tý, huyện Bát Xát học bài trong thời điểm rét đậm

“Năm nào cũng vậy, Sở GD&ĐT, UBND huyện và Phòng chúng tôi cũng đều có những văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống rét cho trẻ. Về phía ngành, thầy cô các trường cũng rất trách nhiệm, huy động mọi quan hệ sẵn có để kêu gọi các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ các cháu như: áo ấm, chăn ấm, đồ ăn...”, cô Nguyễn Ngọc Anh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bát Xát chia sẻ.

Trường THPT số 3 Mường Khương nằm ở xã Cao Sơn, giáp xã La Pan Tẩn, Tả Thàng, là 3 xã xa xôi nhất của huyện Mường Khương. Năm học 2021 - 2022, Trường THPT số 3 Mường Khương có 352 học sinh. Trong đó, 270 học sinh bán trú đều là người dân tộc thiểu số.

Theo thầy giáo Lù Văn Thành, Hiệu trưởng nhà trường, khó khăn lớn nhất của nhà trường là ở nơi xa xôi, vào mùa đông sương mù, giá lạnh có thời điểm nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Việc đun nước tắm cho hàng trăm học sinh bằng bếp củi khó thực hiện vì không đủ củi, trong khi đó việc đun nước bằng bếp ga, bếp điện là không thể vì quá tốn kém.

Hai năm nay, nỗi lo đó đã không còn nữa. Hàng trăm học sinh bán trú của trường đã có nước nóng để tắm nhờ hệ thống bếp lò đun trấu rất hiệu quả. Đó là sản phẩm của thầy giáo Vũ Xuân Quế, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Bát Xát sáng tạo, trực tiếp xây dựng giúp trường. Nhờ hệ thống này, học sinh không phải vào rừng lấy củi vất vả như trước, không phải lo về nhà tắm, nên tỷ lệ chuyên cần được đảm bảo ngay cả trong những ngày rét nhất.

“Đây là một sáng kiến kinh nghiệm rất tốt của thầy Quế. Mô hình đang được nhân rộng và có những hiệu quả thiết thực với ngành giáo dục chúng tôi”, cô Nguyễn Ngọc Anh bộc bạch.

Các trường học ở các xã Dào San, Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) chủ động mượn đèn sưởi bố trí giữ ấm cho trò
Các trường học ở các xã Dào San, Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) chủ động mượn đèn sưởi bố trí giữ ấm cho trò

Cô trò tự lo...

Phong Thổ là huyện miền núi, biên giới khó khăn của tỉnh Lai Châu. Nơi đây thời tiết khắc nghiệt hơn bất cứ địa phương nào bởi địa hình núi cao, heo hút. Thường thì tầm tháng 10 dương lịch trở đi, các xã Sì Lở Lầu, Dào San... đã không thấy ánh mặt trời. Trời cứ thế âm u, lạnh lẽo, sương mù bao phủ cho đến tận ra Giêng.

Vì thế, cứ mỗi đầu năm học, giáo viên các trường vùng cao ở huyện Phong Thổ lại đôn đáo khắp nơi xin đồ dự trữ. Họ gom từng tấm áo, manh quần cũ cho đến những chiếc chăn chiên mà người thân, bạn bè có được để xin, mang về giặt sạch, cất kỹ chờ rét đậm đem chia.

“Từ đầu mùa, chúng tôi khuyến khích hơn 50 giáo viên toàn trường huy động các mối quan hệ của mình để kêu gọi giúp đỡ các con. Mục tiêu chúng tôi mong muốn là mỗi con sẽ có một chiếc áo, dù cũ hay mới cũng được. Kêu gọi được bao nhiêu thì gom hết vào để gây quỹ.

Khi rét đậm đến, em nào thiếu áo thì thầy cô sẽ đề xuất lấy ra từ nguồn quỹ để trao tặng. Làm vậy để không em nào bị ốm do lạnh. Năm nay dịch bệnh kéo dài, các thầy cô cũng huy động, mạnh thường quân cũng muốn chia sẻ, song năm nay cũng chưa biết thế nào...”, cô Phạm Thị Xuân ( Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Dào San ) thở dài.

Khi rét đậm, cô trò quây quanh bếp lửa sưởi ấm
Khi rét đậm, cô trò quây quanh bếp lửa sưởi ấm

Trường Tiểu học Dào San có gần 1.000 học sinh. Các em được chia ra học ở 2 điểm trường Trung tâm và 5 điểm bản lẻ. Bi ở trường, học sinh được thầy cô lo cho đủ ấm nên học sinh cũng chẳng muốn về nhà.

Để chuẩn bị cho đợt chống rét, trường Tiểu học Dào San đã huy động đèn sưởi từ tất cả các nguồn có được. Nhà trường bố trí mỗi lớp tối thiểu có được từ 2 - 3 chiếc đèn sưởi giữ nhiệt để sưởi ấm cho học trò.

Cứ mỗi độ rét về, Ban Giám hiệu nhà trường lại tổ chức họp bàn với phụ huynh. Mọi người thống nhất mỗi ngày, mỗi phụ huynh sẽ đóng góp cho trường 2 thanh củi, góp chung vào lớp để đốt lửa, sưởi ấm.

“Những lúc thời tiết xuống chỉ còn 2-30C, cũng muốn cho các em nghỉ học nhưng không thể được. Vì khi về nhà, bố việc bố, mẹ việc mẹ, con làm gì là việc của con. Các cháu lại chân trần đi chơi. Do đó, nhà trường đã giữ học sinh ở lại. Ở trường các con vừa có cơm ngon để ăn, vừa được giữ ấm nên các em rất thích”, cô Xuân tâm sự.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.