Thầy Bình

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Từ lâu, tôi đã có ý định viết một vài dòng về thầy, nhưng chưa biết viết gì, cũng chưa biết bắt đầu từ đâu.

Thầy Bình và các học trò. Ảnh: Hoàng Kim Liên
Thầy Bình và các học trò. Ảnh: Hoàng Kim Liên

Buổi trưa ở lại trường, tình cờ đọc được tin trên trang Facebook của cô Liên – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Trinh mới hay thầy Bình vừa nghỉ hưu theo chế độ. Thoáng một chút bất ngờ, một chút trống trải thật khó diễn tả… trong tôi.

Thú thực từ lâu, tôi đã có ý định viết một vài dòng về thầy, nhưng chưa biết viết gì, cũng chưa biết bắt đầu từ đâu. Bởi sự quý mến, kính trọng thì có nhiều, nhưng kỷ niệm về thầy lại ít quá.

Hồi học cấp ba Trường THPT Nghi Lộc 1, tôi không được học thầy mà chỉ nghe các anh chị khóa trên kể rằng, thầy là giáo viên dạy Lý giỏi và đặc biệt rất tâm lý, quan tâm tới học trò.

Tôi thì biết thêm, thầy còn là nhiếp ảnh gia lãng tử vì ngày nào lên trường cũng thấy thầy mang theo bên mình cái máy ảnh. Dường như chiếc máy ảnh còn xuất hiện thường xuyên hơn là cặp giáo án.

Tôi còn nhớ rõ bọn học trò chúng tôi được thầy chụp cho nhiều bức ảnh đẹp. Từ những tấm ảnh thẻ dự thi đến ảnh trong dịp khai giảng và đặc biệt nhất là khoảnh khắc đẹp, đầy cảm xúc trong buổi lễ chia tay tuổi học trò. Những bức ảnh thầy chụp đã lưu lại cho chúng tôi cả một bầu trời kỷ niệm.

Gặp thầy, có lẽ nhiều người đều có cảm nhận thầy giống nghệ sĩ hơn là một ông giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Với mái tóc để dài bồng bềnh, vận quần bò, áo phông, đi giày thể thao trông thầy rất khỏe khoắn. Thi thoảng thầy lại châm điếu thuốc, khuôn mặt dường như có nhiều suy tư, nỗi niềm. Tôi còn ấn tượng với nụ cười hiền hậu, giọng nói ấm áp, chậm rãi của thầy.

Cũng qua các thầy cô, tôi được biết, thầy từng sáng tác nhiều bài thơ hay. Một đồng nghiệp từng công tác và cũng là học trò của thầy chia sẻ với tôi rằng: “Chị cũng có nhiều điều muốn viết về thầy. Kỷ niệm của thế hệ chị với thầy trong những năm tháng dưới mái trường năng khiếu Quán Hành vẫn còn rõ lắm. Nhớ nhất vẫn là phong cách nghệ sĩ của thầy giáo dạy Vật lý đẹp trai (đúng chất của trai K4). Thầy lãng tử và vô sự. Thầy thuộc và sáng tác nhiều thơ. Có lẽ vì thế mà thầy được nhiều thế hệ học sinh yêu quý”.

Thầy Bình (thứ 4 từ phải sang) trong lễ khai giảng. Ảnh: Hoàng Kim Liên

Thầy Bình (thứ 4 từ phải sang) trong lễ khai giảng. Ảnh: Hoàng Kim Liên

Ngày thầy nhận quyết định về hưu, trên Facebook tràn ngập lời yêu thương, tình cảm kính trọng, chia sẻ chân tình, lời chúc tốt đẹp của học trò, đồng nghiệp, người thân dành tặng thầy. Có lẽ đó cũng là niềm hạnh phúc!

Sau này, khi là giáo viên công tác cùng huyện, tôi có đôi lần được gặp gỡ và chuyện trò với thầy. Đó là những lần về trường cũ công tác hay giao lưu văn hóa thể dục thể thao.

Nhưng có lẽ, lần tôi được chuyện trò với thầy nhiều nhất là có một người bạn thời cấp 3 tổ chức cuộc gặp với các thầy cô ở Trường Nghi Lộc 1 (nay là Trường THPT Nguyễn Duy Trinh).

Cuộc đó, thầy Tài – một đồng nghiệp cũng từng công tác ở trường gọi điện, bảo tôi đi cùng cho vui. Tôi vốn không uống được nhiều bia rượu nên định từ chối nhưng rồi người bạn học đến tận nhà và chở đi…

Trong cuộc vui, tôi ngồi lắng nghe thầy tâm sự về văn chương. Thầy nhắc đến nhiều tác phẩm văn học kinh điển như “Đồi gió hú”, “Những người khốn khổ”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Thép đã tôi thế đấy”…

Thầy nhớ tên từng nhân vật, từng chi tiết đắt và bình như một nhà phê bình văn học. Tôi ngồi chăm chú nghe và thấy xấu hổ. Thấy tôi thế nên thầy bảo, đó là những quyển sách gối đầu giường của thế hệ thầy, ai cũng biết.

Rồi, thầy nhắc đến những tác phẩm văn học Việt Nam từ “Chí Phèo” của Nam Cao đến “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, mà thú thực nhiều ý thầy giãi bày khiến tôi – một giáo viên dạy Văn nhưng vẫn cảm thấy mới mẻ và lý thú. Giọng thầy khi nói chuyện văn chương đầy hào hứng, khác xa với giọng của chính thầy trong những lần gặp trước – với tư cách là lãnh đạo lên phổ biến quy chế thi.

Đôi mắt thầy sáng long lanh khi nhắc đến chi tiết hay hình ảnh một nhân vật mà mình ấn tượng. Hình ảnh thầy khi đó trông thật đặc biệt. Trong cuộc vui, nhiều người chúc qua chúc lại, tôi quan sát thấy thầy uống cạn ly không bỏ sót lượt nào. Cũng vì thế, tôi cứ nhầm thầy còn trẻ và còn lâu mới… về hưu.

Lần mới nhất gặp thầy, là dịp trường tôi giao lưu với trường thầy. Thầy bảo, dạo trước thầy thường xuyên đọc bài viết trên trang cá nhân của tôi và các bài viết trên Báo Giáo dục và Thời đại nhưng dạo gần đây bận nhiều việc quá nên ít đọc hơn. Thầy còn nói thêm rằng, thầy thích giọng văn dí dỏm mà sâu sắc của tôi.

Thầy yêu sự chân thật trong từng câu chuyện tôi kể. Tôi nghe lấy làm bất ngờ lắm! Rồi, thầy giới thiệu với tôi một số nhà văn cùng quê, cùng trường với giọng đầy tự hào. Đó là nhà văn Nguyễn Xuân Hương, Võ Minh - học sinh cũ của trường. Chia tay, thầy bảo, cứ viết những điều mình thích em ạ, chứ đừng viết theo thị hiếu giản đơn…

Tôi cũng không nghĩ rằng, đó là lần gặp gỡ cuối với thầy trên cương vị là một thầy giáo, người làm công tác quản lý lâu năm. Có thể thầy về hưu rồi, cơ hội để gặp thầy sẽ ít đi nhưng như thế tôi sẽ trân trọng hơn những lần được gặp gỡ trước đây.

Vẫn biết cuộc đời ai rồi cũng đến lúc phải tạm xa công việc, tháng ngày sống đam mê với nghề mình yêu thương gắn bó, nhưng với thầy thì cứ thấy luyến lưu. Xin được gửi lời kính chúc sức khỏe đến thầy – chúc thầy sẽ có những ngày tháng thảnh thơi với cuộc sống…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Dù nhận thêm loạt vũ khí mới nhưng Ukraine chưa thể ngăn được đà tiến của quân đội Nga.

Đột phá Semyonovka mang đến cơ hội nào?

GD&TĐ - Bộ Quốc phòng Nga hôm 29/4 thông báo quân đội từ Trung tâm Battlegroup đã hoàn thành việc kiểm soát khu định cư Semyonovka ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk.