Lớp học tiếng Anh của thầy giáo khiếm thị

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Lớp học tiếng Anh của thầy giáo khiếm thị đón hàng trăm học sinh ở mọi trình độ, lứa tuổi...

Lớp học tiếng Anh của thầy giáo khiếm thị Nguyễn Cảnh Dương - Chủ tịch Hội Người mù huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Lớp học tiếng Anh của thầy giáo khiếm thị Nguyễn Cảnh Dương - Chủ tịch Hội Người mù huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Cùng với công tác hội, anh Nguyễn Cảnh Dương (sinh năm 1980, Chủ tịch Hội Người mù huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) còn mở lớp dạy tiếng Anh cho hàng trăm học sinh ở mọi trình độ, lứa tuổi. Hơn 20 năm qua, lớp học của thầy giáo khiếm thị đã góp phần giúp nhiều học sinh tại xã Bùi La Nhân (Đức Thọ) tự tin chinh phục môn học vốn được mặc định “khó nhằn” ở vùng ven đê La Giang.

Động lực từ khiếm khuyết của bản thân

“Được dạy học là ước mơ của tôi, nên dù dạy ở đâu chỉ cần được góp sức nhỏ bé truyền đạt lại những gì mình có cho các em học sinh đã là niềm vui rồi”, anh Nguyễn Cảnh Dương bắt đầu câu chuyện. Anh Dương bị khiếm thị từ lúc nhỏ sau lần biến chứng do căn bệnh đau mắt. Bố mẹ nghĩ căn bệnh thông thường nên chỉ nhỏ mắt qua loa nhưng không ngờ bệnh trở nặng.

Khi anh được đưa đến cơ sở y tế thăm khám thì mắt trái chỉ còn phân biệt được sáng tối, còn thị lực mắt phải chỉ nhìn được 2/10. Muốn nhìn chữ Dương phải đưa lại gần mắt khoảng 10 cm. Cũng từ đó, cuộc sống của anh bao trùm bởi những ánh sáng lờ nhờ, không rõ hình thù.

Thời niên thiếu, Dương đã quá quen với những lời trêu chọc của bạn bè cùng trang lứa nhưng không vì thế anh trở nên mặc cảm. Khiếm khuyết của bản thân đã trở thành động lực để cậu trò Dương thêm quyết tâm học thật tốt để vượt lên số phận. Lên lớp 10, lần đầu tiên những học sinh vùng nông thôn như Dương được tiếp xúc với tiếng Anh. Ngay từ buổi học đầu tiên, Dương đã bị hấp dẫn với thứ ngôn ngữ mới lạ này. “Không hiểu sao tôi thấy thích môn học này đến thế. Hồi ấy, chúng tôi học hoàn toàn nhờ vào những gì được thầy cô dạy trên trường. Bạn nào “sang” lắm được cuốn từ điển, hay được cuộn băng về mở cassette. Còn tôi thì cố gắng lắng nghe và ghi nhớ tất cả những gì thầy cô dạy”, anh Dương nhớ lại.

Học tiếng Việt đã khó, học tiếng Anh với người khiếm thị như Dương lại càng khó hơn. Nhìn không rõ bảng, nên từ nào không viết kịp, Dương nghe giáo viên đọc, tự phiên âm tiếng Việt. Tranh thủ giờ ra chơi, cậu học trò khiếm thị tìm thầy cô hỏi lại để viết cho đúng.

Nguồn tư liệu ở vùng nông thôn hạn chế, Dương không ngại mò mẫm đạp xe gần 5km lên thị trấn Đức Thọ tìm sách về học thêm. Sự nỗ lực bền bỉ của anh đã cho quả ngọt khi sau 2 năm thi đại học, Dương đã đậu vào Khoa Sư phạm Tiếng Anh của Trường Đại học Vinh (Nghệ An).

“Năm đầu tiên do gia đình nghèo quá, dù đậu cao đẳng nhưng tôi quyết định ở nhà kiếm việc làm thêm tích lũy kinh phí cho 4 năm học đại học. Trong thời gian ở nhà, tôi nhận thấy trẻ em quanh vùng rất ít em được học tiếng Anh, hoặc có em chỉ biết được những câu thông dụng nhưng phát âm vẫn sai. Từ thực tế đó, tôi đã ấp ủ dự định mở lớp dạy tiếng Anh cho các em nhỏ cũng là cách để ôn tập lại kiến thức đã học”, anh Dương chia sẻ.

Nhắc lại những khó khăn của ngày đầu mở lớp, khuôn mặt của thầy giáo khiếm thị vẫn bồi hồi xúc động. Dương đã gặp rất nhiều sự ngăn cản của phụ huynh, hàng xóm đến từ sự e ngại đối với người khiếm thị. Còn bố mẹ anh cũng không đồng ý việc đưa học sinh về nhà dạy học vì sợ con không có thời gian ôn tập.

Không có nơi mở lớp, thấy trong làng có nhiều nhà để hoang, Dương dự định tận dụng làm nơi dạy học nhưng các em không dám vào vì sợ. Giữa lúc anh định bỏ cuộc thì một người bà con đã cho mượn nhờ nhà với điều kiện mỗi ngày phải giúp bà quét dọn sạch sẽ. Và lớp học đầu tiên của thầy giáo Dương đã bắt đầu như thế với 10 học sinh trong làng.

“Biết tôi dạy học tiếng Anh, nhiều người đến xem, rỉ tai nhau “học người sáng còn chẳng ăn thua nữa là học người mù”. Nhưng tôi mặc kệ, cứ kiên nhẫn dạy các em những gì tôi biết”, giọng anh bùi ngùi nhớ lại. Nhưng cùng với thầy cô trên lớp và sự hướng dẫn của thầy giáo khiếm thị, nhiều em trong lớp đã đạt nhiều kết quả tốt ở bộ môn Tiếng Anh. Nổi bật là Lê Văn Tuấn (sinh năm 1988) với thành tích học sinh giỏi huyện môn Tiếng Anh lớp 8 và giải Ba học sinh giỏi tỉnh năm lớp 9.

Thấy con em học tiến bộ, sự nghi ngờ của phụ huynh dần chuyển thành sự tin tưởng, số phụ huynh cho con em đến học càng đông. Nhiều người còn hỗ trợ thêm kinh phí để Dương kèm cặp các em. Cũng từ lớp dạy thêm này đã giúp cậu học trò khiếm thị có thêm thu nhập để theo đuổi ước mơ của mình. Cho đến nay, hơn 20 năm qua, lớp học của anh Dương vẫn được duy trì với hàng ngàn lượt học sinh theo học.

Nhiều học sinh trong lớp hoàn cảnh khó khăn được anh Dương miễn giảm học phí.

Nhiều học sinh trong lớp hoàn cảnh khó khăn được anh Dương miễn giảm học phí.

Làm chủ cuộc đời bằng ánh sáng tri thức

Tốt nghiệp Khoa Sư phạm Tiếng Anh, Trường ĐH Vinh, anh Nguyễn Cảnh Dương vào Tây Nguyên dạy học. Sau 3 năm hợp đồng, đến năm 2014, anh xin nghỉ việc về quê nhận công tác tại Hội Người mù huyện Đức Thọ với cương vị là Chủ tịch hội. Mặc dù bận rộn công việc, nhưng anh vẫn ấp ủ ước mơ mở lại lớp dạy tiếng Anh cho trẻ em tại quê nhà sau những năm tạm dừng do đi học đại học.

“Nhiều học sinh vùng nông thôn rất đam mê học tiếng Anh nhưng do điều kiện khó khăn, đường sá xa xôi trong khi giá cả học ở các trung tâm khá đắt đỏ. Những yếu tố này phần nào hạn chế khả năng của các em. Vì vậy, tôi càng quyết tâm mở lớp dạy tiếng Anh để bồi đắp kiến thức, truyền đam mê giúp các em có cơ hội được học tốt”, anh Dương cho hay.

Lớp học tiếng Anh của thầy giáo Dương nằm ở xóm Đông Đoài (xã Bùi La Nhân) gần con đê La Giang. Biết tin anh Dương mở lại lớp tiếng Anh, phụ huynh trong thôn, trong xã đã tin tưởng đưa con đến gửi gắm.

Đều đặn mỗi chiều thứ 4 và các ngày cuối tuần, lớp học nhỏ của anh lại rộn ràng những tiếng đọc bài của học sinh trong vùng. Học sinh của anh đủ mọi thành phần, trình độ khác nhau, vì thế, để đáp ứng được nhu cầu, anh Dương phải tìm tài liệu mọi lúc mọi nơi, luôn học hỏi để nâng cao trình độ của mình.

Anh Dương tâm sự: “Hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai phổ biến trong tất cả các môn học, đặc biệt môn Tiếng Anh càng được vận dụng nhiều. Bản thân tôi cũng phải tự đổi mới, nâng cao trình độ, phương pháp dạy học để tạo hứng thú tăng hiệu quả cho các em trong học tập”. Dù chỉ là lớp học nhỏ ven đê, ngoài bàn ghế học sinh, anh Dương còn trang bị đầy đủ từ máy tính, bảng Led, máy chiếu…

Anh còn mày mò ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm hỗ trợ hiệu quả cho việc dạy học. Mỗi buổi, các bài giảng được Dương soạn sẵn trên máy tính có phần mềm hỗ trợ riêng cho người khiếm thị, khi cần sẽ chiếu lên tường thay cho việc viết lên bảng giúp học trò tiện quan sát còn bản thân không mất quá nhiều thời gian phát âm.

Mỗi lần sang bài mới, thầy Dương phải đưa mắt sát màn hình máy tính. Ngón tay anh lần những bàn phím để điều chỉnh sao cho đúng nội dung của bài học. Dù không nhìn rõ, nhưng các bài giảng đều được anh trình bày sinh động và thú vị. Xen kẽ những tiết học là các trò chơi giúp các em ôn tập lại kiến thức đã học như: Word masking, trò chơi nhớ tranh, trò chơi xáo từ…

“Em rất thích học tiếng Anh với thầy Dương. Chúng em được biết thêm nhiều kiến thức ngoài chương trình sách giáo khoa trên lớp. Thầy cũng thường xuyên cho chúng em những bài tập bằng các trò chơi vui nhộn và dễ hiểu”, em Bùi Quốc Toản (thôn Quyết Tiến, xã Bùi La Nhân) hào hứng. Toản đã theo học tại lớp được hơn 1 năm.

Nhờ sự kèm cặp của thầy Dương, kết quả học tập môn Tiếng Anh của em ở trên lớp luôn được giáo viên khen ngợi. Hoàn cảnh Toản khá khó khăn khi bố vừa bị tai nạn không thể lao động. Biết được hoàn cảnh, thầy Dương vừa động viên vừa hỗ trợ học phí để em yên tâm theo học.

Không riêng gì Toản, trong lớp nhiều em có hoàn cảnh éo le cũng được thầy Dương miễn giảm học phí như em Trần Bảo Long - học sinh khiếm thị Trường THCS Lê Văn Thiêm (huyện Đức Thọ), em Bùi Minh Ngọc (thôn Quyết Tiến)… “Bản thân cháu khá rụt rè, nhưng khi học lớp thầy Dương cháu hoạt bát và tự tin hơn khi giao tiếp tiếng Anh. Nhìn sự thay đổi của con từng ngày, gia đình tôi rất phấn khởi và thực sự biết ơn thầy rất nhiều”, anh Trần Quốc Tuấn (phụ huynh học sinh) bày tỏ.

Hơn 20 năm mở lớp, “quả ngọt” của thầy giáo khiếm thị nhận được chính là kết quả học tập tiến bộ của từng học sinh trong lớp. “Sau mỗi học kỳ nhận thấy được sự thay đổi của các em tôi rất vui mừng. Sự thay đổi đó không hẳn là điểm số, mà cả niềm say mê của các em dành cho môn học”, anh Nguyễn Cảnh Dương chia sẻ.

Lớp học của anh Nguyễn Cảnh Dương đã góp phần truyền cảm hứng giúp học sinh trong vùng học tốt môn Tiếng Anh. Qua đó, nâng cao thành tích học tập của con em địa phương trong những năm qua. Ngoài ra, anh cũng là cán bộ mẫn cán trong công tác Hội Người mù của địa phương. 10 năm làm Chủ tịch, anh Dương đã giúp đỡ cho nhiều hội viên vươn mình vượt qua khó khăn để phát triển kinh tế. - Ông Nguyễn Xuân Linh (Chủ tịch UBND xã Bùi La Nhân)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ