Thầy giáo 9X gắn bó với học sinh nghèo người dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Tình yêu nghề giáo đã giúp thầy Trần Đình Phương có động lực để gắn bó và truyền cảm hứng học tập cho học sinh đặc biệt là học trò nghèo người DTTS.

Thầy Trần Đình Phương, 32 tuổi, giáo viên dạy môn Toán Trường THCS & THPT Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh NVCC.
Thầy Trần Đình Phương, 32 tuổi, giáo viên dạy môn Toán Trường THCS & THPT Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ảnh NVCC.

Quyết tâm bám trụ với trường

Thầy Trần Đình Phương, 32 tuổi là giáo viên dạy môn Toán lớp 6 và lớp 11 tại Trường THCS & THPT Hồng Vân, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Trong suốt những năm công tác tại trường, thầy Phương nỗ lực hết sức truyền kiến thức, giá trị của con chữ đến với học trò của mình.

Thầy Phương trải lòng: “Từ khi còn là học sinh, tôi rất yêu quý các thầy cô của mình. Họ là người không chỉ dạy dỗ, truyền đạt nhiều kiến thức mà còn là người truyền cảm hứng cho tôi mỗi tiết học.

Cũng chính điều đó, những năm tháng học phổ thông tôi luôn khát khao sau này mình sẽ trở thành một thầy giáo đứng trên bục giảng truyền cảm hứng về học tập, cuộc sống cho thế hệ trẻ”.

Năm 2009, thi đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Huế, ngành sư phạm Toán, thầy Phương đã luôn nỗ lực học tập. Tốt nghiệp, thầy học lên cao học. Năm 2017, sau khi bảo vệ xong luận văn thạc sĩ, thay vì lựa chọn xin việc ở thành phố, thầy giáo trẻ lại quyết định xin lên Trường THCS & THPT Hồng Vân ở huyện vùng khó công tác.

Thầy Trần Đình Phương cùng đồng nghiệp của mình chụp ảnh tại Lễ khai giảng. Ảnh NVCC.
Thầy Trần Đình Phương cùng đồng nghiệp của mình chụp ảnh tại Lễ khai giảng. Ảnh NVCC.

“Bản thân tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố khi chứng kiến cảnh học sinh dân tộc vượt núi băng sông đến trường tôi rất khâm phục ý chí, nghị lực vươn lên của các em.

Khi còn ngồi trên giảng đường đại học, tôi mong muốn sau khi tốt nghiệp mình sẽ về vùng khó công tác nhằm góp một phần sức nhỏ tiếp thêm động lực cho các em theo đuổi con chữ”, thầy Phương chia sẻ.

Bảy năm gắn bó với nghề giáo, tình yêu của thầy Phương dành cho học sinh người dân tộc thiểu số ngày một lớn. Vì vậy, dù có con còn nhỏ, mẹ già đang bị ốm thường xuyên cần người chăm sóc nhưng thầy vẫn gạt những mong muốn riêng của bản thân, động viên các thành viên trong gia đình mỗi người cố gắng, hi sinh một ít để thầy yên tâm ở lại trường công tác.

“Gia đình là chỗ dựa tinh thần mỗi lần tôi chùn bước, để từ đó tôi có động lực bám trụ với trò, gắn bó với trường lớp”, thầy Phương trải lòng.

Thầy Trần Đình Phương là một trong 58 thầy cô được vinh danh tại Lễ tuyên dương của chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023, diễn ra vào ngày 17/11 tại Thủ đô Hà Nội. Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Tạo động lực để học trò phát triển năng lực

Thấu hiểu sự thiệt thòi của các em học sinh vùng dân tộc thiểu số, thầy Phương luôn tạo động lực, khích lệ tinh thần các em đến trường mỗi ngày. Trong mỗi giờ giảng, thầy luôn tạo ra các hoạt động để các em được thoải mái, tạo không khí vui tươi.

Mỗi lần học trò tham gia các cuộc thi sáng tạo khoa học - kỹ thuật, thầy giáo Phương luôn tận tình giúp đỡ, giải đáp mọi thắc mắc, đồng hành trong từng giai đoạn của quá trình nghiên cứu của học sinh.

Chân dung thầy Trần Đình Phương. Ảnh NVCC.

Chân dung thầy Trần Đình Phương. Ảnh NVCC.

Không chỉ trong công tác giảng dạy, thầy Phương luôn đi đầu trong công tác đoàn đội. Đối với các em có hoàn cảnh khó khăn, thầy luôn cảm thông, vận động gia đình cho các em được đi học đầy đủ.

Ngoài ra, thầy thường tổ chức các hoạt động kêu gọi, nhằm tạo quỹ từ thiện để ủng hộ, động viên học trò.

Cô Đàm Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Hồng Vân chia sẻ: "Thầy Phương là một giáo viên rất cố gắng, hòa đồng, luôn giúp đỡ đồng nghiệp trong trường.

Ngoài ra, thầy rất tâm huyết với các em học sinh của mình, luôn có những phương pháp dạy hay, hiệu quả để các em học sinh có thể giải được những bài toán khó. Vì thế, trong những năm vừa qua, các em đạt kết quả khá cao trong kì thi tốt nghiệp”.

“Đối với học sinh người dân tộc thiểu số, các em học tập trong điều kiện khó khăn. Vì vậy, người thầy giống như người bạn đồng hành, hỗ trợ, tư vấn và giải toả những khó khăn mà các em đang gặp phải. Mỗi học sinh sẽ có những năng lực vượt trội khác nhau, chúng ta cần tôn trọng và phát huy những điểm mạnh của các năng lực đó”, thầy Trần Đình Phương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ