Lời bình của Đặng Toán
Xa gia đình nơi phố thị miền xuôi
Thầy lên bản kịp với ngày khai giảng
Cơm bứng gạo đùm đi từ tảng sáng
Trời nhá nhem vẫn chưa tới điểm trường.
Lòng yêu nghề bằng trách nhiệm tình thương
Thầy không ngại cảnh rừng thiêng nước độc
Theo dõi từng em không mất buổi học
Bao gian nan khó nhọc sá gì đâu...
Mái nhà sàn phên nứa nép rừng sâu
Đôi mắt học trò ngóng đợi thầy từng phút
Thạo việc rẫy nương chưa quen cầm bút
Vẫn chờ thầy đưa nét chữ đầu tiên.
Cả nước hân hoan khai giảng khắp miền
Không khí tưng bừng cờ hoa rạo rực
Bóng bay lên trời gửi niềm mơ ước
Hãy về miền sơn cước một chùm thôi...
Để nhóm thêm khát vọng trồng người
Gieo cái chữ nơi núi non cùng cốc
Nơi xa xỉ với hai từ đi học
Nơi quanh năm chưa đủ mặc, đủ ăn.
Khi khó khăn vẫn chồng chất khó khăn
Những nhà giáo đâu chỉ là dạy chữ
Cùng ở, cùng ăn, cùng trồng, cùng trỉa
Khơi sáng tâm hồn cây lúa trên nương...
Đinh Minh Thành
Nếu người thầy ở miền xuôi vất vả một thì những thầy cô nơi miền núi, nhất là những điểm trường xa xôi, hẻo lánh như trong “Bài ca dạy chữ vùng cao” của tác giả Đinh Minh Thành, nỗi gian truân càng được nhân lên gấp nhiều lần.
Đầu tiên phải kể đến khó khăn về khoảng cách địa lí. Để đi đến được điểm trường, thầy giáo phải vượt qua cả quãng đường xa hun hút, với hành trang “Cơm bứng gạo đùm đi từ tảng sáng/Trời nhá nhem vẫn chưa tới điểm trường”.
Tiếp đến là những thiếu thốn về cơ sở vật chất. Trường lớp nơi đây chỉ là “mái nhà sàn phên nứa” tuềnh toàng, gió lùa thông thống, vào những ngày mưa gió rét mướt, cả thầy và trò cùng co ro nơi “núi non cùng cốc”. Ấy là chưa kể học sinh và cả dân bản nơi đây “quanh năm chưa đủ ăn, đủ mặc”... Như vậy mới thấy hành trình gieo con chữ của người thầy giáo vùng cao mới gian nan, mới cực nhọc biết nhường nào.
Chỉ nghĩ thế thôi, những người thiếu đi “lòng yêu nghề và tình thương”, người không đủ bản lĩnh và lòng kiên trì chắc sẽ không dám trụ lại dù chỉ một ngày ở cái nơi vốn được coi là “rừng thiêng nước độc”.
Vượt qua tất cả, người thầy giáo trong bài thơ của Đinh Minh Thành đã không quản ngày đêm khắc phục gian khó, miệt mài “gieo cái chữ”, cùng đồng nghiệp bám trường, bám lớp “nhóm lên khát vọng trồng người”, để những đôi mắt học trò mỗi ngày thêm ngời lên ánh sáng của tri thức, của tương lai.
Dẫu vậy, cũng có những lúc họ cảm thấy chạnh lòng khi hình dung tới cảnh: “Cả nước hân hoan khai giảng khắp miền/ Không khí tưng bừng cờ hoa rạo rực”, còn tại nơi họ “cắm bản”, hai chữ đi học đã trở thành một thứ gì đó quá ư xa xỉ, nhiều khi tưởng không thể nào chạm tay tới được. Bởi xung quanh họ những “khó khăn vẫn chồng chất khó khăn”.
Nhưng phút giây chạnh buồn rất đời thường, rất con người ấy thoáng qua thật nhanh. Những thầy cô nơi vùng cao đã kịp xác định cho mình một tâm thế, một trách nhiệm mới: “Những nhà giáo đâu chỉ là dạy chữ/Cùng ở, cùng ăn, cùng trồng, cùng trỉa/Khơi sáng tâm hồn cây lúa trên nương...”.
Hình ảnh “Khơi sáng tâm hồn cây lúa trên nương” là hình ảnh đẹp, có tác dụng thắp sáng cả bài thơ vốn còn mang nhiều gam màu buồn tẻ.
“Bài ca dạy chữ vùng cao” tuy chưa thật hay, nhưng với cách sử dụng hình ảnh chân thực, câu chữ đơn giản, mộc mạc, ở góc độ nào đó lại khá phù hợp với nội dung tác phẩm. Cộng thêm cảm xúc chân thành của tác giả, cũng là một người công tác trong ngành Giáo dục, đã tạo được thiện cảm của người đọc.
Tác phẩm góp phần tôn vinh, ca ngợi và ghi nhận công sức của những nhà giáo đang ngày đêm quên mình gieo từng con chữ, đem ánh sáng tri thức về với những bản làng nghèo khó nơi vùng cao của Tổ quốc.