Khúc giã bạn hát rồi mà anh còn nấn ná
Dùng dằng hoài bởi tiếng láy vọng: “Người ơi...”
Anh tệ thật, bao lần nghe quan họ
Mà lần nào cũng tưởng mới nguyên khôi
Sông thì xa, đỉnh núi thì gần
Câu quan họ chảy trong lời hát
Ngỡ sông Cầu dập dềnh trước mặt
Nắng lưng đồi cứ tưởng nước lơ thơ
Nắng lưng đồi như thực, như mơ
Cứ lấp loáng như cái dòng sông ấy
Mà sóng vỗ vào lòng anh vậy
Nên giữa bao người anh chỉ thấy riêng em
Giá mà em làm một mạn thuyền
Anh ngồi tựa như trong câu quan họ
Thì mây núi chẳng tím màu thương nhớ
Tay vin cành, thôi thả gió bâng khuâng
Nào có thấy đâu đôi vạt áo ướt đầm
Câu hát thế nhưng em đâu có thế
Mà chỉ thấy em má hồng sắc trẻ
Níu kéo anh hoài ở mãi đây thôi
Anh mải nghe quan họ đến nao người
Xôn xao lòng một vùng đất đỏ
Gặp nhau đây tình anh muốn ngỏ
Mà khó nói sao... chỉ một lời yêu
Con sông Cầu trong quan họ đẹp ráng chiều
Cứ dịu dàng như em - cô gái vùng Kinh Bắc
Xui ta gặp mình giữa cao nguyên Đắk Lắk
Gặp quê hương trên mọi quê hương.
1/1979
Hữu Chỉnh
Lời bình của Đặng Toán
Khi sáng tác bài thơ ông đã 37 tuổi, vậy mà câu chữ, ý tứ lời thơ cứ như thể của chàng trai mới ngoài đôi mươi vậy: “Sông thì xa, đỉnh núi thì gần/ Câu quan họ chảy trong lời hát/ Ngỡ sông Cầu dập dềnh trước mặt/ Nắng lưng đồi cứ tưởng nước lơ thơ”.
Mới chỉ nghe tiếng em láy vọng “người ơi” mà nhân vật trữ tình đã “ngỡ con sông Cầu dập dềnh trước mặt”. Còn nắng lưng đồi thì lại “cứ tưởng nước lơ thơ”. Mộng mơ đến thế, đáng yêu đến thế là cùng.
Chữ “ngỡ”, chữ “tưởng” nghe qua có vẻ như lơ ngơ, như ngộ nhận một cách ngây ngô. Nhưng đấy lại là cái ngây ngô “ăn người”. Chả thế mà anh chàng đã mau chóng khẳng định: “Giữa bao người anh chỉ thấy riêng em”. Dấn thêm bước nữa. Nhân vật trữ tình (nhà thơ) lại còn tự trách mình “anh thật tệ”.
Anh thật có lỗi với em bởi, “bao lần nghe quan họ/ Mà lần nào cũng tưởng mới tinh khôi”. Lời tự trách mới duyên dáng, mới ngọt ngào làm sao! Nó da diết giống như câu “người ơi” em đang hát vậy. Anh hạ thấp mình xuống để nâng bổng em lên, bởi vì “em cứ dịu dàng cô gái vùng Kinh Bắc”.
Chàng trai trong bài thơ không chỉ đáng yêu, mà còn khá khôn ngoan. Hãy nghe anh chàng ao ước: “Giá mà em làm một mạn thuyền/Anh ngồi tựa như trong câu quan họ/Thì mây núi chẳng tím màu thương nhớ”. Tinh tế và hết sức dễ thương khi chàng tự nhận: “Gặp nhau đây tình anh muốn ngỏ/Mà khó nói sao... chỉ một lời yêu”.
Người tinh tế lại thường hay khiêm tốn. Những lời có cánh, những biểu cảm dễ thương, những ao ước đáng yêu và đặc biệt là tình cảm chân thành, mãnh liệt của chàng sao mà em lại không nhận ra cơ chứ!
Thì đấy. Cả bài thơ khá dài chỉ duy nhất có một dấu chấm ở câu cuối. Gặp em rồi, yêu em rồi là anh phải trải tấm chân tình của mình không được chậm trễ, không thể dừng lại. Phải làm một lèo, nói một mạch cho đến thỏa mới dừng.
Một điều khá thú vị: Bài thơ cứ như có sự gắn kết hết sức tự nhiên, giao hòa giữa văn hóa của ba miền quê nổi tiếng: Hà Tây quê lụa – Quan họ Bắc Ninh – Cao nguyên Đắk Lắk. Ba vùng quê đã dệt nên một mối tình rất đẹp, rất nên thơ.
Hay nói cách khác, nhà thơ Hữu Chỉnh đã thành công khi sáng tác ra một tác phẩm mang bản sắc các vùng miền mà lại có sự giao hòa quấn quyện để mỗi độc giả khi thưởng thức thi phẩm này sẽ luôn cảm thấy mình cũng như được “gặp quê hương trên mọi quê hương”.