Cùng con tìm về mỹ cảm
Tò he là một món đồ chơi dân gian, chứa đựng hồn cốt, bản sắc của dân tộc Việt. Nhưng trước sự “tấn công” ồ ạt của đồ chơi thời công nghệ số, những con giống tò he ngày càng trở nên xa lạ với thế hệ trẻ. Workshop Tò he: Sáng tạo đầu xuân - Nặn hình thế giới là một món quà xuân đầy ý nghĩa mừng tuổi các bạn nhỏ, thể hiện mong muốn thắp lửa cho trẻ tình yêu với các trò chơi dân gian và với văn hóa dân tộc.
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu giới thiệu về các trường phái nặn tò he |
Đồng hành trong mọi hoạt động “Sáng tạo đầu xuân - Nặn hình thế giới” cùng với các bạn nhỏ là nghệ nhân Đặng Văn Hậu. Trong làng nghề nặn Tò he Việt, anh Hậu là một người trẻ hiếm hoi luôn đau đáu gìn giữ, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống mà ông cha để lại. Đã có những hợp tác với công ty Sách Đinh Tỵ trong các hoạt động tổ chức trung thu cho trẻ em để giới thiệu và khẳng định sức sống lâu bền của đồ chơi dân gian, đầu xuân mới này nghệ nhân Đặng Văn Hậu truyền đến các bạn nhỏ tình yêu cháy bỏng, đam mê của mình với nghề nặn tò he.
Khác hẳn hình ảnh những nghệ nhân già mặc áo the khăn xếp ngồi nặn tò he những khi Tết đến xuân về, trên Phố sách xuân hôm nay hiện diện một chàng trai trẻ nhưng đã có trên 15 năm tuổi nghề đang thổi hồn cho từng sản phẩm. Anh Hậu là một trong số những nghệ nhân trẻ tuổi nhất được UBND Hà Nội tôn vinh vì có những đóng góp đặc biệt trong việc giữ gìn nghệ thuật tò he truyền thống.
Không chỉ tỉ mỉ hướng dẫn các bạn nhỏ tạo ra những con giống tò he ngộ nghĩnh, anh Hậu nhiệt tình khơi gợi, giải đáp nhiều thắc mắc của các bé và các phụ huynh về tò he. Chẳng hạn như tò he làm từ nguyên liệu gì, tò he có ăn được không, làm sao để tạo nên những màu sắc tươi vui bắt mắt cho tò he, hay quy trình để tạo nên một con giống tò he cần trải qua những công đoạn gì…
Điều đặc biệt hấp dẫn các bạn nhỏ trong các hoạt động trải nghiệm Workshop Tò he đầu xuân chính là khi nghệ nhân Đặng Văn Hậu biến hóa và làm mới toàn toàn hình ảnh của những con giống tò he.
Tò he được tạo tác từ bàn tay tài hoa của nghệ nhân không chỉ là những hình ảnh nhân vật xưa cũ như Thánh Gióng, Na Tra, Tôn Ngộ Không, các con giống bột, 12 con giáp… mà tò he còn là những nhân vật bước ra từ trang sách gần gụi với bé yêu như cô bò sữa, chú lợn ủn ỉn… hay là những hình ảnh nhân vật ngộ nghĩnh trong phim hoạt hình… Tò he Việt ngày càng bám rễ sâu vào cuộc sống hiện đại, lại bắt kịp với thời đại đề cao những món đồ chơi an toàn cho bé, thân thiện mới môi trường và mang trong mình câu chuyện về sức sống bền lâu.
Chạm tay vào giá trị văn hóa
“Thế giới tuổi thơ của mình đơn giản và thiếu thốn chứ không được đầy đủ và nhiều màu sắc lung linh như các con bây giờ. Những con Tò he là thứ đồ chơi dân gian đã từng hấp dẫn, đem đến trí tưởng tưởng lấp lánh trong tuổi thơ và đã trở thành miền ký ức đẹp đẽ của mình.
Dù các món đồ chơi và thiết bị công nghệ thông minh ngày nay đã dần thay thế nhưng dịp nghỉ Tết dài ngày, mình muốn con được chạm tay vào những giá trị bền lâu của dân tộc thay vì dán mắt vào ti vi, Ipad hay điện thoại như mọi khi. Nhìn con vân vê trên tay viên bột màu xanh, đỏ, vàng… và vận dụng sự quan sát, khả năng tạo hình để nặn ra những chú tò he nho nhỏ xinh xinh … cảm thấy thích thú vô cùng”, chị Hoàng Ngọc Hà (phố Cầu Giấy- Hà Nội) chia sẻ.
Bố mẹ và các con cùng nghệ nhân trải nghiệm nghệ thuật tạo hình tò he |
Bên những chiếc chõng tre cùng những người bạn mới quen, các bé vừa chia sẻ với những nhau những cục bột màu, vừa thích thú nghe nghệ nhân giới thiệu về những tích truyện tò he từ những ngày khởi thủy xa xưa hàng trăm năm về trước.
Có cậu bé tinh nghịch đưa viên bột quắn dẻo và thơm hương nếp lên mũi hít hít và cười hỏi mẹ “con nghĩ có thể ăn được đấy mẹ ạ”… Chị Lê Thiên Hương (Dốc Vạn Kiếp- phường Bạch Đằng) cười vui trước câu đùa của con, khẽ lắc đầu, giục con chú tâm hoàn thành chú lợn bột xinh xắn rồi mới quay sang chia sẻ:
“Tôi biết thông tin và đăng ký tham gia cho con tham gia sự kiện trên Facebook. Đầu xuân đưa hai cậu con trai lên Phố Sách mua sách, truyện, kết hợp vui chơi, sáng tạo là một sự lựa chọn thú vị và các con rất thích. Làm tò he không hề khó khăn hay phúc tạp, chỉ cần một con dao nhỏ, que tre, sáp ong và bột nặn nhiều màu các con chịu khó tưởng tượng và có sự khéo léo là có gtheer nặn được nhiều hình tò he sinh động và phong phú”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách thì bày tỏ sự ngạc nhiên, vui thích khi chứng kiến sự hào hứng và tinh thần phấn chấn nhập cuộc của các phụ huynh và những bạn nhỏ.
Ông cho biết, “Sáng nay nghe nghệ nhân Đặng Văn Hậu gọi và ngỏ ý muốn tôi tham gia sự kiện và có sự hỗ trợ kiến thức chuyên môn. Quan sát ở một số điểm tổ chức sự kiện văn hóa có giới thiệu về nghệ thuật nặn tò he như Hồ Văn – Quốc Tử Giám, phố đi bộ Hồ Gươm cuối tuần…tôi thấy vui vì nhiều phụ huynh đã rất quan tâm, cho con tham gia những hoạt động trải nghiệm trong không gian văn hóa đậm bản sắc truyền thống của người Việt như thế này.
Tò he không chỉ là đồ chơi dân gian, gần gũi với cuộc sống,làng quê và tâm hồn người Việt mà còn được xem như những tác phẩm nghệ thuật. Những giá trị tinh thần và vẻ đẹp tâm hồn trẻ thơ chắc chắn sẽ được nuôi dưỡng, bồi đắp và lan tỏa những giá trị văn hóa dân tộc từ chính những cơ hội gắn kết của các thành viên trong gia đình…”
Nghệ nhân Đặng Văn Hậu từng nhận được nhiều bằng khen từ các Liên hoan, hội chợ, triển lãm và từng là nghệ nhân trẻ tuổi nhất vinh dự được mời tham gia giới thiệu văn hóa tò he trong chuỗi các hoạt động tham quan ngoại khóa tới các đại biểu Đại hội đồng liên minh nghị viện Thế giới IPU132 do Việt Nam đăng cai tổ chức. |