Tò he độc và lạ

GD&TĐ - Bằng sự khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, chỉ trong vài phút những nghệ nhân làm tò he ở làng Xuân La, Phượng Dực, Phú Xuyên (Hà Nội), đã biến bột gạo thành những chú tò he ngộ nghĩnh. Những sản phẩm này không chỉ được trẻ em ưa thích, mà nó còn là một nét văn hóa làng nghề Hà Nội.

Nghệ nhân ưu tú Chu Tiến Công chia sẻ về nghề nặn tò he truyền thống
Nghệ nhân ưu tú Chu Tiến Công chia sẻ về nghề nặn tò he truyền thống

Ngộ nghĩnh và độc đáo

Kể chuyện về nghề làmtò he, nghệ nhân ưu tú Chu Tiến Công vui vẻ cho biết: Trước đây, khi đời sống còn nghèo túng, khó khăn, ngày giỗ, tết không có lợn, gà… người dân ra hàng mua tò he là mâm xôi, con gà để thắp hương các cụ.

Ngày xưa gọi là hàng bánh cổ, theo thời gian, đến nay nghề nặn tò he cũng có những thay đổi, về nội dung và hình thức, tuy nhiên những kỹ năng nghề cơ bản thì hầu như không có sự thay đổi.

Tên nghề tò he không có ý nghĩa gì mà chỉ nghe thấy ngộ nghĩnh, độc đáo. Tên nghề làm tò he cũng rất khó dịch ra các thứ tiếng khác để khách quốc tế có thể hiểu được. Còn tên gọi chính có thể gọi là nghề nặn “chim cò”.

Nghề nặn tò he quan trọng nhất là khâu làm bột, nếu làm không tốt bột khô hoặc nát, sẽ ảnh hưởng đến khâu tạo hình cho sản phẩm. Muốn sản phẩm đẹp mắt, người làm tò he phải biết phối màu và tạo hình theo yêu cầu của khách hàng. Để có thể làm được tò he, nguyên liệu chính là gạo nếp được đồ lên và giã nhuyễn để tạo thành một thứ bột dẻo quánh màu trắng. Cùng là thứ bột dẻo này, người làm tò he sẽ tạo ra những màu sắc khác bằng cách pha màu từ những sản phẩm nông nghiệp tự nhiên như: Nghệ, tro bếp, củ, quả...

Ông Đào Văn Vĩ, 60 tuổi, người làng Xuân La chia sẻ: Nghề làm tò he được lưu truyền từ thời các cụ, đến nay, nghề tiếp tục được truyền lại cho các con, các cháu, cả nhà ai cũng biết làm tò he. Điều đặc biệt là người làm tò he có tư duy tạo hình rất tốt, người thợ có thể nhìn vào hình ảnh hoặc đồ vật và nặn tò he giống y hệt.

Trước đây, tò he được tạo hình phổ biến là những nhân vật trong truyện Tam Quốc như: Quan Công, Trương Phi, Tào Tháo, hoặc những nhân vật lịch sử khác. Ngày nay, trẻ em lại thích những hình tượng của siêu nhân, người nhện… Nghề làm tò he thường gắn với những ngày lễ hội dân gian tại Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đây là những dịp mà nghệ nhân làm tò he có thể kiếm được một khoản thu nhập khá tốt.

Ảnh Internet
 Ảnh Internet

Phát huy giá trị văn hóa đặc thù

Cũng theo ông Đào Văn Vĩ trong những năm trở lại đây, mặc dù nghề nặn tò he đã có nhiều triển vọng hơn, tuy nhiên trong làng nghề, cũng có không ít gia đình chỉ coi đây là một nghề phụ. Ngoài thời gian làm tò he, công việc đồng áng vẫn là chủ yếu.

Được biết, người dân làng nghề tò he Xuân La đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ưu tiên bố trí các chỗ ngồi tại các tụ điểm văn hóa, vui chơi giải trí, phố cổ, khu vực Bờ Hồ để quảng bá văn hóa và bán các sản phẩm đồ chơi dân gian này. Bên cạnh đó, trong các dịp lễ hội, các nghệ nhân làm tò he cũng thường tổ chức hướng dẫn cho các em nhỏ học cách làm tò he, coi đây như một hoạt động rèn luyện kỹ năng, phát triển tư duy sáng tạo cho các em. Nghề nặn tò he truyền thống ở làng Xuân La được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đánh giá là nghề độc đáo và đã đưa vào danh sách nghề dân gian.

Bảo tồn và phát huy giá trị những ngành nghề văn hóa, văn nghệ dân gian đặc thù, trong đó có nghề nặn tò he. Các chuyên gia cho rằng, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá, đây là một vấn đề thời sự, làng nghề và nghề thủ công truyền thống đang nhận được sự quan tâm của xã hội. Bên cạnh việc tạo cơ chế chính sách phát triển kinh tế, làng nghề còn là đối tượng quan trọng để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phát triển văn hóa dân tộc và xây dựng đất nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ