Thảo luận và đánh giá các loại test xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Nguyễn Thị Phương Nghi tốt nghiệp ĐH và ở lại làm nghiên cứu sinh tại Khoa Kỹ thuật Y sinh của Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM. Trong thời gian này, Nghi giành được học bổng Chevening và theo học bậc thạc sĩ ngành Khoa học Trị liệu tại Đại học Cambridge (Anh) từ tháng 10/2019 và đã hoàn tất khóa luận tốt nghiệp vào tháng 8/2020. 

Nghi cho biết, việc chọn học thạc sĩ ngành Khoa học Trị liệu (Therapeutic Sciences) do sự liên quan mật thiết với ngành  Kỹ thuật Y sinh đã học bậc cử nhân tại Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM. 

“Ngành Kỹ thuật Y sinh đã giúp mình có những kiến thức nền tảng về việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và sinh học trong việc điều trị bệnh và có cơ hội tham gia những đề tài nghiên cứu về những vật liệu sinh học mới có thể ứng dụng cho người bệnh.

Những kiến thức và kinh nghiệm này giúp mình hiểu rõ hơn về những tiến bộ trong nền y học thế giới và cũng hiểu được trăn trở của những người làm khoa học tại Việt Nam khi muốn phát triển đề tài nghiên cứu của mình thành sản phẩm được ứng dụng thực tế.

Do đó khi học tại Anh, mình có thể hiểu thêm về cách đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thị trường cũng như những vấn đề về bản quyền, bằng sáng chế hay cách xây dựng một mô hình kinh doanh phù hợp với những startup về mảng khoa học và y tế để có thể ứng dụng một cách phù hợp cho môi trường ở Việt Nam” - Nghi chia sẻ.

Để hoàn thành khóa học đúng hạn là cả một nỗ lực đối với tất cả du học sinh nói chung và Phương Nghi nói riêng. Nghi cho biết, khóa học tại Trường ĐH Cambridge bắt đầu từ tháng 10/2019 và kéo dài đến hết tháng 8/2020, được chia thành 3 học kỳ: Michaelmas, Lent and Easter (học kỳ ở Trường ĐH Cambridge được gọi bằng tên chứ không phải đánh số - PN). 

Hai học kỳ đầu bao gồm những tiết học với giảng viên và những buổi thảo luận nhóm, thuyết trình hoặc một số hoạt động ngoại khóa như đi thăm các phòng lab, công ty, trung tâm thử nghiệm lâm sàng hoặc trao đổi theo hình thức hùng biện.

Nội dung các buổi học sẽ bao gồm những kiến thức khoa học nền tảng về những lĩnh vực mới trong khoa học y sinh và chữa trị các loại bệnh bằng những phương pháp tiên tiến trên thế giới như kỹ thuật DNA tái tổ hợp, trị liệu gen và tế bào, dược phẩm điện tử, lab-on-a-chip, vật liệu sinh học, y học tái tạo, trí tuệ nhân tạo trong y tế... 

Một điểm khác biệt về hình thức khóa học mà Phương Nghi chia sẻ là những tiết học không phải ngồi nghe giảng trên giảng đường mấy trăm người mà theo dạng những buổi chuyên đề, trao đổi thảo luận.

Đồng thời tiết học được dạy không chỉ bởi giảng viên của trường, mà còn bởi những diễn giả đến từ các công ty dược, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo, các bác sĩ, luật sư về luật sở hữu trí tuệ hay những nhà đầu tư, doanh nhân trong lĩnh vực khoa học và sức khỏe.

“Nhờ đó, ngoài việc được tìm hiểu thêm về các kỹ thuật chữa bệnh tân tiến đang được áp dụng tại Anh và các quốc gia khác, tôi còn có thêm được những góc nhìn mới về những yếu tố xã hội, tài chính, luật pháp và chính sách cấp phép của các quốc gia cho hướng thương mại hóa các sản phẩm từ phòng lab và những vấn đề liên quan” - Nghi chia sẻ.  

Khóa luận về virus SARS-CoV-2

Nghi cho biết trong học kỳ cuối cùng đã hoàn tất khóa luận tốt nghiệp với đề tài về “Thảo luận và đánh giá các loại test xét nghiệm chẩn đoán tác nhân SARS-CoV-2 gây ra dịch bệnh Covid-19” cùng những ảnh hưởng của chiến lược xét nghiệm tại các quốc gia khác nhau.

Trong đó, đề tài tập trung về đặc tính, điểm mạnh, điểm yếu và những thử thách của các loại xét nghiệm đang được sử dụng trong thực tế (xét nghiệm RT-PCR để chẩn đoán những ca đang nhiễm và xét nghiệm kháng thể cho những ca đã từng nhiễm); những mặt lợi và hạn chế của những loại kit xét nghiệm nhanh, xét nghiệm tại nhà cũng như những vấn đề liên quan đến hình thức triển khai xét nghiệm tại các quốc gia và ảnh hưởng của chúng lên các chính sách giãn cách xã hội. 

“Tôi cũng tìm hiểu về một số dạng xét nghiệm mới và có triển vọng trong tương lai và việc sử dụng các app theo dõi người nhiễm Covid-19. Hiện tôi đã nộp khóa luận lên hệ thống của trường và đang chờ đánh giá từ hội đồng”, Nghi cho biết.

Với đề tài mang tính thời sự và cấp thiết này, Nghi cho biết đã so sánh tình hình và các chính sách phòng chống dịch hiệu quả ở Việt Nam với các nước khác trên thế giới, đồng thời tìm hiểu điều gì đã tạo nên sự khác biệt đó. 

Chọn một đề tài tương đối mới và đầy thời sự, Nghi cho biết đã gặp một một số khăn và thuận lợi nhất định. “Khó khăn trước tiên là do tính thời sự và biến động của đại dịch nên lượng thông tin thay đổi rất nhanh theo từng ngày và tính chính xác thì chưa được kiểm chứng. Do đó, việc tìm hiểu và chọn lọc những nghiên cứu, thống kê số liệu uy tín là vô   cùng quan trọng.

Tuy nhiên, do đại dịch đang là một vấn đề toàn cầu nên số lượng, góc nhìn của các bài nghiên cứu rất đa dạng, đa chiều và được cập nhật liên lục, nhờ đó tôi có thể tiếp cận dễ dàng tới nhiều nguồn tài liệu từ khắp nơi trên thế giới để phục vụ cho khóa luận của mình” - Nghi chia sẻ. 

Bên cạnh đó, Nghi cũng cho biết thêm, trong hai học kỳ đầu tiên lớp học cũng đã có những bài giảng về dịch tễ học hay các phương pháp chẩn đoán virus cũng như cách mà thế giới đã kiểm soát những chủng virus gây bệnh truyền nhiễm khác. Đồng thời, học về các mô hình mô phỏng cách một trận đại dịch lây lan như thế nào cũng như giả lập các yếu tố để có thể hạn chế sự lây lan đó.

Nghi cho biết cũng được tham gia những buổi thảo luận với những nhà nghiên cứu dịch tễ học đã tham gia vào quá trình kiểm soát dịch Ebola ở châu Phi hay làm việc ở trung tâm nghiên cứu vắc-xin của Tổ chức Y tế Thế giới trong việc chế tạo vắc-xin cúm mùa influenza cho cả thế giới hằng năm. Những kiến thức khoa học bài bản lẫn trải nghiệm thực tiễn trong những tiết học này là những nguồn thông tin quý giá để cô có thể hoàn thành bài luận một cách thuận lợi hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.