Thảo luận tình hình KT-XH tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV: Đặt niềm tin vào ngành Giáo dục

GD&TĐ - GD luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của cử tri và đại biểu Quốc hội bởi những nỗ lực của ngành GD trong thời gian qua đã được minh chứng bằng những việc làm và hành động cụ thể. Bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ sự tin tưởng vào những gì ngành GD đã và đang làm, quyết tâm vì một nền GD phát triển toàn diện.

Đánh giá giáo dục cần nhìn nhận tổng thể các mặt phát triển trong từng bậc học. Ảnh: Thế Đại
Đánh giá giáo dục cần nhìn nhận tổng thể các mặt phát triển trong từng bậc học. Ảnh: Thế Đại

Đại biểu Mai Sỹ Diến - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa: Ngành GD có nhiều cố gắng và cầu thị Đại biểu Mai Sỹ Diến

Quan điểm của tôi là chúng ta phải nhìn tổng thể sự đóng góp của ngành GD. Sự nghiệp GD được Đảng, Nhà nước, Quốc hội đánh giá cao. Ngành GD đã đào tạo ra nhiều thế hệ và chúng ta ở đây cũng chính là sản phẩm của nền GD. Tôi cho rằng, không vì một số vấn đề cục bộ mà đánh giá sự nghiệp, sự đóng góp của ngành GD cho xã hội.

Đại biểu Mai Sỹ Diến

Về Kỳ thi THPT quốc gia, tôi nhận thấy, Bộ GD&ĐT có nhiều đổi mới trong thi cử. Theo đó, phương thức tổ chức như hiện nay đã giảm tốn kém cho gia đình và xã hội; đặc biệt là không gây áp lực cho thí sinh và người nhà. Điều này đã được xã hội ghi nhận. Tuy nhiên, năm 2018, kỳ thi này đã xảy ra sai phạm ở một số địa phương. Nhìn nhận đầu tiên là Bộ GD&ĐT đã rất có trách nhiệm trong xử lý sai phạm, đồng thời chủ động phối hợp với Bộ Công an trong việc điều tra, xác minh hành vi vi phạm để đưa vụ việc ra trước ánh sáng. Đến nay, mọi việc gần như đã rõ ràng. Rút kinh nghiệm từ Kỳ thi THPT quốc gia 2018, năm 2019, Bộ đã có những thay đổi cụ thể về mặt kỹ thuật trong tổ chức thi THPT quốc gia để lấp những lỗ hổng của năm trước.

Nhiều người hơi cực đoan khi nhận xét về GD, trong khi GD có nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận và cần được thông tin đầy đủ. Chẳng hạn như: Lực lượng chất lượng cao của xã hội hiện nay chính là sản phẩm của ngành GD. Hay như rất nhiều tấm gương HS quên mình để cứu bạn, nhặt được tiền trả lại người bị mất... - đó là kết quả của GD. Đáng tiếc là những tấm gương đó lại không được thông tin nhiều.

Nhân đây, tôi mong muốn, cử tri và nhân dân cả nước cần tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước đối với GD; tin vào những gì ngành GD đã và đang làm, đặc biệt là tin vào đội ngũ thầy, cô giáo.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh – Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Hiến kế để GD ngày càng tốt hơn

Theo tôi, nếu cứ khai thác ở góc cạnh tiêu cực thì không khách quan đối với ngành GD. Bản thân chúng ta, ngay cả các đại biểu Quốc hội cũng được thừa hưởng từ nền GD để có trưởng thành như ngày hôm nay.

Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh

Thời gian qua, GD có nhiều thành tựu rất đáng được ghi nhận. Chúng ta đều thấy: Năm 2018, 2019 HS Việt Nam đều đạt giải cao trên đấu trường trí tuệ quốc tế. HS của chúng ta không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới. Đó là kết quả của một nền GD tốt. Với GD ĐH, Việt Nam có được 2 đơn vị nằm trong top tốt nhất của thế giới là: ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh và ĐH Quốc gia Hà Nội. Ngoài ra, trên khắp mọi miền của Tổ quốc, chúng ta có những người thầy, người cô tâm huyết, và đa số là những nhà giáo luôn hết lòng vì học trò.

Dĩ nhiên trong quá trình giảng dạy, học tập cũng có việc này, việc kia và mối quan hệ giữa GV với phụ huynh, GV với học trò, mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố khách quan, đơn cử như những tương tác của mạng xã hội, báo chí truyền thông... Hiện nay, có tình trạng một vụ việc nhưng được xã hội nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, tích cực có và tiêu cực cũng có. Nhưng dường như tôi thấy, yếu tố tiêu cực có phần lấn át.

Theo tôi, điều quan trọng là chúng ta cần chia sẻ, góp ý và đề xuất nhiều giải pháp cho ngành GD phát triển tốt hơn nữa. Bản thân tôi không bênh ngành GD, nhưng rất chia sẻ với ngành. Vì thực tế ngành GD đã có những nỗ lực cố gắng trong thời gian qua. Đôi khi có những sự việc này, vụ việc kia xảy ra nhưng nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành GD.

Ai cũng biết, xã hội không mong muốn tiêu cực xảy ra, ngành GD lại càng không mong muốn điều đó. Nhưng khi đã xảy ra rồi, ngành GD luôn cố gắng hết sức để xử lý một cách tốt nhất. Chẳng hạn như: Vụ gian lận điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 xảy ra ở một số địa phương, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo ráo riết trong xử lý sai phạm; Chính phủ cũng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc và khi nào có kết quả điều tra chính thức sẽ công bố công khai. Quan điểm của tôi là, làm gì cũng dựa trên yếu tố pháp lý. Việc có công bố danh tính các đối tượng có liên quan hay không cũng phải dựa trên cơ sở pháp luật, không thể thích làm gì thì làm hoặc làm theo cảm tính.

Chúng ta cũng không thể nào quy định chi tiết tất cả mọi vấn đề trong thực tiễn của cuộc sống, kể cả lĩnh vực GD. Chúng ta hướng tới xã hội học tập, toàn dân học tập suốt đời nên việc quan trọng lúc này thay vì chỉ trích thì hiến kế các giải pháp để GD ngày càng tốt hơn. Ngoài ra, chúng ta đừng lấy một sự vụ để quy chụp cho tất cả. Dĩ nhiên khi chúng ta tiếp cận vấn đề, chúng ta có quyền bức xúc và đó là điều dễ hiểu.

Về vấn đề khen thưởng thành tích, tôi cho rằng, mỗi người có quan điểm riêng, nhưng rõ ràng ai cũng muốn con em mình giỏi, không ai muốn con mình kém. Tâm lý chung là ai cũng muốn được khen thưởng, mục đích là để động viên lẫn nhau, phấn đấu hơn nữa trong công việc và học tập. Vấn đề còn lại là bình chọn ở cơ sở. Còn việc khen thưởng không có lỗi. Việc phát động thi đua để cùng cố gắng, quan trọng là khen thưởng sao cho đúng, trúng và phù hợp là được.

GS.VS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục: Giáo dục Việt Nam đã có những đóng góp to lớn

Trong nhiều thập kỉ qua, GD Việt Nam đã có những đóng góp to lớn, góp phần chủ đạo trong cung cấp nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng kinh tế, thoát khỏi tình trạng nước nghèo.

Thời điểm năm 1945, tỷ lệ người dân Việt Nam mù chữ lên tới 95%; nhưng nay chúng ta đã phổ cập GD mầm non cho trẻ em 5 tuổi, GD tiểu học và giáo dục THCS ở cả 63 tỉnh thành. Năm học 2018 - 2019, đã có khoảng 24 triệu người đi học – chiếm gần như một phần tư dân số, đây là một tỷ lệ rất cao ở thế giới.

GS.VS Phạm Minh Hạc

Chất lượng GD phổ thông của chúng ta được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, qua kết quả đánh giá PISA và kết quả dự thi Olympic khu vực và quốc tế. Từ 2014 đến nay, trong 191 lượt HS tham dự Olympic khu vực và quốc tế đã có 187 HS đoạt giải với 60 Huy chương Vàng, 78 Huy chương Bạc, 40 Huy chương Đồng và 9 bằng khen; tăng 37 giải so với giai đoạn 5 năm 2009 - 2013; riêng số Huy chương Vàng tăng gấp 3 lần. Năm 2018, tất cả HS dự thi trong các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế đều đoạt huy chương, trong đó có 13 Huy chương Vàng. Về GDĐH, tin vui là Việt Nam lần đầu tiên có 2 ĐHQG nằm trong nhóm 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới và có 7 trường ĐH được xếp vào nhóm 500 trường ĐH tốt nhất châu Á... Đó là niềm vui, niềm tự hào của mỗi chúng ta.

Thời gian gần đây, người ta hay nói đến những tiêu cực trong GD, đặc biệt là về sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Buồn và đau xót, nhưng không thể chỉ vì một chấm đen mà phủ nhận tất cả những thành tựu GD đã đạt được. Tôi thấy báo chí nói quá nhiều đến tiêu cực, nhiều vấn đề nói lặp đi lặp lại; tôi theo dõi rất kĩ và thực sự cảm thấy buồn. Rất nhiều thành tựu của GD, những tấm gương thầy cô, học sinh nỗ lực nhưng ít được nói đến, hoặc nói đến nhưng ít được chú ý. Tôi mong rằng, về vấn đề này, Báo GD&TĐ sẽ tiên phong, là trụ cột để khẳng định được những thành tựu mà GD Việt Nam đã đạt được, nêu nhiều tấm gương người tốt, việc tốt, từ đó tăng thêm niềm tin của nhân dân vào GD; cùng đồng lòng, quyết tâm với ngành GD trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục: Không nên làm vết thương giáo dục “tấy” lên

Phải thẳng thắn nói rằng không riêng gì GD, ngành nào cũng có những điều tích cực và tiêu cực. Bình tĩnh nhìn nhận, có ngành nào làm được cho xã hội những việc có ý nghĩa hơn ngành GD? Việc đi học hàng ngày tạo ra một xã hội ổn định, nhờ vào sự cần cù của các GV, của toàn ngành GD.

PGS.TS Đặng Quốc Bảo

Theo quan điểm của tôi, những tiêu cực của ngành GD chưa có gì là “ghê gớm” so với những tiêu cực của ngành khác. Vì gia đình nào cũng có con em đi học, nên cả xã hội đều dành mối quan tâm lớn cho GD, theo đó, một vài tiêu cực trong ngành khiến niềm tin trong xã hội bị đổ vỡ nhiều hơn. Chính vì vậy, về nguyên tắc, càng bớt được tiêu cực bao nhiêu càng tốt, đặc biệt trong ngành GD. Hành động không hay của một cô giáo/thầy giáo/các cấp liên quan sẽ để lại hệ lụy lớn lao cho ngành, cho xã hội. Nhìn ra thế giới, gần đây có những sự vụ xảy ra tại các nhà trường rất động trời, như thảm sát trong trường học ở Nhật Bản, hay đường dây chạy vào những trường ĐH danh giá thế giới tại Mỹ… Thông tin hiện nay rất minh bạch nên nhìn người mà ngẫm đến ta, phải công tâm thấy rằng so với GD thế giới, những tiêu cực ở GD Việt Nam chưa đến mức “ghê gớm”. Vết thương này khiến ta đau đớn, khổ tâm, nhưng không nên làm cho nó “tấy” lên khiến những thầy cô giáo, những cán bộ làm GD tận tâm, yêu nghề cảm thấy tự ti, yếm thế, xấu hổ về công việc mình làm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.