Tháo gỡ 'nút thắt' tâm lý dạy học tiếng Anh theo Chương trình mới

GD&TĐ - Tư tưởng sợ bộ môn tiếng Anh của học sinh miền núi đang dần được tháo gỡ…

Giáo viên cốt cán môn Tiếng Anh cấp tiểu học tại Điện Biên thực hành phương pháp dạy học theo chương trình mới.
Giáo viên cốt cán môn Tiếng Anh cấp tiểu học tại Điện Biên thực hành phương pháp dạy học theo chương trình mới.

Đối mặt với nhiều vướng mắc, rào cản, song sau một thời gian triển khai dạy học tiếng Anh theo Chương trình GDPT năm 2018 tại Điện Biên đã đi vào nền nếp. Tư tưởng sợ bộ môn này của học sinh miền núi đang dần được tháo gỡ…

Nỗi lo dần được giải tỏa

Lần đầu tiên được tham gia hoạt động ngoại khóa dành riêng cho môn Tiếng Anh, Quàng Trọng Huy, lớp 9A2, Trường THCS thị trấn Tuần Giáo có nhiều trải nghiệm thú vị. Huy hoạt ngôn, tự tin nên tham gia với vai trò là MC tiếng Anh. Em tâm sự, mình khá lo lắng khi nhận nhiệm vụ xen lẫn hồi hộp, háo hức.

“Đây là cơ hội để em học hỏi, rèn luyện sự tự tin, mạnh dạn hơn trên sân khấu và giao tiếp tiếng Anh. Nhờ có sự động viên, giúp đỡ của thầy cô, em đã hoàn thành vai trò của mình. Đồng hành với các đội thi cũng giúp em và các bạn ôn luyện kiến thức, có thêm nhiều trải nghiệm thực tế về môn học này”, Huy bộc bạch.

Còn em Nguyễn Cẩm Tú, lớp 7A1 chia sẻ, các vòng thi dễ hiểu, dễ chơi nên em rất thích. Trong đó, Tú hào hứng hơn cả là trải nghiệm nhanh tay, nhanh mắt thông qua trò chơi đập ruồi. Tú kể: “Dẫn chương trình đọc 1 từ bằng tiếng Việt, người chơi sẽ dùng vợt đập vào con ruồi có chứa từ đó bằng tiếng Anh. Trò chơi tạo không khí sôi nổi, song cũng giúp chúng em có tư duy, phản xạ thật nhanh để ghi điểm”.

“Kết quả thành công hơn mong đợi. Không chỉ có các đội tham gia mà còn thu hút đông đảo học sinh khối lớp, tạo không khí sôi nổi, hào hứng trong toàn trường. Đặc biệt, nhiều em bày tỏ sự thích thú, mong muốn nhà trường tiếp tục tổ chức hoạt động tương tự để có thêm nhiều cơ hội trải nghiệm với môn học này”, cô Hương chia sẻ.

Cô Đỗ Thị Mai Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cuộc thi được xây dựng với mục đích tạo hứng thú, đưa môn Tiếng Anh đến gần hơn với học sinh. Mỗi khối lớp được chia thành các đội thi, tranh tài ở 8 vòng, bao gồm: Tự giới thiệu, nhanh tay nhanh mắt, phối hợp đồng đội, âm nhạc thường thức, văn hay chữ tốt, tích điểm lớn, nhận quà từ thầy cô, lời hay ý đẹp (thuyết trình về chủ đề, chủ điểm). Mỗi phần thi được tổ chức dưới dạng trò chơi để tạo không khí, lôi cuốn học sinh tham gia.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng (huyện Tủa Chùa), việc duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các Câu lạc bộ (CLB) tiếng Anh được xem là giải pháp làm giảm “áp lực” với môn học này cho học sinh. Theo phân tích của cô Nguyễn Thị Vân Anh, giáo viên tiếng Anh, đa phần học sinh có tâm lý ngại học hoặc sợ môn Tiếng Anh. Đặc biệt là khối lớp 3 do lần đầu đưa bộ môn này học bắt buộc, có chấm điểm, đánh giá.

“Các CLB tương ứng với từng khối lớp được xem là sợi dây kết nối các em lại với nhau. Thông qua hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt, trải nghiệm, vui chơi được tổ chức định kỳ hàng tháng, nhiều khó khăn trong quá trình học tập được tháo gỡ. Không những vậy còn kích thích hứng thú học tiếng Anh cho từng em”, cô Vân Anh bộc bạch.

Giờ học Tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng.

Giờ học Tiếng Anh của cô và trò Trường Tiểu học Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng.

Nâng cao chất lượng từ tập huấn

Thời gian qua, Sở GD&ĐT Điện Biên liên tiếp tổ chức các đợt tập huấn về triển khai Chương trình GDPT năm 2018 đối với môn Tiếng Anh cấp tiểu học, THCS và THPT. Thông qua trao đổi, tháo gỡ khó khăn trong quá trình giảng dạy nhằm thống nhất, tìm ra phương pháp tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp điều kiện và học sinh.

Mặc dù chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, song Trường PTDTBT Tiểu học – THCS Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông) vẫn cố gắng sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện để tham gia đầy đủ các lớp tập huấn. Cô Phó Hiệu trưởng Trần Thị Vân Anh cho hay, với đặc thù mang tính vùng miền nên quá trình triển khai dạy tiếng Anh chương trình mới gặp không ít khó khăn.

“Do nhận thức, sự quan tâm của học sinh, thậm chí phụ huynh đối với môn học này chưa cao nên kết quả còn hạn chế. Ngoài ra, giáo viên của nhà trường ở trình độ cao đẳng, do vậy, bên cạnh việc ưu tiên, tạo mọi điều kiện thì chúng tôi xác định phải tích cực cho giáo viên tham gia các lớp đào tạo, tập huấn. Qua đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như kinh nghiệm tổ chức dạy học hiệu quả”, cô Trần Thị Vân Anh trao đổi.

Đối với cô Vân Anh, hai lần tham gia tập huấn đã tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là việc nắm bắt thêm nhiều phương pháp giảng dạy mới, hiệu quả; xây dựng kế hoạch bài dạy, giáo án, công tác kiểm tra, đánh giá học sinh… “Vì triển khai cùng lúc nhiều bộ sách khác nhau nên các lớp tập huấn cũng được chia thành từng nhóm tương ứng. Chúng tôi cùng nhau tìm phương án thích hợp. Tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu qua những chia sẻ này”, cô Vân Anh nói.

Bên cạnh việc bố trí giáo viên tham gia đầy đủ lớp tập huấn do ngành tổ chức, nhiều trường học tại huyện Tuần Giáo còn tổ chức tốt mỗi đợt sinh hoạt chuyên đề cấp trường, liên trường. Theo Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Tuần Giáo, Cuộc đua tiếng Anh diễn ra tại trường vừa qua là hoạt động chuyên đề số 2 của cụm trường lân cận.

“Chúng tôi xác định, không chỉ tạo sân chơi cho học sinh mà thông qua hoạt động sinh hoạt chuyên môn này để nâng cao chất lượng giáo dục. Trong đó, tập trung và khuyến khích đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Cùng với đó là tăng cường năng lực cán bộ quản lý, giáo viên, đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới”, cô Đỗ Thị Mai Hương nói.

Theo cô Vân Anh, mỗi câu lạc bộ có từ 20 – 30 học sinh tham gia. Đây là hạt nhân hỗ trợ quá trình học, rèn luyện môn học này ở từng lớp. Thông qua hoạt động “đôi bạn cùng tiến”, “cùng nhau học tiếng Anh”…, thành viên câu lạc bộ gần như trải đều ở các lớp. Mỗi tiết học đều bố trí cho các em giao tiếp, trao đổi, hoặc hỗ trợ bạn khác cùng học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.