Tháo gỡ nhiều vấn đề trong giáo dục và đào tạo

GD&TĐ - Sáng 12/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 27, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung thảo luận. Dự Phiên làm việc còn có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; các Phó chủ tịch Quốc hội: Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội
Nghiên cứu khoa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội

Cần thiết nâng chuẩn giáo viên mầm non

Thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo tóm tắt dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Bộ trưởng nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật được thực hiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Đồng thời, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động của Luật và điều chỉnh đối với một số nội dung khác.

Tại Phiên làm việc, các đại biểu đã thảo luận, đóng góp ý kiến về nội dung nâng chuẩn giáo viên mầm non và miễn học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi, học sinh THCS. Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong quá trình xây dựng, Ban soạn thảo đã tính toán tính khả thi về tài chính.

Liên quan đến nội dung nâng chuẩn giáo viên mầm non, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết: Theo tính toán từ nay đến năm 2026 có thể nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng, thậm chí là đại học. Khi thực hiện chính sách nâng chuẩn giáo viên, các trường trung cấp sẽ không còn nữa. Theo đó, các trường này sẽ sáp nhập vào trường cao đẳng hoặc trung cấp bồi dưỡng giáo viên có liên quan. Đây là lộ trình sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm. Thực tế hiện nay, trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm cũng có đào tạo hệ mầm non.

“Hiện nay số giáo viên đạt chuẩn cao đẳng đối với bậc mầm non khoảng hơn 100 nghìn. Bộ GD&ĐT cũng có tính toán, những trường hợp nào còn trong độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng được thì sẽ có chương trình đào tạo, bồi dưỡng chung. Còn với giáo viên mà không còn đủ trong quy định thì có chính sách bồi dưỡng và nghỉ chế độ sớm”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Phát biểu tại Phiên làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, theo nhiều nước trên thế giới, phổ cập giáo dục bắt buộc nghĩa là mọi tổ chức, cá nhân đều phải lo cho học sinh, tất cả học sinh phải đi học. Còn về phổ cập giáo dục thì có sự khác nhau giữa các nước nhưng phổ cập đến mức nào thì được miễn học phí đến đó. Chúng ta đã phổ cập đến THCS và đang có lộ trình phổ cập đến THPT. Bây giờ chúng ta mới miễn học phí cho học sinh tiểu học; đối với học sinh THCS, Chính phủ cũng đã bàn nhiều nhưng chưa làm được ngay. Khi bàn về nội dung này, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ GD&ĐT tính toán kỹ: Mỗi năm cần bao nhiêu tiền, sau đó Chính phủ thống nhất trình Quốc hội, còn lộ trình tùy trình độ phát triển và khả năng cân đối ngân sách.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc nâng chuẩn giáo viên là cần thiết và tới đây sẽ phải có cách làm mới. Chuẩn đào tạo gắn chặt với việc quy hoạch lại các trường sư phạm; quy hoạch lại hệ thống đại học.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo tóm tắt dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ báo cáo tóm tắt dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: Quốc hội quyết định sửa toàn diện Luật này để thể chế hóa tất cả các quan điểm, đường lối chính sách của Đảng. Đồng thời xử lý những bất cập, hạn chế, những khó khăn, vướng mắc trong Luật Giáo dục hiện hành. Dự thảo Luật cũng có một số chính sách mới vì thế cần được đánh giá bài bản, đầy đủ và sâu sắc, để những chính sách đó đi vào cuộc sống.

Về học phí, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhắc lại: Trong Hiến pháp đã ghi, giáo dục bắt buộc ở cấp tiểu học và mầm non. Đã là bắt buộc thì phải miễn học phí. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng thống nhất nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng nhưng cũng cần xem lại có phải thực hiện trên phạm vi cả nước hay không?

Không phá vỡ hệ thống đại học

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Khắc Định cho rằng, dự thảo Luật đáp ứng được 2 yêu cầu đó là: Kế thừa được toàn bộ hệ thống giáo dục hiện nay và có nhiều đổi mới.

Đánh giá cao dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh chia sẻ: Tín hiệu tốt là các trường đại học đều đồng tình với xu hướng tự chủ đại học. Trong quá trình tiếp thu cần làm rõ thêm các khái niệm về học viện và viện… đồng thời làm rõ về cơ quan quản lý có thẩm quyền được quy định tại Điều 20 của dự thảo Luật.

Nhấn mạnh, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tiếp thu, điều chỉnh dựa trên ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, cần làm cho vị thế, vai trò của 2 đại học quốc gia được nâng lên trong Luật này. Trong Luật cũng cần đề cập đại học vùng và quy định như thế nào để không gây xáo trộn lớn trong mô hình các cơ sở giáo dục hiện nay.

Sẽ có chương trình đào tạo bồi dưỡng chung để nâng chuẩn đội ngũ giáo viên mầm non
 Sẽ có chương trình đào tạo bồi dưỡng chung để nâng chuẩn đội ngũ giáo viên mầm non

Về tự chủ đại học, dự thảo đã tập trung quy định rõ hơn về nội dung, mức độ, lộ trình cũng như các điều kiện đảm bảo để thực hiện quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học. Mô hình đại học quốc gia, đại học vùng tiếp tục được khẳng định trong dự thảo Luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, vướng mắc lớn trong mô hình đại học quốc gia và đại học vùng là mối quan hệ pháp lý và quyền tự chủ của các trường đại học thành viên. Vì thế cần quy định rõ trong Luật này. Ngoài ra, bên cạnh đảm bảo thực quyền của hội đồng trường, cũng cần đảm bảo quyền, trách nhiệm của hiệu trưởng trong quản lý hoạt động nhà trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp thu thêm một số ý kiến của đại biểu về vấn đề quản trị trường đại học tư thục và trường đại học tư thục không vì lợi nhuận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ