Loay hoay chọn ngành, chật vật xác định tương lai

GD&TĐ - Chọn ngành vì yêu thích tiếng Anh hoặc vì an toàn trong xét tuyển, nhiều sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh rơi vào tình trạng mất phương hướng sau khi nhập học.

Võ Nguyễn Hoàng Lan (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm bạn tại lớp học. Ảnh: NVCC
Võ Nguyễn Hoàng Lan (ngoài cùng bên phải) cùng nhóm bạn tại lớp học. Ảnh: NVCC

Sự nhầm lẫn giữa học ngoại ngữ và học ngành ngôn ngữ, cùng việc thiếu định hướng nghề nghiệp rõ ràng khiến không ít bạn trẻ chật vật xác định tương lai.

Mơ hồ tương lai

Ngay từ cấp THPT, nhiều học sinh đã có xu hướng chọn ngành Ngôn ngữ Anh để tìm giải pháp nghề nghiệp “an toàn”. Trịnh Quốc Phong - học sinh lớp 12 tại Tây Ninh, cho biết: “Em không thích kỹ thuật, cũng không giỏi khối A00 gồm Toán, Vật lý, Hóa học nên chọn ngành Ngôn ngữ Anh vì điểm chuẩn vừa tầm. Nghe mọi người nói học tiếng Anh xong dễ xin được việc nên em yên tâm”.

Thực tế, nhiều học sinh chưa phân biệt được giữa học tiếng Anh và ngành Ngôn ngữ Anh. Trong khi chương trình Ngôn ngữ Anh mang tính học thuật cao, đào tạo về ngữ âm, cú pháp, văn hóa, dịch thuật… thì phần lớn học sinh lại kỳ vọng sẽ được học giao tiếp thực hành, phục vụ công việc nhiều. Sự lệch pha này khiến nhiều sinh viên cảm thấy hụt hẫng khi bước vào đại học, từ đó dễ chán nản hoặc chọn làm trái ngành.

Lê Gia Hân - sinh viên năm 4, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, năm hai, em từng thực tập tại một doanh nghiệp về mảng marketing, ở vị trí phụ trách khách hàng, với mức thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/tháng cho 5 buổi làm việc/tuần, nhưng em đi làm trái ngược hoàn toàn với thứ em được học. Công việc chính của Hân là chăm sóc khách hàng, trả lời email, điều phối công việc giữa các bộ phận.

“Thỉnh thoảng em có dịch vài tài liệu Anh - Việt cho khách, nhưng thật ra công việc không liên quan nhiều đến những gì học, hoàn toàn trái ngành, lúc đầu em nghĩ chỉ cần biết tiếng Anh thì làm gì cũng được”, Hân nói.

Với nhiều tân sinh viên, lý do chọn ngành đôi khi lại xuất phát từ những yếu tố cảm tính. Cùng trường với Hân, Võ Nguyễn Hoàng Lan - sinh viên năm nhất ngành Ngôn ngữ Anh, chia sẻ: “Em thích học tiếng Anh, muốn đi nhiều nơi nên chọn ngành này để thuận tiện cho công việc tương lai, nhất là những lĩnh vực như du lịch hay kinh doanh. Em từng dạy gia sư tiếng Anh, nhưng không định theo hướng giảng dạy lâu dài, em vẫn mông lung cho tương lai”.

Những lựa chọn dựa trên sở thích cá nhân như Lan khá phổ biến. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ chương trình đào tạo và yêu cầu nghề nghiệp, sinh viên dễ rơi vào trạng thái học không mục tiêu, dẫn đến việc ra trường chưa sẵn sàng đi làm.

loay-hoay-tim-loi-di2.jpg
Ảnh minh họa INT.

Học đúng để không lạc hướng

Trước thực trạng nhiều sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh mất phương hướng nghề nghiệp, các chuyên gia giáo dục cho rằng việc định hướng từ sớm và tạo môi trường trải nghiệm thực tế là yếu tố tiên quyết giúp sinh viên nhìn nhận đúng năng lực bản thân và lựa chọn hướng đi phù hợp.

Theo ThS Nguyễn Ngọc Nguyên - giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Trường Đại học Văn Lang, tình trạng sinh viên Ngôn ngữ Anh hoang mang về nghề nghiệp là hệ quả việc chọn ngành mà thiếu tìm hiểu. “Đa phần sinh viên chọn Ngôn ngữ Anh vì chưa biết học gì, hoặc đơn giản vì thích tiếng Anh. Điều đó không sai, nhưng nếu chỉ dừng ở mức thích mà không lên kế hoạch nghề nghiệp, dễ dẫn đến tình trạng mất định hướng sau này”, ThS Nguyên nói.

Việc định hướng, theo ThS Nguyên, nên bắt đầu ngay năm nhất. Dù chưa cần xác định chính xác công việc sau khi tốt nghiệp, sinh viên cần hình dung sơ bộ về môi trường mình muốn làm việc, lĩnh vực có thể theo đuổi như giảng dạy, thương mại, biên phiên dịch, du lịch, marketing hay truyền thông quốc tế. “Biết mình thích gì thôi chưa đủ. Cần trải nghiệm thử, va chạm thực tế và xem mình có phù hợp với nó hay không. Đó là cách duy nhất để xác định con đường lâu dài”, ThS Nguyên nói.

Tại Trường Đại học Văn Lang, chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh được thiết kế theo định hướng ứng dụng, giúp sinh viên sớm tiếp cận các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau. Sinh viên được học đa dạng các học phần như tiếng Anh thương mại, tiếng Anh du lịch, phương pháp giảng dạy, kỹ năng biên - phiên dịch… Bắt đầu từ năm 4, sinh viên được tham gia thực tập tại doanh nghiệp hoặc làm dự án lồng ghép trong môn học để cọ xát thực tế.

Tuy nhiên, ThS Nguyên cho rằng, nhà trường và giảng viên chỉ là người đồng hành. Việc học tập hiệu quả vẫn phụ thuộc vào khả năng tự khám phá và chủ động tìm hiểu của sinh viên. “Chúng tôi có thể cung cấp công cụ, gợi mở con đường, nhưng sinh viên mới là người quyết định mình đi hướng nào. Nếu không chủ động, các em dễ hoang mang giữa vô vàn lựa chọn nghề nghiệp hiện nay”, nam giảng viên nhấn mạnh.

Không chỉ ở đại học, với học sinh THPT, việc chọn ngành Ngôn ngữ Anh cũng cần dựa trên năng lực và định hướng rõ ràng. ThS H.M., giám đốc một trung tâm Anh ngữ tại tỉnh Đắk Lắk cho hay, việc học giỏi tiếng Anh là lợi thế, nhưng cần xác định thêm mình có yêu thích làm việc với ngôn ngữ ở mức học thuật không, mong muốn trở thành giáo viên, dịch giả hay hướng dẫn viên du lịch không. Nếu không trả lời được những câu hỏi này, việc chọn ngành chỉ vì nghe quen tai dễ dẫn đến sai lệch sau này.

“Sinh viên nên tận dụng năm nhất để thử sức ở nhiều hoạt động như trợ giảng tại trung tâm ngoại ngữ, viết nội dung bằng tiếng Anh, tham gia nhóm nghiên cứu nhỏ… Mỗi trải nghiệm là một cách để sinh viên nhận diện bản thân. Sinh viên cũng nên tham gia các buổi tọa đàm nghề nghiệp, hội thảo chuyên đề hoặc chương trình kỹ năng mềm để có thêm thông tin thực tiễn về các hướng đi khác nhau sau tốt nghiệp”, ThS M. nói.

Thực tế, được tư vấn kỹ lưỡng, tham gia hoạt động trải nghiệm, trò chuyện với người đang làm nghề là những kênh hiệu quả để học sinh - sinh viên hiểu rõ hơn về ngành. Ở nhiều trường đại học, tuần sinh hoạt công dân đầu khóa dành cho sinh viên năm nhất chính là điểm khởi đầu cho hành trình đó.

Trong khoảng vài buổi học, sinh viên năm nhất sẽ được giới thiệu về ngành học, chương trình đào tạo, quy chế - chính sách, cũng như tham gia các buổi định hướng nghề nghiệp do cựu sinh viên và doanh nghiệp chia sẻ. Đây là cơ hội giúp tân sinh viên nhìn nhận rõ hơn về ngành, hiểu đâu là kỹ năng cần chuẩn bị và hướng đi nào phù hợp với bản thân.

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng ở tuần lễ đầu tiên, việc định hướng dễ trở thành hình thức. Những hỗ trợ về hướng nghiệp cần được triển khai xuyên suốt cả quá trình đào tạo, từ học kỳ đầu tiên đến năm cuối, thông qua các hoạt động học thuật, thực hành, kết nối thực tế và cả việc hỗ trợ tâm lý, kỹ năng mềm. Khi sinh viên được định hướng đúng, thử và sửa sai sớm, họ sẽ không còn lạc hướng, dù ngành học ban đầu chỉ xuất phát từ sự yêu thích đơn thuần.

“Tuần sinh hoạt công dân là hoạt động giúp sinh viên trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng làm quen với môi trường giáo dục đại học; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm quá trình học tập; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của nhà trường; từng bước thích nghi với môi trường mới, phấn đấu trở thành công dân tốt, góp phần cho sự phát triển của cộng đồng xã hội”, TS Trần Thị Rồi - giảng viên Khoa Khoa học cơ bản, Trường Đại học Luật TPHCM, cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ