Tháo gỡ khó khăn Giáo dục tỉnh Điện Biên

GD&TĐ - Chiều 17/3, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) do đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với ngành GD-ĐT tỉnh Điện Biên.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc

Về phía tỉnh Điện Biên có đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Lê Văn Quý, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở GD-ĐT cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Sở GD-ĐT đã báo cáo với đoàn công tác kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển GD-ĐT của Điện Biên trong thời gian qua. Theo đó, trong những năm qua, trình độ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng được nâng lên; 100% cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên; 99% đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn. Chất lượng giáo dục các cấp học được nâng lên, toàn tỉnh có 100% số trẻ đến trường được học 2 buổi/ngày, 100% trẻ dân tộc thiểu số được tăng cường tiếng Việt. Cơ sở vật chất, trường lớp học hiện nay cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 62,8%; toàn tỉnh có 327/498 trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn Quốc gia...

Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có điều kiện học tập tốt hơn, tỉnh Điện Biên kiến nghị Chính phủ, Bộ GD-ĐT: Nâng mức học bổng cho học sinh trường phổ thông DTNT từ 80% lên 100% mức tiền lương cơ sở; cho phép tuyển dụng nhân viên kế toán trường học phục vụ công tác quản lý trong các cơ sở giáo dục; Quy định rõ số lượng biên chế công chức hành chính tại Phòng GD-ĐT. Xem xét điều chỉnh các điều kiện, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, tiểu học theo Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT – BGDĐT – BNV ngày 16/9/2015 về quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non công lập.

Cũng trong buổi làm việc chiều ngày 17/3, nhiều ý kiến, kiến nghị của Trưởng phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thị xã, thành phố và hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn tỉnh tập trung các vấn đề, như: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành Quy chế kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 trước ngày 1/4; quan tâm bổ sung cơ sở vật chất, các phòng học chức năng và bổ sung biên chế giáo viên đặc biệt ở bậc học mầm non…

Đánh giá cao những kết quả ngành GD-ĐT Điện Biên đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị ngành GD-ĐT Điện Biên không chạy theo bệnh thành tích trong việc dạy và học; về cơ sở vật chất, trường lớp, tỉnh cần có lộ trình giảm lớp học tạm; tiếp tục xây dựng mô hình trường phổ thông nội trú, bán trú phù hợp điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả cao…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ