Tháo gỡ khó khăn dạy môn tích hợp ở vùng cao

GD&TĐ - Hiện nay, các trường học trên địa bàn huyện Đồng Văn (Hà Giang) đang nỗ lực khắc phục khó khăn trong việc dạy học các môn tích hợp.

Khắc phục khó khăn trong giảng dạy các môn tích hợp. Ảnh minh hoạ
Khắc phục khó khăn trong giảng dạy các môn tích hợp. Ảnh minh hoạ

Khó khăn khi dạy môn tích hợp ở vùng cao

Tích hợp liên môn, là một điểm mới trong Chương trình GDPT 2018, đã bắt đầu được áp dụng từ năm học 2021-2022, hướng tới giúp học sinh giảm tải, phát triển khả năng tổng hợp, phát huy được năng lực của học sinh trong việc lĩnh hội và vận dụng kiến thức vào cuộc sống hàng ngày.

Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ 3 các trường THCS áp dụng dạy và học các môn tích hợp. Tuy nhiên, việc bố trí giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học vẫn luôn là bài toán khó, nhất là đối với các trường vùng sâu, vùng xa.

Từ thực tế hiện nay, phần đông các trường học trên địa bàn huyện Đồng Văn đều đưa ra giải pháp nhiều giáo viên dạy môn tích hợp và đây cũng là cách sắp xếp hợp lý trong hoàn cảnh hiện tại, khi các giáo viên dạy đơn môn chưa kịp học thêm hay bồi dưỡng thêm về dạy tích hợp.

Cô Ly Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường THCS Đồng Văn (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) cho biết: “Năm nay là năm thứ 3 nhà trường triển khai dạy học theo chương trình GDPT 2018. Qua quá trình dạy và học theo Chương trình mới nhà trường nhận thấy đây là điều kiện để giáo viên tìm tòi, phát huy các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại.

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng gặp những khó khăn nhất định như: Việc tích hợp các môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội còn bất cập khi các thầy cô giáo trong trường đều là đơn môn, không có thầy cô giáo nào được học đầy đủ tất cả các môn tích hợp cả, nhà trường phải phân công mỗi giáo viên đảm nhiệm 1 phần kiến thức trong môn tích hợp để đảm bảo truyền tải đến học sinh.

Bên cạnh đó, sách giáo khoa môn tích hợp vẫn được biên soạn theo những phân môn độc lập riêng biệt, không mang tính tích hợp về nội dung. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều thầy cô giáo cùng dạy một quyển sách và cùng chấm một bài khi kiểm tra, phân chia thời khóa biểu. Giải pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy tích hợp cũng chưa thật sự hiệu quả.

“Ngoài ra, việc áp dụng dạy và học các môn tích hợp trong nhà trường còn gặp nhiều khó khăn hơn do chủ yếu tỷ lệ học sinh ở đây là người dân tộc thiểu số, khả năng nhận thức cũng là một trong những cản trở, cho nên kiến thức để học sinh tiếp thu được là rất khó. Cùng với đó, nhà trường còn thiếu giáo viên, các thầy cô hầu như phải làm thêm giờ. Vì vậy, nhà trường cũng đang cố gắng tạo mọi điều kiện cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ” - cô Tuyết cho biết thêm.

Gỡ khó cho dạy học tích hợp ở vùng cao

Thầy Hoàng Kim Thuật, giáo viên trường THCS Đồng Văn chia sẻ: “Hiện nhà trường vẫn đang phân công cho 3 giáo viên khác nhau đảm nhận môn Khoa học tự nhiên. Với hình thức này, giáo viên có điều kiện dạy chuyên sâu từng môn học theo đúng chuyên môn được đào tạo nhưng thời khóa biểu của trường phải thay đổi liên tục để phù hợp với chương trình và giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức”.

Cô Vừ Thị Xay, giáo viên trường THCS Đồng Văn chia sẻ: Tôi được nhà trường phân công dạy môn Lịch sử - Địa lý, trong quá trình dạy tôi cũng gặp nhiều khó khăn bởi đặc thù của 2 môn đều có nhiều điểm khác biệt. Theo tôi hiểu, tích hợp là dạy theo từng chủ đề, nội dung nào có sự trùng lặp sẽ tích hợp lại, vừa giảm tải kiến thức, vừa giúp học sinh có cái nhìn tổng thể. Lý thuyết là vậy nhưng thực tế triển khai phát sinh nhiều vấn đề khó khăn.

Một tiết học của cô và trò trường THCS Đồng Văn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.

Một tiết học của cô và trò trường THCS Đồng Văn, huyện Đồng Văn, Hà Giang.

Khó nhất là mỗi tiết học hiện nay chỉ kéo dài 45 phút, giáo viên chỉ kịp truyền thụ phần kiến thức, chưa liên hệ được phần kiến thức liên môn, kiến thức bổ trợ thì đã hết giờ. Bên cạnh đó, giáo viên còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn tài liệu tham khảo để ứng dụng trong quá trình soạn giáo án, lên lớp. Để gỡ khó trong dạy học môn tích hợp, cô Xay cho rằng, mỗi thầy cô giáo phải thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy, phải nắm rõ chương trình, mục tiêu, chuẩn đầu ra của môn học.

Cô giáo Ly Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường THCS Đồng Văn cho biết: Để gỡ khó cho việc triển khai các môn tích hợp, cần phải quan tâm đến việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Do đó, nhà trường đã xác định cụ thể lộ trình đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho giáo viên tự bồi dưỡng để có vốn tri thức rộng, khả năng vận dụng tổng hợp kiến thức các môn học liên quan.

Theo lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Đồng Văn chia sẻ: Ngay khi có chương trình dạy học tích hợp, Phòng đã tổ chức cho một số trường học trên địa bàn nghiên cứu, dạy thử để đánh giá những thuận lợi, vướng mắc khi triển chương trình vào thực tế. Nhưng từ quá trình triển khai cho thấy vấn đề lớn nhất mà Phòng GD&ĐT huyện gặp phải chính là thiếu giáo viên dạy môn tích hợp.

Để gỡ khó cho việc triển khai các môn tích hợp, phòng GD&ĐT đã tham mưu với huyện tiếp tục tuyển dụng thêm giáo viên. Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện Đồng Văn còn tổ chức các buổi sinh hoạt tổ chuyên môn cho giáo viên, để chia sẻ kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy môn tích hợp nhằm giúp các thầy cô và nhà trường tháo gỡ những khó khăn mà đơn vị mình gặp phải và có giải pháp nâng cao chất lượng cho môn học này.

Nếu thực hiện thành công việc dạy học tích hợp sẽ giúp học sinh phát huy rất tốt kỹ năng, giải quyết vấn đề thực tiễn một cách nhanh chóng, việc dạy học tích hợp cũng góp phần lược bỏ kiến thức trùng lặp ở nhiều môn, giảm tải chương trình học gây áp lực nặng nề cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu dạy và học chương trình mới như mục tiêu của ngành giáo dục đề ra thì vẫn còn rất nhiều khó khăn mà đội ngũ giáo viên và các nhà trường phải vượt qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.