Quan tâm thực chất
Đóng góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2024, nhiều đại biểu lo ngại về phân bổ nguồn lực cho hoạt động thúc đẩy khoa học công nghệ vẫn thấp. Từ đó đề nghị, cần ưu tiên ngân sách cho các chương trình khoa học công nghệ trọng điểm và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trong hệ thống trường đại học.
Đại biểu Lê Quân (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho hay, mức chi cho khoa học công nghệ năm 2023 khoảng 15 nghìn tỷ đồng. Nếu nhìn vào phân bổ vốn trung hạn trong 3 năm tới, mỗi năm nguồn lực dành cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn thấp.
Nếu muốn đạt GDP ở mức 500 tỷ đô, đầu tư cho khoa học, công nghệ ít nhất phải chiếm 0,5% con số này mới đáp ứng được yêu cầu, đại biểu Lê Quân phân tích và cho rằng, với mức đầu tư như hiện nay, ngân sách Trung ương dành cho khoa học công nghệ bị chia nhỏ cho nhiều đề tài nên khó hiệu quả. Do đó, thay vì chia ngân sách cho nhiều chương trình nên ưu tiên cho các chương trình khoa học, công nghệ trọng điểm quốc gia.
Cùng trăn trở, đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) cho rằng, Bộ GD&ĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ cần quan tâm thực chất, cụ thể hơn cho đầu tư giáo dục đại học thời gian tới; đặc biệt các lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm.
Đại biểu viện dẫn, trong báo cáo Chính phủ đề cập đến tập trung đào tạo 100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn 2025 - 2030. Để đạt mục tiêu này, cần đầu tư lớn hơn cho 2 Đại học Quốc gia, để thực sự trở thành trụ cột trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học, dẫn dắt hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo quốc gia.
Sinh viên và giảng viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong giờ thực hành. Ảnh: NTCC |
Gỡ vướng thể chế
Nêu thực tế, đại biểu Vương Quốc Thắng cho hay, hoạt động nghiên cứu khoa học tại trường đại học chưa được đánh giá đúng vai trò. Các cơ sở nghiên cứu khoa học trong trừờng đại học còn thiếu cơ chế; đặc biệt nguồn lực để phát huy hết tiềm năng vốn có của cơ sở giáo dục đại học.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu và khẩn trường đề xuất cơ chế thí điểm phát triển loại hình doanh nghiệp khoa học công nghệ tại các viện nghiên cứu, trường đại học, đặc biệt thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phát triển ở trường đại học.
Đồng thời, cần đẩy mạnh phát triển, thúc đẩy tổ chức trung gian thị trường khoa học công nghệ. Có cơ chế đột phá hơn nữa trong chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy hoạt động của thị trường khoa học công nghệ sôi động hơn. Cùng đó, cần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.
Ngoài tập trung xây dựng trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tại Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng, cần thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp ở các trường đại học, trường nghề và địa phương, nhằm tạo chuỗi liên kết trong hệ sinh thái.
Theo đó, đại biểu Vương Quốc Thắng đề xuất, đổi mới sáng tạo quốc gia cần xây dựng cơ chế thuận lợi hơn để thúc đẩy đầu tư theo mô hình hợp tác công tư giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp. Cơ chế cho phép giảng viên, nhà nghiên cứu tham gia hoạt động có thời hạn tại doanh nghiệp và doanh nghiệp trả lương nhằm xây dựng hoạt động mang lợi ích cho hai bên, trong đó có cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục đại học và doanh nghiệp.
Chính phủ cần quan tâm đặc biệt hơn và có giải pháp cụ thể, thực chất để phát huy tự chủ đại học nhằm xây dựng hệ thống các trường đại học phát triển bền vững, đóng góp vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển đội ngũ tri thức trong tình hình mới.
Tiếp nhận phản ánh nhiều cử tri là giảng viên, giáo viên đề nghị Chính phủ quan tâm đầu tư thích đáng, hiệu quả hơn cho giáo dục đại học, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho biết, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế sâu rộng, nguồn nhân lực chất lượng cao, vai trò của trường đại học càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, so với các quốc gia trong khu vực và thế giới, đầu tư công cho giáo dục đại học ở nước ta thấp. Kinh phí nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho sinh viên, giảng viên trường đại học quá ít, trong khi đó, hoạt động nghiên cứu khoa học chính là sức sống của trường đại học.
Từ thực tiễn, đại biểu đoàn TP Hà Nội đề nghị, Chính phủ rà soát, đánh giá lại, hoàn thiện khung pháp lý, quy định, văn bản liên quan hỗ trợ cho các trường đại học tự chủ; đồng thời tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, giúp các trường đại học phát triển, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao, sản phẩm khoa học công nghệ phục vụ quốc kế, dân sinh.
Với giáo dục đại học, cần đẩy mạnh tự chủ, trách nhiệm giải trình thực chất, có chiều sâu - là gợi mở của đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình). Ngoài đề xuất, tăng cường hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đại biểu kiến nghị, Chính phủ cần quan tâm đầu tư cho cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành nghề trọng điểm, không để tình trạng tự chủ, tự bơi khi nguồn lực chủ yếu là học phí.
“Tôi đề nghị nêu rõ giải pháp chiến lược tổng thể và đột phá cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhấn mạnh.
Đại biểu Lê Quân nêu ý kiến, muốn phát triển, phải thu hút nhân tài với mức lương phù hợp, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh nguồn nhân lực cao, đó là chưa nói đến những điều kiện làm việc khác. Tuy nhiên, ngân sách về cơ chế tự chủ hiện nay còn khó khăn. Trong bối cảnh đó, đại biểu đề nghị Quốc hội bố trí thêm nguồn lực trong 3 năm tới để các trường chuẩn bị đủ tâm thế cho vấn đề tự chủ tài chính.