Còn vướng mắc cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học công nghệ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 21/11, tại Trường ĐH KHTN TPHCM diễn ra hội thảo khoa học Quốc gia về đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội nghị.

Hội thảo khoa học Quốc gia giải pháp đẩy mạnh hoạt động khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học do Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh (Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực) phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức .

Số lượng công bố quốc tế tăng nhanh

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết, cách đây khoảng 10 năm, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam còn khá khiêm tốn và không có cơ sở giáo dục đại học (ĐH) nào có tên trong bảng xếp hạng thế giới. Trong khi đó, việc công bố quốc tế rất quan trọng, đây là sự đóng góp vào kho tàng tri thức của nhân loại.

Thế nhưng trong những năm qua các cơ sở giáo dục ĐH đã phát triển mạnh mẽ với số lượng công bố quốc tế, trong vòng khoảng 5 năm công bố trên các tạp chí uy tín tăng hơn 3 lần. Điều này cho thấy cộng đồng nhà khoa học Việt Nam hoàn toàn có khả năng thực hiện công bố quốc tế tốt và có nhiều tiềm năng.

“Trước đây, các viện nghiên cứu chiếm tỉ trọng tương đối lớn trong công bố quốc tế, nhưng gần đây chủ yếu từ các trường ĐH. Điều này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của các trường ĐH. Nếu có cơ chế chính sách đúng thì khả năng nghiên cứu của đội ngũ nghiên cứu trong nước sẽ hội nhập được với thế giới” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhìn nhận.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, công bố quốc tế không có nghĩa là các bài báo đều mang đi đăng ở nước ngoài. Ông cho biết hiện Bộ GD&ĐT có hỗ trợ các dự án nâng cấp các tạp chí khoa học và Trường ĐH Kinh tế TPHCM đã nâng tạp chí khoa học trong nước thành tạp chí quốc tế và vào danh mục hệ thống Scopus. Như vậy, tất cả bài báo đăng trên tạp chí này đều là bài báo quốc tế. Ngoài ra, hiện có 11 tạp chí của các trường ĐH trực thuộc Bộ GD&ĐT đã gia nhập hệ thống trích dẫn ACI.

"Với những gì mà chúng ta đã cố gắng, các trường đang thực hiện, tôi tin rằng một ngày nào đó sẽ có nhiều tạp chí trong nước tham gia vào Scopus. Khi đó, việc đăng bài báo quốc tế không phải đăng ở các tạp chí nước ngoài, mà đăng ngay trên các tạp chí uy tín của chúng ta được quốc tế thừa nhận. Ở Hàn Quốc hiện đã có trên 300 tạp chí đã vào hệ thống Scopus. Vì vậy, tôi đề nghị các trường đại học phải tích cực cho việc này" - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cũng chia sẻ về 4 nhóm kết quả đầu ra trong thực hiện hoạt động khoa học công nghệ, đặc biệt các trường trực thuộc Bộ. Câu hỏi đặt ra là làm sao đạt được kết quả đó một cách tốt nhất, hiệu quả nhất, điều này mỗi cơ sở giáo dục ĐH là không giống nhau.

"Có trường ĐH có tạp chí vào được danh mục Scopus nhưng có trường vẫn loay hoay mãi không biết làm sao. Có trường công bố quốc tế hơn 200 bài nhưng có trường vài chục bài cũng rất khó khăn. Cái này do mỗi trường tùy điều kiện, hoàn cảnh khác nhau và nỗ lực của từng trường” - Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá.

Một đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị.

Một đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị.

Dẫn chứng cho sự tăng trưởng đáng ghi nhận trên, TS Trần Nam Tú, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ GD&ĐT) cho biết trong giai đoạn 2017-2021 số sản phẩm ứng dụng của nhiệm vụ nghiên cứu các cấp được đưa vào ứng dụng, chuyển giao có hợp đồng đạt 554, số lượng sản phẩm nghiên cứu được cấp bằng sáng chế là 75, giải pháp hữu ích đạt 211 công trình.

Đáng chú ý, số sản phẩm khoa học của nhiệm vụ NCKH các cấp giai đoạn này tăng nhanh ở số lượng công bố quốc tế khi có tới 10.795 bài báo nghiên cứu đăng thuộc danh mục Wos, 7.082 bài thuộc danh mục Scopus, 5.318 bài báo quốc tế khác. Hơn 2.600 đề tài với gần 7.500 sinh viên của hơn 550 lượt trường đại học, học viện tham gia giải thưởng. Xếp hạng quốc tế của các trường thuộc Bộ GD&ĐT chiếm hơn 50%.

Cần tháo gỡ chính sách khuyến khích NCKH

Chia sẻ tại hội thảo, TS Trần Nam Tú, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ GD&ĐT nhìn nhận: Dựa theo báo cáo của các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2017-2021, qua rà soát chúng tôi thấy còn những vướng mắc trong cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động khoa học công nghệ.

Vấn đề đầu tiên được Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ GD&ĐT chỉ ra chính là việc đầu tư tài chính từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động này còn rất hạn hẹp. Với nguồn ngân sách đầu tư rất thấp, một suất đầu tư trên tổng số tính bình quân cho một thạc sĩ trở lên mỗi năm chỉ trên 10 triệu đồng/1 người từ ngân sách nhà nước. Để đảm bảo nguồn lực tài chính cho hoạt động NCKH, tính chủ động, năng động của chính các cơ sở đào tạo thời gian qua mới tạo ra được nguồn tăng thêm.

Vướng mắc tiếp theo, theo ông Trần Nam Tú chính là cơ chế huy động nguồn lực ngoài ngân sách, đặc biệt là từ doanh nghiệp chưa hiệu quả. Theo ông Tú, việc thu hút các nguồn này rất khó, cái khó không phải doanh nghiệp không đồng hành mà cái khó ở chỗ doanh nghiệp đầu tư vào thì họ có được cái gì chứ không thể đi làm từ thiện mãi. Khi đầu tư vào cần có cơ chế để doanh nghiệp có động lực tham gia sâu vào, chứ như hiện nay dù đã sửa Thông tư 12 liên quan đến việc đầu tư của doanh nghiệp nhưng vẫn còn rất nhiều vướng mắc.

“Vấn đề đáng quan tâm nữa chính là cơ chế thu hút đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục ĐH chưa hấp dẫn và hiệu quả. Nếu giả sử không có quy định về chuẩn giờ giảng, chuẩn giờ nghiên cứu khoa học quy đổi thì có lẽ kết quả nghiên cứu khoa học rất lo ngại. Điều này có phần rất lớn từ các cơ sở ĐH, đề nghị có chính sách, cơ chế tạo hành lang động lực để các thầy cô tham gia nghiên cứu” – TS Trần Nam Tú nhấn mạnh.

Từ những hạn chế trên, TS Trần Nam Tú kiến nghị các bộ, ngành cần rà soát, bổ sung xây dựng lại hệ thống một cách thường xuyên. Bởi với tốc độ phát triển hiện nay, văn bản không cập nhật rà soát sẽ lạc hậu rất nhanh không đi kịp. Tiếp theo là chính sách đãi ngộ, thu hút cho nhà khoa học.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

“Chúng ta nói rất nhiều về thu hút, nói rất nhiều về đãi ngộ. Tuy nhiên đến thời điểm này khi làm báo cáo về chính sách thu hút các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài tham gia giảng dạy nghiên cứu ở các cơ sở đào tạo của Việt Nam mới thấy gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn về làm visa, về xin phép lao động và vừa rồi các trường điện thoại trao đổi, người nước ngoài vào làm phải ra Cục việc làm Bộ LĐTB&XH xin giấy phép… Chúng ta làm chính sách đãi ngộ thu hút nhưng phải thêm một rào cản như vậy sẽ rất khó cho các trường và nhà khoa học” – TS Trần Nam Tú chia sẻ.

Bên cạnh kiến nghị trên, TS Trần Nam Tú cũng cho rằng, các cơ quan, bộ ngành cần đổi mới cơ chế quản lý ngân sách Nhà nước chi cho khoa học công nghệ, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài sản hình thành sau nghiên cứu khoa học nhằm tạo động lực các cơ sở giáo dục ĐH, doanh nghiệp.

PGS. TS Lê Văn Thăng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM nhìn nhận những vướng mắc trong hỗ trợ hoạt động NCKH, chuyển giao công nghệ hiện nay là rất nhiều. Vì theo PGS.TS Lê Văn Thăng, muốn làm được câu chuyện hoạt động khoa học và chuyển giao công nghệ, nhà trường, cán bộ khoa học phải vượt qua 8 văn bản luật của các bộ, ngành, chưa tính Nghị định và thông tư. Luật công sản, Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học công nghệ và một phần Luật Giáo dục… đụng đến đâu cũng có vướng.

“Trong luật giáo dục có quy định khá chặt chẽ về giờ giảng dạy của các trường công. Khi chúng ta quy định điều đấy chúng ta có nghĩ tới đội ngũ các thầy cô giảng dạy các môn cơ bản ít có năng lực nghiên cứu khoa học hay không. Các thầy cô càng học lên cao càng nhiều bằng cấp, càng giỏi càng chuyên sâu thì giờ giảng dạy càng ít đi chứ làm sao mà 270 giờ được? Quy định đó vẫn cần số giờ như vậy nhưng nên để các trường ĐH linh động chia sẻ qua lại hay hơn quy định cứng mức tối thiếu. Đặc biệt hơn nữa, chúng ta cho chuyển đổi giờ dạy mà không cho chuyển đổi giờ nghiên cứu ngược lại, trên thực tế chúng ta đang làm hạn chế lãng phí câu chuyện hoạt động nghiên cứu” - PGS. TS Lê Văn Thăng nói.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh kỉ niệm.

Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh kỉ niệm.

Chia sẻ với những vướng mắc trong việc đẩy mạnh hoạt động khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của các trường, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc cho biết: Hôm nay Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ nghị định quy định về các hoạt động khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Hy vọng với nghị định này khi được ban hành cùng với các văn bản Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung khác sẽ giúp cho các trường giải quyết được các vướng mắc liên quan đến ứng dụng chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Tin tiêu điểm

Hệ thống HIMARS của Ukraine sẽ được sử dụng để phóng ATACMS.

Canh bạc nguy hiểm với ATACMS

Thế giới
GD&TĐ - Theo chuyên gia quân sự kỳ cựu Nga, Andrey Koshkin, hệ thống phòng thủ nhiều tầng của Moscow luôn sẵn sàng đánh chặn mọi tên lửa, kể cả ATACMS tầm xa.

Đừng bỏ lỡ

Ảnh: Quốc Bình

Đu đủ là vừa!

GD&TĐ - Trước khi trời đổ mưa rào giao mùa Xuân sang Hạ, chị liền hối đứa nhỏ bắc ghế hái những quả đu đu đã lớn hết cỡ, vỏ ngả ương ương.
Đau đầu hay nhức đầu là tình trạng rất phổ biến, có thể gặp phải ở bất cứ nhóm tuổi nào. Ảnh minh họa: INT

Đi tìm nguyên nhân gây bệnh đau đầu

GD&TĐ - Có hai nhóm nguyên nhân chính gây đau đầu là nguyên phát và thứ phát, trong đó, đau đầu nguyên phát chiếm 90% và là cơn đau do bệnh lý cụ thể gây ra.
Sóng nước biển Đông. Ảnh: Bình Thanh

Gửi tới Trường Sa

GD&TĐ - Trong những ngày đầu tháng Tư, mẹ bắt đầu chuyến công tác xa nhà dài ngày, nửa tháng trước, mẹ đã thông báo tới chúng con đôi điều về chuyến công tác.
Minh họa/INT

Tuyến yên và bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Tuyến yên là tuyến rất nhỏ, nằm ở vị trí kín đáo và được bảo vệ rất cẩn thận trong hộp sọ chắc chắn.