Youtube là một "phần thưởng"
Có mức thu nhập trung bình khoảng 220.000 USD/tháng (khoảng 5,09 tỷ đồng/tháng), tổng tài sản năm 2019 đạt khoảng 1,6 triệu USD (tương đương 37 tỷ đồng), Christopher Graham Stephan hoàn toàn đủ khả năng để sống một cuộc sống xa xỉ với những chiếc siêu xe hạng sang, thưởng thức các bữa ăn trong nhà hàng sang trọng.
Thế nhưng chàng trai sở hữu kênh Youtube với 1,5 triệu người theo dõi này lại khắt khe với từng đồng tiền của mình.
Stephan từng đặt mục tiêu trở thành triệu phú năm 30 tuổi nhưng thành công đã đến sớm hơn. Tài sản ròng của anh cán mốc 1 triệu USD khi anh chàng này mới 26 tuổi.
Chia sẻ trong chương trình The Financial Confessions, Stephan cho biết anh đã không học đại học và có kết quả học tập khá tệ.
"Đúng ra tôi đã không thể thành công theo “công thức” thông thường. Nhờ làm việc chăm chỉ và dành dụm hết mức có thể, nghiêm túc trong đầu tư, tôi đã làm được điều đó".
Hành trình trở thành triệu phú của Stephan bắt đầu từ năm 2008, khi anh nhận được giấy phép kinh doanh bất động sản và bắt đầu làm việc cho một đại lý.
Tuy nhiên, tiền hoa hồng anh kiếm được không ổn định và chẳng thể biết bao giờ sẽ có khoản tiếp theo. Trong khoảng thời gian này, anh đã rất tiết kiệm để có thể dành dụm được một khoản kha khá vào năm 2011 cho kế hoạch mới.
Anh mua lại những căn nhà bị tịch thu với giá rẻ, thuê người sửa chữa lại rồi cho thuê để kiếm thêm thu nhập. Căn nhà đầu tiên anh mua có giá 59.500 USD.
Sau khi chi thêm 12.000 USD cho việc tu sửa, căn nhà đem lại cho Stephan 1.200 USD/tháng tiền thuê nhà trong suốt 7 năm và giờ căn nhà đó hiện có giá trị từ 250.000 đến 300.000 USD. Tổng cộng, lượng bất động sản anh bán được tương ứng hơn 125 triệu USD.
Stephan làm video đầu tiên hướng dẫn về cách kiếm tiền bằng nghề môi giới, tự quay bằng chiếc điện thoại Iphone của mình.
"Tôi luôn muốn làm video YouTube. Tôi tạo video về thẻ tín dụng, tài chính cá nhân, đầu tư và tiết kiệm tiền, chủ yếu là nói về những thứ mà bạn bè tôi không mấy quan tâm. Tôi độc thoại trước máy ảnh và dành cho những người dùng khác trên internet muốn nghe chuyện của tôi”.
Việc làm video là một trải nghiệm rất thú vị với Stephan lúc bấy giờ. Anh chia sẻ, khi video có khoảng 10 lượt xem, anh đã ồ lên ngạc nhiên: "Ôi chúa ôi, 9 người ở đâu đó đã xem video của mình. Và tôi bắt đầu làm thêm vài video".
Từ nguồn thu vài xu mỗi ngày trong những ngày đầu, theo CNBC, Stephan hiện kiếm được trung bình 90.684 USD/tháng từ YouTube, giúp anh đạt được thu nhập 1,09 triệu USD/năm. Thời điểm hiện tại, kênh YouTube của Stephan có hơn 1,5 triệu người đăng ký.
Có được nguồn thu đáng mơ ước từ Youtube song Stephan luôn coi đó như một "phần thưởng", một nguồn thu nhập thêm và không phụ thuộc vào nó.
"Nếu Youtube biến mất vào ngày mai, tôi sẽ thất vọng, nói thật lòng là vậy. Xét về góc độ tiền bạc, tôi không dám phụ thuộc vào nguồn thu nhập này", Stephan chia sẻ.
Chàng trai này cho biết nếu một ngày không còn lượt theo dõi trên Youtube, anh sẽ quay về với công việc những năm 18 tuổi là kinh doanh bất động sản.
“Tôi thích tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ”
Đủ khả năng để chi trả cho những thứ xa xỉ song người đàn ông này lại cẩn trọng với từng đồng tiền chi ra.
Anh nói: "Tôi tiết kiệm tất cả tiền của mình, nhiều hết mức có thể, tới 99%. Sau đó, tôi sẽ dành dụm và cố gắng mua bất động sản với số tiền ấy. Với tôi đây giống như một thử thách vậy. Tôi cảm thấy rất phấn khích khi không chi tiêu. Thậm chí tôi cũng không biết tại sao tâm trí mình lại kì lạ như vậy".
Stephan chia sẻ, có 2 cách anh luôn làm để tiết kiệm tiền tự pha cà phê ở nhà và không mua sắm quần áo hàng hiệu.
“Tôi nghĩ rằng việc uống cà phê tại Starbucks, Coffee Bean hay rất nhiều nơi khác là điều rất phí phạm. Tôi tự pha cà phê ở nhà và như thế, mỗi ly cà phê chỉ có giá vỏn vẹn 20 cent”.
Không chỉ tự pha cà phê bằng máy ở nhà, chàng trai này còn tìm đến các cửa hàng bán hạt cà phê rẻ bằng một nửa các cửa hàng tạp hóa khác.
“Vì sao tôi phải chi tới 700 USD cho một đôi giày Gucci trong khi tôi có thể đến Aldo, Call It Spring hay H&M để mua những đôi giày trông giống hệt như thế với giá chỉ bằng 1%”, Graham Stephan cho hay.
Lời khuyên được đưa ra là nên hạn chế việc mua sắm không cần thiết và suy tính lâu dài trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Khi đứng trước một đôi giày có giá 100 USD, Stephan sẽ nghĩ về những gì 100 USD đó có thể mang lại nếu anh đầu tư trong 20 năm với lợi nhuận thị trường là 8%.
"Tôi sẽ cân nhắc liệu mình muốn có số tiền X trong 20 năm hơn hay là đôi giày kia ngay bây giờ? Tất nhiên thỉnh thoảng, tôi cũng muốn có một đôi giày mới nhưng phần lớn, tôi muốn có số tiền tiềm năng trong tương lai hơn".
Trong các khoản chi tiêu hàng ngày, Graham Stephan còn tiết kiệm bằng cách chia tiền với bạn gái khi đi ăn thay vì trả hết cho cả hai. Anh thừa nhận cách tiết kiệm của bản thân hơi cực đoan nhưng anh tự hào về điều đó.
"Để trở thành triệu phú, bạn không nhất thiết phải tiết kiệm chi phí mỗi khi mua sắm hay làm việc 12 giờ một ngày nhưng nhất định bạn phải suy nghĩ khác người. Tất nhiên những gì tôi đang làm chưa chắc hiệu quả với người khác. Tôi không cho rằng có một cách tiếp cận nào phù hợp với tất cả mọi người, song bạn cần phải suy nghĩ sáng tạo và làm điều gì khác biệt với những gì mà mọi người đang làm”, Graham Stephan tâm sự.
Mặc dù, tiền đi uống cà phê có vẻ nhỏ bé so với thu nhập nhưng Stephan nói rằng toàn bộ triết lý của anh thực sự chỉ đơn giản xoay quanh những lựa chọn.
"Đối với tôi, càng tiết kiệm được nhiều tiền thì nó càng mang lại nhiều khả năng lựa chọn cho tôi và nếu có thể cắt giảm những thứ không quan trọng như cà phê và dành nhiều hơn cho những việc quan trọng thì tôi sẽ rất vui sướng".
Sai lầm lớn nhất về tiền bạc
Trở thành triệu phú khi rất trẻ tuổi song Stephan cũng giống như nhiều người khác, không tránh khỏi những sai lầm về tài chính. Theo anh chia sẻ, nếu có thể quay ngược về quá khứ và làm lại, Stephan sẽ mở một thẻ tín dụng khi 18 tuổi. Điều này sẽ giúp anh xây dựng lịch sử tín dụng từ sớm.
Stephan kể lại, khi anh muốn mua bất động sản đầu tiên vào đầu những năm 20 tuổi, “ngay cả khi tôi có tiền tiết kiệm và thu nhập, vẫn không ngân hàng nào muốn cho tôi vay vì tôi không có lịch sử tín dụng”.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất để vay thế chấp chính là điểm tín dụng của bạn. Đó là một chỉ số tốt thể hiện khả năng trả nợ của bạn. Những người có lịch sử tín dụng tốt thường sẽ được nhận mức lãi suất ưu đãi hơn.
Tất nhiên, việc không có điểm tín dụng không thể cản bước tiến của Stephan. Anh có đủ tiền tiết kiệm để mua 3 tài sản đầu tiên của mình bằng tiền mặt và không sử dụng tới bất kỳ khoản vay nào. Tuy nhiên, việc không làm thẻ tín dụng sớm khiến anh không thể đầu tư vào nhiều bất động sản hơn.
“Tôi đã mua tất cả những gì có thể. Bất động sản đầu tiên của tôi trị giá 59.500 USD. Tuy nhiên, lý tưởng nhất là khi bạn có thể dùng các khoản vay và chỉ bỏ ra 35-50% cho mỗi căn. Như vậy thay vì mua 3 căn, tôi có thể đầu tư vào 6 căn nhà...”, Stephan chia sẻ.
Hiện tại, Stephan có 12 thẻ tín dụng và sở hữu 6 bất động sản, thu nhập từ việc cho thuê là 15.105 USD/tháng. Sau khi thanh toán các chi phí, bao gồm 3 khoản thế chấp, thuế tài sản và bảo hiểm, anh thu về khoảng 5.000 USD/tháng tiền lãi.
Nhiều tỷ phú, triệu phú khác cũng từng đưa ra quan điểm giống Stephan về việc khuyến khích những người trẻ tuổi mở thẻ tín dụng sớm như một phương tiện để thiết lập tín dụng. Điều này có thể giúp bạn xây dựng điểm tín dụng của mình thông qua việc thanh toán hóa đơn thẻ tín dụng đúng hạn và thanh toán hết các thẻ đó mỗi tháng.