20 trường hợp chưa tiêm vắc-xin
Ngày 10/11, TPHCM ghi nhận 38 ca tử vong, trong đó có 3 trường hợp do các bệnh viện các tỉnh chuyển đến, bao gồm: Long An (1), Sóc Trăng (1), Bạc Liêu (1). Phân tích số liệu tử vong tại bệnh viện trong ngày cho thấy, số ca tử vong do Covid-19 kèm mắc bệnh nền là 34 ca.
Qua phân tích các ca tử vong, 20 ca chưa có tiền sử tiêm vắc-xin Covid-19, 2 ca tiêm 1 mũi và 10 ca tiêm 2 mũi. Số ca tử vong từ 18 đến 50 tuổi là 2 ca. Số ca tử vong từ 51 đến 65 tuổi là 15 ca, số ca trên 65 tuổi là 21 ca. Không có trường hợp tử vong là trẻ em.
Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - cho biết, hầu hết trong số 38 trường hợp tử vong là người lớn tuổi và mắc bệnh nền. Trong đó, có 20 trường hợp chưa được tiêm vắc-xin. Hai trường hợp đã được tiêm 1 mũi vắc-xin và 10 trường hợp đã tiêm đủ hai mũi, nhưng có bệnh nền và trên 50 tuổi.
“Như vậy, nhóm nguy cơ cao hiện nay của thành phố là những người cao tuổi, người mắc bệnh lý nền, đặc biệt là trường hợp có bệnh nền lâu năm. Có thể thấy, người đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 có tỷ lệ chuyển nặng và tử vong sẽ thấp hơn, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc đã tiêm vắc-xin là không sao”, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết.
Nhận định về vấn đề này, Giáo sư Y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) cho rằng, thay vì nói 26% những ca tử vong là người đã tiêm vắc-xin, có thể nêu: “3/4 những ca tử vong là người chưa tiêm vắc-xin”.
Chuyên gia này phân tích, đa số cư dân TPHCM 18 tuổi trở lên đã được tiêm vắc-xin. Tính đến cuối tháng 10, có 98,6% dân số trên 18 tuổi đã được tiêm 1 hay 2 liều vắc-xin. Nếu cho dân số trên 18 tuổi là N, có thể nói rằng: 0,986N đã tiêm vắc-xin và 0,014N chưa tiêm vắc-xin.
“Gọi tổng số ca tử vong là k. Số liệu của Sở Y tế cho biết trong số này có 0,26k đã tiêm vắc-xin và 0,74k chưa tiêm vắc-xin. Như vậy, xác suất tử vong ở nhóm tiêm vắc-xin là 0,26k/0,986N, ở nhóm chưa tiêm là 0,74k/0,014N”, Giáo sư Tuấn nêu.
Kết quả cho thấy, xác suất tử vong ở nhóm tiêm vắc-xin bằng 0,005 nhóm chưa chủng ngừa.
Cẩn trọng khi hòa nhập
Trước đó, bác sĩ Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TPHCM - cho biết, trong 100 người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19, sẽ không bao giờ có được 100 người không nhiễm bệnh. Tùy loại vắc-xin mà có thể có trên dưới 20 người mắc bệnh, nhưng không nặng. Nếu những người này mắc bệnh và chữa hết thì họ sẽ có miễn dịch.
100 người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19 thì có trên dưới 80 người đủ miễn dịch để không mắc bệnh hoặc bệnh quá nhẹ mà không biết. Những người mắc bệnh nhẹ sẽ càng tăng thêm miễn dịch. Tuy nhiên, thời gian xa dần sau mũi 2, họ có thể dễ mắc bệnh hơn giai đoạn đầu.
Như vậy, sau khi tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Covid-19, người dân nên hòa nhập càng sớm càng tốt để tăng thêm người có miễn dịch và miễn dịch cộng đồng bền vững. Điều quan trọng là điều trị tốt những ca bệnh nghiêm trọng, đặc biệt là người đã chủng ngừa đủ nhưng vẫn nặng.
Theo bác sĩ Khanh, không nên quá quan tâm đến số ca F0 tại các tỉnh, thành. Điều cần thiết hiện nay là tiêm đủ 2 mũi vắc-xin. Về vấn đề người chủng ngừa đủ vẫn có thể mắc Covid-19 nặng, bác sĩ Khanh nhận định, những trường hợp này ít hơn nhiều so với các ca bệnh là người chưa phủ đủ 2 mũi vắc-xin.
Ngoài ra, đa số ca mắc bệnh nặng là người lớn tuổi và có bệnh nền. Do đó, người dân cần nhanh chóng chủng ngừa đủ, có thể tiêm trộn.
“Nếu là người nguy cơ hay có người nhà nguy cơ, nên cẩn thận khi hòa nhập. Tiếp cận sớm với y tế nếu là F0 nguy cơ dù đã chích 2 mũi, đặc biệt xin uống Molnupiravir”, chuyên gia này khuyến cáo.