Đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng Covid-19, vì sao vẫn có nguy cơ tử vong khi nhiễm bệnh?

GD&TĐ - Những người có hệ miễn dịch suy yếu, đặc biệt là mắc các bệnh nền liên quan đến hệ miễn dịch sẽ có nguy cơ nhiễm đột phá.

Các chuyên gia khuyến cáo việc cân nhắc tiêm mũi 3 để phòng Covid-19.
Các chuyên gia khuyến cáo việc cân nhắc tiêm mũi 3 để phòng Covid-19.

Nhiễm đột phá cũng xảy ra khi virus đột biến thành các biến thể mới và vắc-xin không ngăn được.

Yếu tố gây nhiễm đột phá

Việc tăng độ bao phủ vắc-xin đã mở ra hy vọng kiểm soát đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thực tế, vẫn có những ca nhiễm và thậm chí là tử vong do Covid-19, dù đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin.

Giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn - Đại học New South Wales (Australia) cho biết, vắc-xin phòng Covid-19 không có hiệu năng ngăn ngừa 100% mắc bệnh. Chuyên gia này lý giải, hiệu quả vắc-xin được tính bằng cách lấy xác suất nhiễm ở nhóm được tiêm vắc-xin chia cho xác suất nhiễm ở nhóm không được tiêm chủng. Do đó, khái niệm “hiệu quả vắc-xin” có ý nghĩa cho một quần thể, thay vì cá nhân.

“Cá nhân vẫn có thể bị nhiễm sau khi tiêm vắc-xin, nhưng nguy cơ/xác suất thì khác nhau giữa các cá nhân tuỳ thuộc vào yếu tố nguy cơ”, GS Tuấn giải thích.

Ông dẫn chứng, tại Australia, tiểu bang New South Wales là nơi có tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cao nhất (hơn 80%). Từ tháng 3 đến giữa tháng 9, có 317 người mắc Covid-19 sau khi tiêm đủ 2 liều vắc-xin.

Tình trạng này gọi là “nhiễm đột phá”. Trong khi đó, số liệu từ Do Thái cho thấy, trong số 1.497 nhân viên y tế được tiêm 2 liều vắc-xin phòng Covid-19, có 39 người mắc bệnh và tỉ lệ là 2,6%.

“Có thể nói, nguy cơ nhiễm đột phá là khá cao, nhưng cần phải chú ý rằng, đây là những người có nguy cơ cao (họ là bác sĩ, y tá). Người ngoài ngành y, xác suất nhiễm thấp hơn nhiều. Tất cả những người bị nhiễm đều nhẹ và bình phục sau đó, không ai phải nhập viện”, GS Tuấn chia sẻ.

Chuyên gia dẫn chứng, Cục thống kê Anh (ONS) phân tích dữ liệu từ 2/1 - 2/7 ở những người đã được tiêm chủng Covid-19. Trong 6 tháng, Anh ghi nhận 51.281 ca tử vong liên quan đến Covid-19. Trong số này có 640 người (1,2%) được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ.

Trong khi đó, tỷ lệ tử vong liên quan đến Covid-19 ở người được tiêm 2 liều vắc-xin (trong vòng 21 ngày sau khi tiêm chủng) là 1,6%. Tỷ lệ này ở người không tiêm vắc-xin là 37,4%. Ngoài ra, tuổi trung bình ở những người tử vong liên quan đến Covid-19 là 82 - 84. Hầu hết trường hợp này có bệnh nền.

Do đó, GS Nguyễn Văn Tuấn nhận định, người tiêm vắc-xin phòng Covid-19 đầy đủ vẫn có thể bị nhiễm. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong thấp. Lý giải về lý do một số trường hợp nhiễm đột phá, chuyên gia này cho biết, có 4 yếu tố.

Trước hết, những người hệ miễn dịch suy yếu, đặc biệt là mắc các bệnh nền liên quan đến hệ miễn dịch sẽ có nguy cơ. Trường hợp khác là do virus đột biến thành các biến thể mới và vắc-xin không ngăn được.

“Thứ ba là loại vắc-xin được tiêm, vì hiệu quả rất khác nhau giữa Pfizer và Johnson & Johnson hay AstraZeneca. Sau cùng là thời gian sau khi tiêm, thời gian càng lâu thì nguy cơ càng tăng. Do đó, dù đã tiêm vắc-xin, chúng ta vẫn phải thực hành giãn cách xã hội và có những biện pháp giảm lây nhiễm ở nơi đông người”, chuyên gia khuyến cáo.

Tạo “bong bóng bảo vệ”

Trong khi đó, theo TS.BS Trần Nam Trung - chuyên gia Dịch tễ học hiện làm việc tại Maryland (Mỹ), người cao tuổi mắc bệnh nền có nguy cơ diễn biến nặng nếu nhiễm Covid-19.

Chuyên gia khuyến cáo, cách bảo vệ nhóm này là tăng cường tiêm vắc-xin cho những người xung quanh. Từ đó, tạo thành một “bong bóng bảo vệ”, giảm tối đa khả năng phơi nhiễm Covid-19.

“Ở Việt Nam, để bảo vệ những người già nhiều bệnh nền, vừa phải tiêm vắc-xin đầy đủ cho họ, vừa phải ưu tiên tiêm cho người nhà, người chăm sóc, những người có thể tiếp xúc với họ, kể cả trẻ em. Ngoài vắc-xin, các biện pháp vệ sinh, khẩu trang, khoảng cách… cũng rất quan trọng”, TS Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia dẫn chứng, có không ít bằng chứng cho thấy, các vắc-xin phòng Covid-19 giảm hiệu quả bảo vệ theo thời gian.

“Ở Việt Nam, tuy đang mở rộng tiêm mũi 1 và một bộ phận quần chúng được tiêm mũi 2, chúng ta phải tính toán tới nguồn vắc- xin cho mũi 3 trong tương lai gần”, TS Trung nhận định.

Chuyên gia này khuyến cáo, việc đảm bảo đủ vắc-xin mũi 3 ở người cao tuổi/ bệnh nền và người dùng các vắc-xin có hiệu lực kém là cần thiết hơn nhóm 3 - 11 tuổi. Ngoài ra, một cách khác giúp bảo vệ những người có bệnh suy giảm miễn dịch là dùng các kháng thể đơn dòng.

Theo chuyên gia, khi cơ thể không tự tạo ra kháng thể, các thuốc này đưa luôn kháng thể chế tạo sẵn vào người giúp chống lại Covid-19. Các kháng thể này có thể tồn tại được 6 tháng đến 1 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Myanmar tìm cách gia nhập BRICS

Myanmar tìm cách gia nhập BRICS

GD&TĐ - Myanmar mong muốn hợp tác với BRICS và sẽ nỗ lực hết sức để gia nhập khối này, theo phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Myanmar Than Swe.