Vì sao các ca tử vong do Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh giảm mạnh?

GD&TĐ - Tại buổi làm việc giữa đoàn công tác Bộ Y tế với lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, đợt ứng phó với dịch Covid-19 bùng phát ở TP Hồ Chí Minh cơ bản thành công bước đầu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Từ ngày 1/10, TP Hồ Chí Minh chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với Covid-19.

Từ sau ngày 15/10, Bộ Y tế quyết định rút dần lực lượng chi viện của Trung ương và các địa phương khỏi TP Hồ Chí Minh.

Thứ trưởng Sơn chỉ đạo, trong tình hình mới, số lượng ca mắc ở TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức 1.000 F0 mỗi ngày, ca tử vong giảm đáng kể từ hàng trăm xuống còn vài chục. Do đó, thành phố cần tái cơ cấu hệ thống y tế phù hợp tình hình mới, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, tập trung theo dõi, phát hiện dịch, xử lý và khoanh vùng dịch.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, dịch Covid-19 để lại nhiều bài học kinh nghiệm, không chỉ ngành y tế mà trong công tác quản lý, hỗ trợ.

Dù trên tâm thế sẵn sàng, chúng ta vẫn có những bối rối lúc đầu, sau đó xốc lại nhanh để đưa đến trạng thái ổn định của TP Hồ Chí Minh. Hiện tại, ngành y tế cần tiếp tục phát huy bài học kinh nghiệm qua đợt dịch này, không lơ là chủ quan trong tình hình mới.

Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh, quan điểm của Bộ Y tế là các cơ sở điều trị Covid-19 phải sẵn sàng, bởi chúng ta không thể đưa đến trạng thái zero Covid-19 khi mà bệnh nhân Covid-19 vẫn còn. Do đó, nâng cao tinh thần sẵn sàng phòng, chống dịch tại cơ sở y tế rất quan trọng.

Theo thống kê của Bộ Y tế, số ca mắc mới và nhập viện tại TP Hồ Chí Minh đang trong xu hướng giảm, dù vẫn ở mức cao, riêng số ca tử vong đã giảm mạnh khi so sánh giữa tháng 8 và tháng 10/2021.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, thời điểm giữa tháng 8, khi số ca tử vong cao, có thời điểm lên tới 340 ca/ngày chỉ riêng ở TP Hồ Chí Minh, ông có lúc tưởng là "bất lực". Ông đã đến các bệnh viện hồi sức bệnh nhân Covid-19 và nhiều nơi để tìm nguyên nhân.

Hiện tại, số ca tử vong chung cả nước đã giảm về mức 2 con số/ngày, riêng tại TP Hồ Chí Minh những ngày gần đây ở mức dưới 50 ca/ngày, là mức giảm đáng kể so với tháng 8.

Về nguyên nhân, Thứ trưởng Sơn cho rằng việc xây dựng mô hình "bệnh viện chị em", giữa 3 tuyến trong tháp điều trị 3 tầng có sự phối hợp để chuyển sớm bệnh nhân nặng lên tuyến trên, bệnh nhân nhẹ xuống tuyến dưới.

Bên cạnh đó là quyết định cách ly F0 tại nhà, và trường hợp dương tính được phát hiện qua test nhanh, xét nghiệm mẫu gộp cũng được coi như F0 test PCR để điều trị từ sớm. "Đây là quyết định táo bạo", ông Sơn cho biết.

Tính đến ngày 21/10, cả nước ghi nhận 21.487 ca tử vong do Covid-19, riêng TP Hồ Chí Minh là 16.420, chiếm tỉ lệ gần 80%. Trong khi số ca mắc Covid-19 của TP Hồ Chí Minh bằng 1/2 cả nước (422.000 ca tính đến ngày 21/10), tỉ lệ tử vong kể trên là rất cao.

Việc giảm được tỉ lệ tử vong tại TP Hồ Chí Minh là yếu tố quan trọng để giảm tỉ lệ tử vong chung của cả nước, và giảm tỉ lệ tử vong cũng là yếu tố quan trọng khi chuyển sang chiến lược phòng chống dịch mới là thích ứng an toàn với dịch.

Hiện tỉ lệ tử vong tại TP Hồ Chí Minh đã giảm hơn, nhưng số ca bệnh phải nhập viện hằng ngày còn khá cao. Số bệnh nhân nặng đang phải thở máy, hỗ trợ thở oxy... vẫn lên tới hàng ngàn bệnh nhân. Giảm bệnh nhân nặng mới giảm tiếp được số ca tử vong.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.