Ông Nguyễn Ngọc Ân – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam: Thầy - trò cùng thay đổi
Để xây dựng trường học hạnh phúc, hãy bắt đầu từ những điều giản dị nhất, mà ở đó, hiệu trưởng và tất cả giáo viên, học sinh phải thay đổi để tạo ra môi trường hạnh phúc, giúp học sinh có cơ hội được sáng tạo, phát triển và thành công trong học tập, cũng như cuộc sống. Đó có thể là một nụ cười ấm áp, cử chỉ quan tâm, chia sẻ, hay ánh mắt trìu mến bao dung, lắng nghe tích cực và những phản hồi mang tính xây dựng…
Giáo viên thay đổi để có hạnh phúc. Khi giáo viên hạnh phúc, học sinh sẽ hạnh phúc, cùng sáng tạo. Và chỉ có sáng tạo, giáo viên mới có thể phát triển năng lực nghề nghiệp, học sinh mới phát triển được phẩm chất và năng lực cá nhân.
Bản chất của nghề dạy học là luôn đổi mới để hấp dẫn người học. Giáo viên, bao giờ cũng muốn tìm đến phương thức tốt nhất cho công việc giảng dạy và giáo dục học sinh của mình. Con đường đó chính là quá trình đổi mới, sáng tạo.
Theo đó, trong quá trình giảng dạy và giáo dục học sinh, giáo viên cần duy trì được cảm xúc tích cực, biết cách chuyển hóa những cảm xúc tiêu cực; đồng thời cần có kỹ năng cần thiết để thúc đẩy quá trình hợp tác tốt đẹp giữa người dạy với người học.
Ngoài ra, giáo viên cần biết sử dụng các biện pháp kỷ luật tích cực. Đó là quá trình tạo ra môi trường học tập có nền nếp, giúp học sinh trở thành những công dân sống, học tập và làm việc có kỷ luật. Đặc biệt, thầy cô cần hạn chế và tiến đến chấm dứt các biện pháp kỷ luật làm tổn thương đến thể xác cũng như tinh thần của học sinh.
Đăc biệt, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có định hướng rõ ràng về năng lực chung và những năng lực chuyên biệt mà học sinh cần đạt. Đối với mỗi môn học, giáo viên vừa phải bảo đảm hình thành năng lực chung cho học sinh, vừa phải kích hoạt và nuôi dưỡng năng lực chuyên biệt đối với môn học của mình. Điều này đòi hỏi không chỉ dựa vào bài kiểm tra lý thuyết thuần túy, mà giáo viên phải đa dạng hóa cách thức đánh giá như: Đánh giá qua theo dõi quá trình; hồ sơ và đánh giá tổng kết. Kết quả cuối cùng của đánh giá là, thông tin để thay đổi, từ đó điều chỉnh cách thức dạy - học của thầy và trò.
TS Ngô Xuân Hiếu - Phó Trưởng bộ môn Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội: Không cần “đao to, búa lớn”
Xây dựng trường học hạnh phúc không phải một sớm, một chiều và càng không nên làm cho xong. Xây dựng trường học hạnh phúc là cả một quá trình, từng bước và không nóng vội. Song cũng cần có tiêu chí phù hợp và kiên trì, từng bước thực hiện các tiêu chí đó. Các tiêu chí cũng không cần “đao to, búa lớn” và cũng không quá phụ thuộc vào kinh tế. Hãy bắt đầu từ những điều giản dị, từ nội lực của nhà trường, phù hợp với thực tiễn.
Thực tế, nhiều trường vùng cao, dù còn không ít khó khăn, song tại những ngôi trường này, ý thức đổi mới giáo dục, xây dựng trường học vì học sinh đã được thể hiện rõ nét trong từng hành động, việc làm.
Tôi lấy ví dụ, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang). Đây là trường vùng cao khó khăn, điều kiện địa lý phức tạp, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc Mông. Nhưng nhà trường đã xây dựng được cơ sở hạ tầng, trường lớp khang trang. Từ phòng học, phòng ăn của học sinh bán trú, sân trường… đều sạch sẽ gọn gàng. Qua đó, thể hiện sự quan tâm, chăm lo tận tình của đội ngũ cán bộ giáo viên và nhân viên nhà trường.
Nhà trường cũng có các mô hình, cách làm hay để thu hút học sinh như: Xây dựng thư viện xanh ngoài trời phục vụ đọc sách, trang trí khuôn viên ghế đá, các vị trí thuận tiện dễ tìm, dễ đọc. Cùng với đó, giáo viên tích cực sưu tầm và trưng bày góc văn hóa truyền thống, xây dựng lò đốt rác để bảo vệ môi trường… Học sinh được quan tâm, tạo điều kiện và trở thành trung tâm của sự đổi mới giáo dục.
Hiện nay, do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều địa phương đang dạy - học trực tuyến. Giáo viên, nhà trường cũng có thể xây dựng lớp học online hạnh phúc và trường học trực tuyến hạnh phúc. Theo đó, giáo viên và nhà trường có thể áp dụng các tiêu chí như: Duy trì bầu không khí học tập, lao động ấm áp và thân thiện.
Giáo viên có thể giao bài tập vừa sức cho học sinh, không nên coi môn dạy của mình là quan trọng nhất, rồi giao thật nhiều bài cho trò… Ngoài ra, nội dung học tập hữu ích, hấp dẫn và lôi cuốn. Đặc biệt, giáo viên phải chuẩn bị kỹ giáo án phù hợp với năng lực của học sinh…
Cô Lưu Thị Lập – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội): Truyền cảm hứng cho học trò
Trên hành trình xây dựng Trường THPT Hoàng Cầu là trường học hạnh phúc, chúng tôi tự hào khi có những thầy giáo, cô giáo tận tụy với nghề, tận tâm với học trò. Các thầy, cô giáo đã không ngừng thay đổi bản thân để mang đến những giờ học hạnh phúc nhất cho học sinh.
Để có được những giờ học hạnh phúc, các thầy, cô giáo đã nghị lực và quyết tâm thay đổi thói quen của mình. Trên hết, là tình yêu cháy bỏng với nghề, tình thương vô bờ bến với học trò… Đó còn là những ngày thầy, cô miệt mài ở trường kèm cặp cho học sinh đến tối muộn, là khi cơn sốt ập đến nhưng không lỡ nghỉ dạy, đôi khi còn là cả những giọt nước mắt lặng lẽ rơi vì thương hoàn cảnh của học trò...
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đặt ra những yêu cầu mới với mỗi giáo viên. Theo đó, giáo viên phải biết truyền cảm hứng để mang đến cho học trò những giờ học hạnh phúc. Người thầy trên bục giảng là một nhà giáo dục chuyên nghiệp, mang đến cho học sinh một không gian học tập an toàn, vui vẻ và gần gũi. Đồng thời, là người truyền cảm hứng cho học trò khám phá tri thức, rèn luyện kỹ năng và xây dựng thái độ học tập tích cực; là người biết tôn trọng sự khác biệt và điểm xuất phát khác nhau ở mỗi cá nhân.