Thanh Hóa thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo bằng nhiều giải pháp

GD&TĐ - Năm học 2022-2023, tỉnh Thanh Hóa đưa ra các giải pháp, đồng thời kiến nghị Bộ, ngành Trung ương nhiều vấn đề để phát triển ngành giáo dục. 

Cô và trò Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) trong giờ học.
Cô và trò Trường Tiểu học và THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) trong giờ học.

Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trả lời phỏng vấn của Báo GD&TĐ về những thuận lợi, khó khăn trong nhiệm vụ GD&ĐT.

-Xin ông cho biết những thuận lợi, khó khăn của Thanh Hóa hiện nay trong việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo?

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

- Trong những năm qua, quy mô hệ thống mạng lưới trường, lớp được sắp xếp cơ bản ổn định. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng kiên cố, trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ cán bộ, giáo viên (GV) được phát triển toàn diện (tỷ lệ đạt chuẩn trở lên là 92,5%, trong đó có trình độ trên chuẩn đạt tỷ lệ 31,4%).

Chất lượng giáo dục (GD) mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục được duy trì trong tốp đầu cả nước về thành tích thi học sinh (HS) giỏi quốc gia, Olympic quốc tế và khu vực. Chất lượng GD đại trà có chuyển biến tích cực (kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tỉnh Thanh Hóa xếp ở vị trí thứ 27/63 tỉnh, thành phố, tăng 5 bậc so với năm 2021).

Công tác phổ cập GD ở các cấp học, bậc học được giữ vững. Trong đó, 100% xã, phường, thị trấn của 27 huyện, thị xã, thành phố đạt phổ cập GD mầm non trẻ em 5 tuổi. Phổ cập GD tiểu học đạt mức độ 3 (là tỉnh thứ 15 của cả nước đạt mức độ 3, mức độ cao nhất hiện nay). Phổ cập GD trung học cơ sở đạt mức độ 2 (là tỉnh thứ 12 đạt chuẩn mức độ 2).

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thì ngành GD Thanh Hóa cũng có nhiều khó khăn. Bởi, là tỉnh đất rộng, người đông, địa hình phức tạp, nhiều xã vùng cao miền núi, khu vực biên giới, bãi ngang. Điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, bình quân thu nhập của người dân còn ở mức trung bình cả nước. Cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học mặc dù được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học 2 buổi/ngày cũng như thực hiện đổi mới Chương trình GDPT 2018.

Đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên vẫn còn thiếu nhiều. Đặc biệt, theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, từ năm 2022-2023, các môn tiếng Anh, Tin học trở thành môn học bắt buộc ở cấp tiểu học được dạy từ lớp 3. Các môn Âm nhạc, Mỹ thuật là môn lựa chọn ở cấp THPT được dạy từ lớp 10.

Ông Đầu Thanh Tùng (người đi đầu) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Ông Đầu Thanh Tùng (người đi đầu) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đi kiểm tra tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Do đó, việc chuẩn bị đội ngũ GV gặp nhiều khó khăn ở tất cả các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Nếu so với định mức quy định của tỉnh, nhu cầu còn thiếu 85 GV môn tiếng Anh; thiếu 317 GV môn Tin học cấp tiểu học; thiếu 60 GV môn Âm nhạc và 60 GV môn Mỹ thuật cấp THPT.

"Việc kiểm tra, đánh giá trong các nhà trường THPT gặp khó khăn, do phương án tuyển sinh của các trường đại học hiện chưa thật cụ thể đối với HS học Chương trình phổ thông 2018.

Cơ chế chính sách còn có những bất cập, số HS hưởng chế độ chính sách giảm sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg và Quyết định 612/QĐ-UBDT có hiệu lực, dẫn đến nhiều HS dân tộc thiểu số và khu vực miền núi không còn được hưởng chính sách".

Bên cạnh đó, việc mua sắm trang thiết bị Chương trình GDPT mới lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 gặp nhiều khó khăn, do Bộ GD&ĐT chỉ ban hành danh mục thiết bị, mà không có khung giá thiết bị. Điều này, dẫn đến tiến độ mua sắm được trang thiết bị dạy học chậm so với yêu cầu.

Thời gian tập huấn thực hiện chương trình, sách giáo khoa ngắn, chủ yếu theo hình thức trực tuyến, GV ít được thực hành, soạn giảng trực tiếp. Vì vậy, ảnh hưởng đến chất lượng tập huấn đổi mới phương pháp dạy học theo phẩm chất, năng lực người học.

- Để công tác dạy và học được triển khai thuận lợi, hiệu quả, tỉnh đã có những giải pháp, kiến nghị, đề xuất gì đối với Bộ, ngành Trung ương?

- Trên cơ sở Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ GD&ĐT về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 và tình hình thực tế của tỉnh. Ngày 20/9/2022,UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công văn số 13881/UBND-VX về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023.

Theo đó, chỉ đạo tập trung thực hiện nhiều giải pháp để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ năm học. Đồng thời, kiến nghị, đề xuất đối với Bộ, ngành Trung ương một số vấn đề sau:

Đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển. Đối với khu vực miền núi, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng 100% các trường tiểu học theo mô hình bán trú.

Học sinh Trường Phổ thông DTBT-THCS Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hóa) tập dượt tiết mục chào cờ để chào đón lễ Khai giảng năm học mới.

Học sinh Trường Phổ thông DTBT-THCS Sơn Thủy (Quan Sơn, Thanh Hóa) tập dượt tiết mục chào cờ để chào đón lễ Khai giảng năm học mới.

Nghiên cứu chính sách cho GV và HS miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn đã không còn được hưởng chính sách sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg.

Chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu việc cắt giảm biên chế sự nghiệp GD như các loại hình sự nghiệp khác là chưa phù hợp với thực trạng biên chế GD của tỉnh Thanh Hoá như hiện nay.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ GD&ĐT một số vấn đề, như: Rà soát, sửa đổi định mức học sinh/lớp (theo quy định tại Thông tư liên tịch số 6/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 và Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12/7/2017), để các địa phương kịp thời xây dựng kế hoạch, có phương án bố trí, sắp xếp, tuyển dụng, đặc biệt là bậc THPT trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018.

Phối hợp Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế, bổ sung kinh phí hợp đồng GV theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/7/2020 của Chính phủ (trong khi chưa giao đủ biên chế).

Phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ quy định số lượng cụ thể (số lượng tối thiểu, tối đa) công chức làm việc tại phòng GD&ĐT, để thống nhất thực hiện trên toàn quốc. Bởi, hiện nay công tác quản lý nhà nước về GD&ĐT trên toàn quốc chưa thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, số lượng công chức làm việc tại phòng GD&ĐT.

Sửa đổi Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 hoặc ban hành văn bản hướng dẫn việc quản lý dạy thêm, học thêm bên ngoài nhà trường...

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa) trong giờ Tin học.

Học sinh Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (TP Thanh Hóa) trong giờ Tin học.

Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành liên quan giao đủ biên chế cho các cơ sở GD, nhất là khi số lượng học sinh tăng, số lớp tăng.

- Theo định biên, ngành giáo dục Thanh Hóa đang thiếu rất nhiều giáo viên. Vậy, tỉnh có những giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, thưa ông?

- Bước vào năm học 2022-2023, tỉnh Thanh Hóa thiếu hơn 10.000 GV các cấp học theo định mức quy định của Bộ GD&ĐT (nếu tuyển đủ số GV được Trung ương giao theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị và số chỉ tiêu biên chế đã được tỉnh giao năm 2022, thì sẽ thiếu gần 8.000 GV).

UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, Sở GD&ĐT khẩn trương xây dựng kế hoạch tuyển dụng hết số chỉ tiêu biên chế đã được tỉnh giao năm 2022 (tính đến tháng 8/2022) và số chỉ tiêu biên chế được giao bổ sung (gồm 1.681 chỉ tiêu) theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày18/7/2022 của Bộ Chính trị.

Giao Sở GD&ĐT phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định biệt phái GV từ nơi thừa đến nơi thiếu, áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh (hoàn thành trong Quý IV/2022).

Cô và trò điểm trường Sa Ná - Trường Tiểu học Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) trong ngày Khai giảng năm học mới 2022-2023.

Cô và trò điểm trường Sa Ná - Trường Tiểu học Na Mèo, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) trong ngày Khai giảng năm học mới 2022-2023.

Chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Sở GD&ĐT xây dựng, triển khai kế hoạch bồi dưỡng ngắn hạn đội ngũ GV dôi dư hiện có dạy liên môn, liên cấp, liên trường, liên huyện. Động viên GV các bộ môn còn thiếu nhiều GV dạy tăng tiết, tăng buổi.

Hợp đồng lao động với GV đã nghỉ hưu còn đủ sức khỏe, tâm huyết với nghề và số sinh viên sư phạm ra trường chưa có việc làm để giảng dạy các bộ môn còn thiếu nhiều GV trong các nhà trường.

"Giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Tài chính, các địa phương trong tỉnh, cơ sở đào tạo GV trong và ngoài tỉnh để triển khai thực hiện tốt kế hoạch đào tạo GV gắn với nhu cầu sử dụng theo quy định tại Nghị định số116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ, để tạo nguồn tuyển dụng cho các cơ sở giáo dục của tỉnh giai đoạn 2025-2030".

Riêng khối các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT, thì giao Sở chỉ đạo các trường THPT xây dựng phương án bố trí đội ngũ GV hợp lý. Đảm bảo có đủ GV dạy các môn bắt buộc, các môn lựa chọn, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, chuyên đề và hoạt động giáo dục địa phương theo Chương trình GDPT mới.

Đối với môn Nghệ thuật, thì căn cứ vào nhu cầu thực tế, có phương án chủ động hợp đồng hoặc thuê GV dạy môn Âm nhạc, Mỹ thuật cấp THCS có đủ trình độ chuyên môn theo yêu cầu để dạy môn Nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu học tập của HS.

- Từ khi Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực (4/6/2021), nhiều huyện vùng cao, biên giới trong tỉnh bị điều chỉnh, khiến lương của giáo viên bị cắt giảm; nhiều học sinh không được hưởng chế độ bán trú như trước, dẫn đến khá khó khăn trong cuộc sống. Vậy, tỉnh Thanh Hóa có chính sách hay cơ chế đặc thù gì để giúp giáo viên, học sinh vùng khó không, thưa ông?

- Cùng với việc đề xuất với Trung ương tiếp tục thực hiện, trước mắt để phụ huynh yên tâm gửi con ra lớp cũng như để tăng tỷ lệ huy động trẻ ra lớp ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo Sở GD&ĐT, các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện một số nội dung, như:

Tổ chức triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025).

Từ khi điều chỉnh theo Quyết định 861/QĐ -TTg, xã Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa) không nằm trong diện đặc biệt khó khăn, nên Trường Phổ thông DTBT-THCS Tam Thanh cũng giảm đáng kể số lượng học sinh được ăn, ở bán trú.

Từ khi điều chỉnh theo Quyết định 861/QĐ -TTg, xã Tam Thanh (Quan Sơn, Thanh Hóa) không nằm trong diện đặc biệt khó khăn, nên Trường Phổ thông DTBT-THCS Tam Thanh cũng giảm đáng kể số lượng học sinh được ăn, ở bán trú.

Khẩn trương tham mưu, hoàn thiện trình phê duyệt Đề án “Hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 - 2020, không thuộc diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững”.

"Kiến nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường các chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT, để xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD hiện nay, nhất là vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển. Đối với khu vực miền núi có cơ chế, chính sách khuyến khích xây dựng 100% các trường tiểu học theo mô hình bán trú".

Kiến nghị với Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban Dân tộc tham mưu cho Chính phủ có cơ chế đặc thù cho cán bộ, GV vùng cao, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 – 2020 và không thuộc diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 – 2025.

Chỉ đạo ngành GD tiếp tục rà soát, kiến nghị Bộ GD&ĐT sửa đổi Thông tư số 24/2010/TT-BGDĐT ngày 2/8/2010 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDT bán trú; Thông tư 30/2015/TT-BGDĐT ngày 11/12/2015 ban hành sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tổ chức, hoạt động của trường PTDT bán trú theo hướng mở rộng vùng tuyển và đối tượng tuyển sinh thuộc cả khu vực III, khu vực II và khu vực theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ đạo Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT rà soát, báo cáo đề xuất thực hiện hỗ trợ chế độ bán trú, tránh việc HS bỏ học vì không đủ điều kiện đóng tiền bán trú.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ