Dạy học tích hợp, liên môn: Để giáo viên tự do sáng tạo

GD&TĐ - “Nếu quản lý hành chính, nặng nề sẽ gây khó khăn cho giáo viên. Nên quản lý, theo dõi, giúp đỡ để giáo viên đạt được mục tiêu đó”.

Dạy học tích hợp, liên môn: Để giáo viên tự do sáng tạo

Câu nói của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chạm đúng và tháo gỡ băn khoăn của nhiều nhà trường trong việc thực hiện dạy học tích hợp, liên môn được nêu ra trong hội thảo về chủ đề này sáng nay (25/4) tổ chức tại Trường THPT Olympia (Hà Nội).

Thách thức từ giáo viên

Dạy học tích hợp, liên môn là phương pháp giảng dạy ưu việt được nhiều nước tiên tiến áp dụng trong chương trình giáo dục phổ thông, giúp học sinh phát triển một cách toàn diện.

Tất cả ý kiến tại hội thảo, từ nhà quản lý đến các giáo viên trực tiếp trải nghiệm dạy học tích hợp, liên môn đều gặp điểm chung là nhấn mạnh sự cần thiết và đề cao hiệu quả của phương pháp này. Tuy nhiên, đi cùng với đó là không ít trăn trở.

Cô Nguyễn Hồng Duyên - Giáo viên Trường THPT Olympia - cho rằng: Không dễ dàng có thể tìm ra các chủ đề học tập có thể liên môn, tích hợp với chương trình hiện hành. 

Giáo viên thực sự bị áp lực lớn trong việc đảm bảo tiến trình dạy học mà vẫn có các dự án tích hợp, liên môn, do đó, buộc phải dành riêng một tuần học tập, trải nghiệm sáng tạo cho hoạt động này.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội thảo. 

Bên cạnh đó, tuy nhà trường, phụ huynh hiểu rất rõ những lợi ích của hoạt động học tập trải nghiệm sáng tạo, song không thể tổ chức một cách liên tục, thường xuyên các hoạt động này do chi phí lớn, cần phải lên kế hoạch sự kiện một cách chi tiết và đồng bộ giữa nhiều môn học. 

Bên cạnh đó, không phải lúc nào cũng liên kết được với các đối tác, đơn vị tại các địa điểm khác nhau.

Thầy Nguyễn Hồng Lĩnh -Giáo viên Trường THPT Thực nghiệm - trong quá trình triển khai thiết kế bài học tích hợp, liên môn cũng gặp không ít khó khăn. 

Đó là giáo viên chưa có sự tăng cường hiểu biết kiến thức về dạy học nói chung, dạy học tích hợp nói riêng; chưa thực sự làm việc nhóm để trở thành nhóm cộng tác thiết kế, cộng tác thực hiện và thiếu kỹ năng làm việc nhóm; giáo viên vẫn hành động theo kinh nghiệm cá nhân…

Đại diện Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp - đưa ra thực trạng: Giáo viên nhiều trường rất ngại xây dựng các chủ đề liên môn vì mất rất nhiều thời gian công sức.

“Tư tưởng của Bộ GD&ĐT rất tuyệt vời. Nhưng cái khó là làm thế nào để tư tưởng này đến được với các nhà trường, để nhà trường và mỗi giáo viên làm theo một cách tự nguyện, để họ dạy học tích hợp, liên môn với tâm huyết thực sự” - Cô Nhiếp chia sẻ.

Quản lý phải giúp cho giáo viên đạt mục tiêu

Tại Hội thảo, cô Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành - cho rằng: Dạy tích hợp, liên môn, học sinh rất hứng thú và kết quả rất tích cực của học sinh chính là động lực lớn nhất để giáo viên cố gắng.

Đồng ý với quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói rõ thêm: Cùng với động lực từ sự đam mê, yêu thích của học sinh, từ thành công trong công việc của giáo viên, có một điều làm nên động lực cho giáo viên, đó là hãy làm mọi việc trở thành công việc rất bình thường của nhà trường không phải điều gì to tát.

Bên cạnh đó, công tác quản trị nhà trường phải tạo động lực cho giáo viên, bằng cách tin tưởng, lãnh đạo hỗ trợ giáo viên có thời gian cùng trao đổi, đừng đao to búa lớn, không hồ sơ sổ sách nhiều, không họp hành công thức nhiều.

“Tôi nghĩ, nếu quản lý hành chính, nặng nề sẽ gây khó khăn cho giáo viên. Nên quản lý, theo dõi, giúp đỡ để giáo viên đạt được mục tiêu đó; đánh giá trên công việc, đánh giá bằng học sinh chứ đừng đánh giá bằng viên có đủ sổ sách hay không… ” - Thứ trưởng nêu quan điểm.

Phải làm dần từng bước

Giải pháp cho những khó khăn về giáo viên tiến hành dạy học liên môn, tích hợp, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng:

Các trường sư phạm phải dạy cho giáo viên năng lực tích hợp để dạy được học sinh tích hợp. Giáo viên mới ra trường sau này sẽ không nói đến chuyện phải liên môn nữa, vì bản thân người ta đã tích hợp. Với các giáo viên cũ thì cần được bồi dưỡng.

Còn chương trình, sách giáo khoa hiện nay chưa tạo nhiều thuận lợi cho giáo viên dạy học phát triển năng lực tích hợp, sẽ viết lại chương trình, sách giáo khoa giúp dạy học tích hợp tốt hơn, thuận lợi hơn.

“Sách giáo khoa sắp tới, nếu có liên môn thì cũng vẫn phải có những môn khác nhau; và dù tích hợp vào thì cũng phải có những phân môn khác nhau. Rồi sẽ xây dựng nhiều chuyên đề, chủ đề… để tăng năng lực giải quyết vấn đề của học sinh. Tuy nhiên phải làm dần, từng bước” – Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ