Tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên
Theo kế hoạch, tỉnh Thanh Hóa yêu cầu tất cả GV, cán bộ quản lý cơ sở GDPT, Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) trong toàn tỉnh hoàn thành chương trình bồi dưỡng trước thời gian triển khai Chương trình, SGK mới với từng cấp học.
Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của từng thành phần được bồi dưỡng trên quan điểm thường xuyên, liên tục, tại chỗ. Tránh chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo kết quả bồi dưỡng thiết thực, bền vững, hiệu quả cao.
Những thành phần được bồi dưỡng trong năm 2021, gồm: GV phổ thông, tổ trưởng chuyên môn (TTCM), hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường phổ thông (bao gồm cả cốt cán và đại trà). GV dạy Chương trình giáo dục thường xuyên của các TTGDNN-GDTX; giám đốc, phó giám đốc các TTGDNN-GDTX.
Theo đó, số lượng GV phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở GDPT là: 1.495 GV phổ thông cốt cán và 40 cán bộ phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT. Trong đó, bậc tiểu học là 725 người; bậc THCS là 657 người; bậc THPT là 113 người; cán bộ phòng GD&ĐT là 27 người và cán bộ Ssở GD&ĐT là 13 người. Thời gian bồi dưỡng được tổ chức từ tháng 3/2021.
Đối với công tác bồi dưỡng GV phổ thông, cán bộ quản lý cơ sở GDPT đại trà tại địa phương, sẽ được tổ chức tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ thông qua hệ thống học tập trực tuyến (LMS) và sinh hoạt chuyên môn tại trường/cụm trường, với sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán 4 mô đun.
Số lượng GV đại trà tham gia bồi dưỡng là 30.954 người. Trong đó, bậc tiểu học là 15.447 người; bậc THCS là 9.983 người; bậc THPT là 5.119 người và khối GDTX là 405 người.
Ngoài ra, Thanh Hóa cũng tổ chức bồi dưỡng mô đun 3, 4, 5 và 9 cho cán bộ quản lý đại trà (hiệu trưởng, phó hiệu trưởng) cơ sở giáo dục phổ thông, Giám đốc, phó Giám đốc các TTGDNN-GDTX.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa cũng tổ chức các khóa bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý (CBQL) khác trong năm 2021, như: Tập huấn cho CBQL và GV trường THCS về xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và dạy học các môn bắt buộc lớp 9 trong Chương trình GDPThiện hành theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tại tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh cũng có kế hoạch tập huấn cho CBQL và GV trường THPT về xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường cho 1.320 người, gồm: 1.130 giáo viên của 14 môn: Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân, Tiếng Anh, Thể dục, Quốc phòng- An ninh...và 190 cán bộ quản lý)
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức tập huấn GV cốt cán về chuẩn đánh giá, ma trận đặc tả kiểm tra định kỳ kết quả học tập của học sinh cấp THCS, THPT ở Trung ương và tại tỉnh...
Nỗi lo thiếu thiết bị dạy học
Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố và các nhà trường (tiểu học, THCS) trong tỉnh đang tiến hành thống kê, đăng ký các danh mục thiết bị dạy học.
Theo khảo sát, nhiều phòng GD&ĐT, các trường học (thuộc diện thay SGK lớp 2 và lớp 6) đang tỏ ra khá lo lắng về vấn đề thiếu thiết bị dạy học.
Ông Lê Minh Thư – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lang Chánh, cho hay: Tỉnh đã phê duyệt kinh phí cho việc tập huấn thay SGK mới, nhưng kinh phí tập huấn chủ yếu ở Sở GD&ĐT, còn ở huyện không có.
“Đây là khó khăn cho các huyện trong việc tập huấn tại địa phương. Bởi lẽ, khi cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán đi tập huấn ở Trung ương và tỉnh về sẽ tổ chức tập huấn cho giáo viên tại các cụm huyện, thị xã, thành phố”, ông Thư nói.
Cũng theo ông Thư, đối với thiết bị lớp 2 và 6 theo công văn chỉ đạo của sở GD&ĐT, mỗi huyện chỉ được chọn danh mục thiết bị với tổng trị giá 61 triệu đồng đối với trường tiểu học. Còn trường THCS thì chỉ được lựa chọn các danh mục thiết bị với mức 150 triệu đồng.
“Đây là vấn đề mà phòng GD&ĐT huyện, các trường tiểu học và THCS đều lo lắng. Bởi lẽ, với số lượng thiết bị như quy định của tỉnh nêu trên chưa đảm bảo ở mức chuẩn tối thiểu của 1 cấp học.
Nếu chiếu theo quy định các danh mục thiết bị đạt chuẩn để thay SGK lớp 6 phải cần tới hơn 770 triệu đồng. Còn đối với danh mục thiết bị chuẩn để thay SGK lớp 2 cần hơn 220 triệu đồng.
Trong khi đó, ngân sách của huyện miền núi như Lang Chánh đang rất khó khăn, nên các trường không thể đủ kinh phí để mua”, ông Thư bộc bạch.
Cùng chung tâm trạng với ông Thư, ông Lê Huy Nhị - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), chia sẻ: Hiện tại, phòng GD&ĐT đang tham mưu cho UBND huyện một đề án, để hàng năm bổ sung thêm trang thiết bị phục vụ Chương trình GDPT mới và thay SGK cho các trường. Bởi lẽ, nhiều loại trang thiết bị mà tỉnh cấp cho các trường đang thiếu.
Cũng theo ông Nhị, liên quan đến vấn đề thực hiện Chương trình GDPT và thay SGK mới, huyệnThọ Xuân đang thiếu hơn 100 GV tiểu học. Do đó, huyện đưa ra giải pháp là phân công phó hiệu trưởng đứng lớp.
Đồng thời, cho các trường ký hợp đồng lao động với giáo viên đã về hưu và các giáo sinh mới ra trường. Tuy nhiên, nhiều giáo viên về hưu cũng không tha thiết đi dạy thêm, bên cạnh đó giáo sinh mới ra trường cũng rất ít.