Bên cạnh thuận lợi, nhiều địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn như thiếu cơ sở vật chất, đặc biệt là phòng học và phòng chức năng…
Xây dựng lộ trình
Căn cứ lộ trình triển khai Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Đồng Tháp thực hiện các bước bảo đảm cơ sở vật chất từ sớm.
Tỉnh đã tổ chức quy hoạch chi tiết mạng lưới trường học các cấp.
Hằng năm, địa phương tiếp tục rà soát, sắp xếp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Cơ sở vật chất trường học tiếp tục được đầu tư theo kế hoạch đầu tư công của ngành thông qua các chương trình: Kiên cố hóa trường, lớp học giai đoạn 2016 - 2020;
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;
Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và GDPT giai đoạn 2017 - 2025.
Năm học 2020 - 2021, Đồng Tháp có 7 trường (2 trường THPT, 5 trường THCS) được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng với quy mô 46 phòng học, 82 phòng chức năng (phòng học bộ môn, hỗ trợ học tập, phụ trợ, khu thể thao).
Tỷ lệ phòng học kiên cố cấp THCS đạt 86,95% và cấp THPT đạt 93,05%.
Các trường sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có và xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện Chương trình GDPT 2018 bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng, để triển khai Chương trình GDPT mới, tỉnh đã xây dựng, triển khai Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025 gắn với triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Đồng thời, địa phương tích cực huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội để phát triển GD-ĐT; tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục; phân bổ sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội ưu tiên đầu tư cho các trường ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn, đồng bào dân tộc Khmer.
Nhằm có đủ số phòng học cho lớp 1 và các lớp tiếp theo trong lộ trình thực hiện Chương trình GDPT mới, tỉnh Bạc Liêu sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, thực hiện dồn dịch điểm trường và các trường có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất không đảm bảo thành những điểm trường có quy mô lớn hơn để tập trung nguồn lực đầu tư.
Theo bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu: Để có đủ thiết bị dạy học, đặc biệt cho khối tiểu học, UBND tỉnh bố trí kinh phí để mua sắm với số tiền hơn 20,5 tỷ đồng.
Các trường học còn tận dụng, sửa chữa, bổ sung từ đồ dùng và thiết bị dạy học hiện có, phát động phong trào sưu tầm, tự làm và bảo quản đồ dùng dạy học trong từng đơn vị trường học.
Thiếu phòng học, phòng chức năng
Dù được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhưng phòng học 2 buổi/ngày, phòng chức năng, thiết bị dạy học… phục vụ chương trình mới tại một số địa phương vẫn còn thiếu và yếu.
Như tỉnh Bạc Liêu, để đáp ứng cơ sở vật chất thực hiện Chương trình GDPT mới, cần khoảng 1,8 nghìn tỷ đồng xây dựng bổ sung đủ số phòng học đạt chuẩn 1 lớp/1 phòng cấp mầm non và tiểu học. Đủ số phòng phục vụ học tập, phòng bộ môn và thư viện cấp tiểu học, THCS và THPT giai đoạn 2021 - 2025.
Theo Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, đồ dùng, thiết bị dạy học hầu hết đã cũ, hư hao, không phù hợp với chương trình mới (nhất là lớp 1).
Nhu cầu mua sắm bổ sung đủ thiết bị dạy học giai đoạn 2021 - 2025 lên tới trên 906 tỷ đồng.
Việc tổ chức dạy môn Tin học với điểm lẻ của trường có cấp tiểu học rất khó (vì không bảo đảm máy móc, thiết bị dạy học cũng như công tác bảo quản).
Tương tự, tỉnh Sóc Trăng, số phòng học lớp 1 đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày đạt 95%.
Chuẩn bị chương trình mới khối lớp tiếp, tỉnh cần xây dựng 428 phòng học, nâng cấp, sửa chữa 1.724 phòng học cấp 4; 57 phòng giáo dục thể chất; 119 phòng giáo dục nghệ thuật; 30 thư viện và 150 phòng thiết bị. Về thiết bị dạy học, qua kiểm kê, rà soát chỉ sử dụng được 15% số thiết bị cũ.
Theo ông Châu Tuấn Hồng, dù được quan tâm đầu tư nhưng một số trường còn khó khăn.
Trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu đổi mới.
Phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thực hành còn hạn chế dẫn đến việc đổi mới phương pháp dạy học gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Một số trường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học xuống cấp hoặc hư hỏng nhiều…