Năm học 2020 - 2021, Thái Nguyên có 683 trường học, tổng số trên 10.000 nhóm/lớp với trên 320 nghìn học sinh/trẻ. Về đội ngũ giáo viên, toàn tỉnh hiện có hơn 16.000 giáo viên, so với định mức biên chế quy định đang còn thiếu trên 5.300 giáo viên, trong đó đặc biệt cấp mầm non thiếu trên 2.100 giáo viên, cấp tiểu học thiếu trên 1.800 giáo viên, cấp THCS thiếu trên 1.200 giáo viên.
Để triển khai chương trình mới, đối với cấp tiểu học, các môn Công nghệ và Tin học, Tiếng Anh, Giáo dục thể chất đều thiếu khoảng 200 giáo viên mỗi môn. Với cấp trung học cơ sở, thiếu ở môn Công nghệ, 116 giáo viên, môn Khoa học tự nhiên, 34 giáo viên, môn Lịch sử và Địa lý thiếu 57 giáo viên.
Thực tế này đặt ra những khó khăn không nhỏ, nhất là việc đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, đã bắt đầu triển khai cho lớp 1 năm học 2020 - 2021, thực hiện với lớp 2, lớp 6 trong năm học 2021 - 2022.
Bên cạnh công tác tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sắp xếp, Thái Nguyên còn ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện thuê, khoán giáo viên giảng dạy trong điều kiện thiếu biên chế theo định mức. Riêng năm 2021, Thái Nguyên hỗ trợ trên 348 tỷ đồng để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy với 5.370 định mức giáo viên còn thiếu và 1.962 định mức nhân viên nấu ăn ở các trường mầm non.
“Các nhà trường không chỉ thuê, khoán giáo viên mới mà còn thuê, khoán với các giáo viên vừa nghỉ hưu, giáo viên ở trường khác, thậm chí là với chính giáo viên tại trường còn có thể bố trí giờ. Dù sao đây cũng chỉ giải pháp trước mắt, còn về lâu dài, cần tiếp tục sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, ngành giáo dục cần được bổ sung biên chế phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới” - ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên trao đổi.
Đối với trường tiểu học Kha Sơn (huyện Phú Bình), với 27 giáo viên biên chế và 6 giáo viên hợp đồng đang có, hiện nhà trường vẫn còn đang thiếu 5 giáo viên hợp đồng.
“Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi trao đổi với các trường trên địa bàn gần để phối hợp, chia sẻ, để các giáo viên hợp đồng dạy cùng lúc một vài trường, vừa giải quyết việc làm, vừa đáp ứng yêu cầu thực tế. Đồng thời, có những thời điểm không đủ giáo viên, chúng tôi cũng bố trí sắp xếp để một số giáo viên biên chế tại trường dạy thêm giờ để kịp thời đảm bảo” - thầy giáo Nguyễn Văn Duyên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ về cách làm của đơn vị.
Tại trường THCS Bình Thuận (huyện Đại Từ), dự kiến năm học tới sẽ đón 3 lớp khối 6. Nhà trường đã ưu tiên lựa chọn ra những giáo viên có trình độ, kinh nghiệm để phân công sẽ trực tiếp dạy các lớp này vào năm học mới.
“Khó khăn nhất là vấn đề chưa có nguồn giáo viên dành cho các môn tổ hợp, nhà trường đã tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho chính giáo viên các môn học liên quan hiện đang có. Quá trình dạy học, các giáo viên này sẽ được phân công phối hợp lên lớp, phụ trách những nội dung phù hợp chuyên ngành được đào tạo” - cô giáo Phạm Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.
Có thể thấy, để đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc bổ sung đội ngũ giáo viên đang là một “bài toán” không nhỏ đặt ra với ngành giáo dục Thái Nguyên.
Hiện nay Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên xây dựng Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, Đề án nhấn mạnh: Về số lượng và cơ cấu giáo viên, đảm bảo đủ số lượng giáo viên (biên chế và hợp đồng) theo tỷ lệ định mức giáo viên/lớp đối với các cấp học, trong đó tuyển đủ số giáo viên chuyên biệt còn thiếu ở mỗi cấp học (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục).