Chứng chỉ CDNN giáo viên: Nên lồng ghép vào bồi dưỡng Chương trình GDPT mới

GD&TĐ - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ, Bộ GD&ĐT xem xét, đề xuất hướng xử lý phù hợp hơn trong quy định chứng chỉ với đội ngũ viên chức.

Quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên. Ảnh minh họa
Quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp nhận được nhiều sự quan tâm của giáo viên. Ảnh minh họa

Trong quy định của Luật Viên chức năm 2010, “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó”. Theo đó, đối với ngành giáo dục, giáo viên cần có chứng chỉ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) giáo viên.

Thầy Lê Văn Luận – Trường THCS Nam Kim, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho hay, hiện thầy đang đi học chứng chỉ CDNN giáo viên. Trong khi thầy là hiệu trưởng và đã trải qua hơn 30 năm trong ngành từ vai trò giáo viên đến cán bộ quản lý.

Trước thực tế nhiều cán bộ, giáo viên đăng ký học chứng chí CDNN, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có công văn hướng dẫn gửi các Phòng GD&ĐT, trường học trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu rà soát cơ cấu, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, xác định đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm, xếp lương theo các thông tư mới.

Trước mắt, khi chưa có hướng dẫn chi tiết của Bộ GD&ĐT, thì giáo viên chưa tham gia các lớp bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp do các đơn vị không đủ điều kiện và chức năng bồi dưỡng.

Đồng thời, tìm hiểu kỹ các các quy định theo thông tư mới để xác định rõ mình thuộc đối tượng nào. Trường hợp giáo viên chưa đủ năm công tác, thì không cần học chứng chỉ nghề nghiệp sớm, tránh lãng phí. Thay vào đó, dành thời gian để bổ sung các điều kiện, tiêu chuẩn khác.

Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên là một tiêu chuẩn khi xét thăng hạng giáo viên.
Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên là một tiêu chuẩn khi xét thăng hạng giáo viên.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ và Bộ GD&ĐT xem lại và đề xuất hướng xử lý hợp lý hơn trong quy định về chứng chỉ với đội ngũ viên chức. Trong đó, yêu cầu nêu rõ loại chứng chỉ nào là điều kiện bắt buộc để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp; chứng chỉ nào là bồi dưỡng về chuyên môn – nghiệp vụ; chứng chỉ nào bắt buộc và không bắt buộc trong quản lý viên chức...

Cô Ng.T.P (huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) là một giáo viên trẻ, mới vào ngành được 3 năm. Cô cho biết trường học nơi cô công tác mới chỉ lập danh sách giáo viên có nhu cầu thăng hạng để rà soát tiêu chuẩn, và chờ cấp trên có hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, cô cũng chưa đăng ký đi học. Tuy nhiên, học phí của một khóa học này khoảng từ 2,5 triệu – 3 triệu đồng/người/ khóa. Theo cô P đây là số tiền tương đối lớn, bằng cả tháng lương đối với giáo viên mới ra trường.

Cô P cũng cho hay, năm học này cô được giao phụ trách lớp 1. Đây cũng là lớp đầu tiên triển khai chương trình GDPT 2018 và thay SGK. Vì vậy, cô cần dành nhiều thời gian để tham gia tập huấn, bồi dưỡng, sinh hoạt chuyên môn các cấp... nhằm đáp ứng yêu cầu dạy học. Cô tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm và hiện đang học liên thông lên ĐH để đạt chuẩn theo Luật Giáo dục sửa đổi.

“Nếu phải học thêm 1 chứng chỉ chứng nhận chức danh nghề nghiệp nữa đối với bản thân tôi là rất vất vả. Tôi mong rằng, đối với giáo viên đã được đào tạo sư phạm chính quy, hiện đang công tác đúng nghề thì được công nhân đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, và miễn thi chứng chỉ này”, cô giáo trẻ nói.

Một số cán bộ, nhà giáo khác cũng đề xuất chỉ quy định chứng chỉ chức danh nghề nghiệp với những trường hợp thi hoặc xét thăng hạng. Ngoài ra, nên miễn thi chứng chỉ đối với giáo viên lớn tuổi, sắp nghỉ hưu.

Trường Tiểu học Lưu Kiền (huyện Tương Dương, Nghệ An) tổ chức tập huấn giáo viên đại trà chương trình SGK mới
Trường Tiểu học Lưu Kiền (huyện Tương Dương, Nghệ An) tổ chức tập huấn giáo viên đại trà chương trình SGK mới

Một hiệu trưởng trường THCS bày tỏ quan điểm: Cần phải hiểu rõ rằng, chứng chỉ chức danh nghề nghiệp không phải do Bộ GD&ĐT ban hành, mà là quy định trong Luật Viên chức.

Ngành giáo dục hiện đang triển khai chương trình GDPT mới (GDPT 2018) và thay SGK. Để đáp ứng yêu cầu chương trình mới, tất cả giáo viên đều có tài khoản để học, tập huấn kèm theo kiểm tra, thi đánh giá online. Vì vậy, về mặt chuyên môn, Bộ GD&ĐT đã có chỉ đạo, chuẩn bị để cán bộ nhà giáo có đủ trình độ, năng lực giảng dạy cũng như quản lý.

Trong khi đó, chương trình đào tạo cấp chứng chỉ chức danh giáo viên không mới, một số nội dung dạy lại của trường đào tạo sư phạm. Vì vậy, vị hiệu trưởng này cho rằng, nên xem xét việc công nhận cho những giáo viên đã tham gia đầy đủ 9 mô đun tập huấn chương trình GDPT 2018 đủ tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, hoặc miễn thi chứng chỉ cho họ.

Một trong những lý do giáo viên băn khoăn về chứng chỉ này, là liên quan đến điều kiện thăng hạng giáo viên, cùng với đó là quy định về bậc lương theo hạng tương ứng. Việc phân hạng hay phân loại áp dụng cho tất cả viên chức chứ không riêng giáo viên. Để thăng hạng, giáo viên phải có tiêu chuẩn cần và đủ, trong đó, chứng chỉ là điều kiện đủ. Theo chùm thông tư mới của Bộ GD&ĐT, một số giáo viên đang là hạng II bị xếp xuống hạng III dù vẫn được giữ nguyên lương.

Theo ông, nếu nói Bộ GD&ĐT xem xét bỏ loại chứng chỉ nào là chưa chính xác. Mà đề xuất Bộ GD&ĐT xem xét việc giữ nguyên lương chuyển hạng thì có cần chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hay không? Vì thực tế, khi học về chương trình GDPT 2018, họ đã được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, quản trị nhà trường... gấp nhiều lần so với việc học chứng chỉ trong vòng 4 -5 ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ