Ngày 26/3, Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai (Hà Nội) tổ chức chương trình Ngày hội STEM cấp THCS năm học 2020-2021 với mục tiêu đưa giáo dục STEM trở nên gần gũi hơn, thiết thực hơn.
Ngày hội có sự tham gia của ông Trần Quý Thái - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, bà Phạm Đàm Thục Hạnh- Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai, ông Hà Lam Sơn- chuyên gia STEM đến từ Sở GD&ĐT Hà Nội cùng đông đảo giáo viên, học sinh đến từ tất cả 16 trường THCS trên địa bàn quận.
Tham gia ngày hội STEM, các trường đã lựa chọn 5 giáo án và 85 sản phẩm tiêu biểu giới thiệu trong 6 gian trưng bày tại Trường THCS Hoàng Liệt. Đặc biệt, Trường THCS Hoàng Liệt đã mang đến Ngày hội 2 gian trải nghiệm để các em học sinh có thể tham gia vào các hoạt động thực tế như làm son dưỡng môi từ nguyên liệu thiên nhiên, bánh trôi ngũ sắc, trồng cây thủy sinh...
Ngoài ra, các giáo viên, hiệu trưởng đã có các bài tham luận, trao đổi một số kinh nghiệm tổ chức hoạt động giáo dục STEM trong các nhà trường.
Để chuẩn bị cho ngày hội STEM, từ đầu năm học 2020-2021, các nhà trường đã triển khai hoạt động giáo dục STEM, phát động trong giáo viên, học sinh tham gia thiết kế giáo án dạy học tích hợp giáo dục STEM, sáng tạo các sản phẩm mang tính ứng dụng trong cuộc sống.
Với sự hỗ trợ của các thầy cô giáo, những ý tưởng của các em học sinh đã trở thành những sản phẩm gần gũi với đời thường, những sản phẩm từ nhu cầu sử dụng thực tế như máy rửa tay tự động, mô hình nước lọc mini, mô hình nhà nổi chống lũ, đồ dùng đồ chơi trang trí trong nhà... Đây đều là những sản phẩm được đúc kết từ những bài học trong sách giáo khoa mà các em đã được học.
Phát biểu khai mạc chương trình, bà Phạm Đàm Thục Hạnh- Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho biết: Giáo dục STEM có nhiều lợi ích tích cực. Một trong những điểm mạnh của hoạt động này là giáo dục theo hướng tích hợp liên môn thay cho dạy đa môn rời rạc.
Đây là cách tiếp cận rất mới, rất thiết thực, cần thiết. Bởi lẽ để giải quyết các vấn đề của thưc tiễn thì không chỉ cần đến kiến thức của một môn học mà phải tổng hòa, tích hợp kiến thức của nhiều môn học.
Điểm mạnh tiếp theo của giáo dục STEM là dạy học gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành. Khi đó, Toán học không chỉ phục vụ cho môn Toán mà phục vụ cuộc sống. Giáo dục STEM đồng thời thay đổi phương thức học tập là học qua làm, học qua nghiên cứu, giúp học sinh tìm tòi khám phá tri thức, từ đó hình thành phẩm chất năng lực.
Chương trình GDPT mới có mục đích cốt lõi cũng là hình thành phẩm chất năng lực thông qua việc học sinh đổi mới cách học cách nghĩ. Do đó, giáo dục STEM cần được tiếp tục đẩy mạnh trong các nhà trường vì đây thực sự là một phương pháp giáo dục hiện đại.
Tiếp cận với xu hướng của giáo dục STEM, từ năm học 2018-2019, Phòng GD&ĐT quận đã chỉ đạo tổ chức Ngày hội STEM điểm tại Trường THCS Tân Định với nhiều gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm STEM của học sinh. Giáo viên và BGH các nhà trường trong quận không chỉ được tham quan mà còn được thảo luận về cách thức, phương pháp đưa giáo dục STEM vào nhà trường với các chuyên gia đến từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Sau đó, tinh thần giáo dục STEM đã được triển khai đồng bộ ở tất cả các nhà trường trong quận. Nhiều nhà trường đã tổ chức thành công Ngày hội STEM cấp trường với những hoạt động bổ ích, thiết thực như THCS Định Công, THCS Tân Định. Riêng Trường THCS Tân Định, hoạt động trải nghiệm STEM đã đi vào chiều sâu với một số lớp học STEM, thường xuyên tổ chức hoạt động giáo dục này hàng tuần.
Bà Phạm Đàm Thục Hạnh nhấn mạnh: Giáo dục STEM đã được Phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai triển khai từ khá sớm và đã đi vào chiều sâu, phát huy giá trị trong thực tiễn dạy học của các nhà trường trong quận.
Ngày hội STEM được tổ chức sẽ tiếp tục khơi dậy niềm vui, niềm đam mê khoa học trong các em học sinh, đồng thời đem nhận thức mới đến nhiều bậc phụ huynh và các thầy cô giáo; đưa giáo dục STEM vào trong nhà trường, hình thành những câu lạc bộ STEM tại các trường. Mong ngày hội STEM sẽ trở thành một mô hình được nhiều người ủng hộ và sẽ được triển khai ở khắp các trường học.